Trồng lan kim điệp nhựa theo cách này đảm bảo cây khỏe, đẹp, hoa rực rỡ khó tin

Kim điệp nhựa là cái tên khá độc đáo mà người chơi lan đã dành tặng nó. Nói đến kim điệp, chúng ta thường nghĩ ngay đến loài lan cực thơm nhưng lại khá khó chơi, khó thuần.

Đặc điểm của lan kim điệp nhựa

Lan kim điệp nhựa còn có tên gọi khác đó là kim điệp sáp, kim điệp thơm.

Ở Việt Nam chúng được tìm thấy trong rừng trên thân cây ở độ cao từ 300- 1500 mét. Chúng sống bám trên các cây thân gỗ cao, tán lá không quá rậm rạp, ưa nắng ẩm, không thích nóng.

Kim điệp nhựa có thể cho hoa bền khoảng 2 tháng trong điều kiện lý tưởng với mùi thơm khá đặc trưng ngang với giả hạc, đai châu hay cả trầm.

Cách trồng lan kim điệp nhựa

Kim điệp nhựa khá khó chơi và khó thuần vì vậy bạn cần chăm sóc nó thật đúng kĩ thuật ngay từ khi đưa em ấy về.

– Chọn giống

Nên chọn loại hàng giề to vừa phải, đầy đủ thân lá, càng đẹp càng tốt. Không nên mua hàng thanh lý, dập, trụi lá.

Không nên mua các loại nhiều rễ bám chi chít hay bóc rừng cả mảng to đùng vì trước sau cũng phải cắt bỏ.

– Cách xử lý giống

Trước tiên, ta cắt tỉa toàn bộ rễ già trên 1 năm của giề và những rễ bị bệnh hoặc dập nát.

Tiếp theo, tiến hành ngâm giống xử lý nấm bằng Physan 20SL 1ml/1 lit nước. Sau 5-10 phút thì vớt ra treo ngược cho khô.

Sau đó, ngâm tiếp vào chế phẩm Hùng Nguyễn 1ml/1lit trong 30 phút hoặc Vitamin B1 kết hợp với NPK Te (cứ 2l nước thì 4ml B1 và 1 gam NPK) trong 10 phút.

Cuối cùng, treo lên chờ khô rồi ghép.

– Cách ghép lan kim điệp nhựa vào giá thể

Các loại giá thể phù hợp cho kim điệp nhựa là gỗ nhãn, gỗ vải, lũa, viên đất nung, dớn cọng, dớn bảng.

Bạn có thể ghép lan kim điệp vào chậu hoặc dớn, gỗ đều được nhưng bạn chú ý cần chọn loại giá thể càng bền càng tốt vì chúng rất ghét thay giá thể.

Cùng với đó, người chơi phải xử lý giá thể thật kỹ vì kim điệp nhựa không thích axit.

Chăm sóc kim điệp nhựa

Kim điệp nhựa ưa ẩm khoảng 70-90%, nếu như cây khô quá thì rễ khó phát triển dẫn đến khó thuần.

Ngoài ra trồng kim điệp nhựa đòi hỏi giàn phải thoáng. Nếu không đảm bảo yêu cầu này thì sau 1-2 cơn mưa đầu mùa thì các giả hành sẽ bị thối và lây lan lẫn nhau.

Kim điệp nhựa cần lúc khô lúc ẩm, bạn tưới nước 1-2 lần/ngày là phù hợp nhất.

Kim điệp nhựa là loại lan ưa ánh nắng nhưng lại không thích nhiệt độ cao. Vì vậy bạn nên treo chúng dưới 1 lớp xanh đen của thái nhưng phải cách xa giàn để hạ nhiệt.

Về chế độ phân bón, loại lông đen này thì bạn có thể sử dụng B1 và NPK+TE + Nano đồng phun 2 lần/tháng. 1 tháng phun trung lượng Magie 1 lần và 2 tháng phun nước vôi trong 1 lần.

Phòng bệnh cho lan kim điệp nhựa

Sử dụng Nano Bạc, Agrifos 400 (pha liều 50ml pha 16 lít), Benkona, Kasumin+Antracol+Nativo, các bộ đôi trị nấm khuẩn… để phòng bệnh, phun khoảng chục ngày/lần. Nếu bạn có hệ thống giàn thoáng và che mưa tốt thì có thể giãn 1 tháng phun phòng bệnh 1 lần.

Kim điệp nhựa rất dễ bị rệp vảy do cấu trúc giả hành xếp sít nhau vì vậy bạn cần kiểm tra thường xuyên, nếu thấy thì dùng Movento.

Nên dùng thuốc trị nhện đỏ định kỳ 1 lần với Pesieu hoặc SK Ensparay 99EC hoặc Ortus. 4-5 tháng dùng Fendona phòng trị bọ trĩ, gián, kiến… 1 lần.

>>> XEM THÊM: Đây là cách trồng lan kiều cực kì hiệu quả, tiết kiệm giống