Quyết tâm theo đuổi nông nghiệp đô thị, nữ nông dân TP.HCM bỏ việc văn phòng, trồng hoa lan thu tiền tỷ

Chị Nguyễn Thị Thanh Dung bỏ công việc văn phòng, theo đuổi nghề trồng hoa lan. Đến nay, vườn lan chị Dung đạt doanh thu khoảng 1 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí lãi 300 triệu đồng/năm.

Nữ nông dân TP.HCM trồng hoa lan thu tiền tỷ

Trước khi đến với nghề trồng lan, chị Nguyễn Thị Thanh Dung – chủ vườn lan Thanh Dung (ấp Bàu Tròn, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP.HCM) là một nhân viên văn phòng, chưa có kỹ thuật trồng hoa lan.

Là một người yêu hoa và thích làm nông nghiệp, chị Dung bắt đầu tìm hiểu về hoa lan vè bén duyên với nghiệp làm vườn. Năm 2010, chị Dung đi học hỏi kinh nghiệm từ những vườn lan lớn, từ tài liệu sách báo và từ các cán bộ khuyến nông, cán bộ Hội Nông dân địa phương. Sau đó chị nghỉ công việc văn phòng, bắt đầu theo đuổi nghề trồng lan với vườn lan ban đầu có diện tích 7.000m2.

Nữ nông dân TP.HCM trồng hoa lan thu tiền tỷ là chị Nguyễn Thị Thanh Dung – chủ vườn lan Thanh Dung. Ảnh: H.G

Được biết vườn lan Thanh Dung ra đời với những chủng loại chính là Dendrobium sonia white và Dendrobium sonia earsakul để cung cấp lan chậu và cắt cành cho thị trường. Ngoài ra chị Dung còn cung cấp cho các cửa hàng hoa, đại lý hoa bán lẻ tại các tỉnh như: Tây Ninh, Đồng Tháp, Vũng Tàu, Đồng Nai…

Hiện nay, vườn lan Thanh Dung đã được mở rộng diện tích lên 15.000m2, có nhiều giống lan phong phú, năng suất cao, đáp ứng nhu cầu thị trường như: lan Dendrobium nắng với màu sắc nổi bật, đẹp, có giá trị kinh tế cao; lan cẩm cù (Hoya carnosa) – còn được gọi là: lan cầu lông, lan sáp, lan anh đào, lan câu,…

Đặc biệt, vườn lan của chị cũng đã mạnh dạn đầu tư trồng lan từ chai mô (được nhập khẩu từ Thái Lan) đến cây trưởng thành để có thể chăm sóc cây cho ra hoa đẹp, đặc sắc.

“Điều này, sẽ giúp vườn lan có thể dần dần chủ động được nguồn giống và chủ động được quá trình sản xuất. Vườn lan Thanh Dung đã đầu tư phòng cấy mô riêng để chủ động về cây giống, thời gian sản xuất, mang lại hướng đi mới cho nông dân”, chị Dung cho biết.

Tác phẩm hoa lan “Đường về nhà Bác” của vườn lan Thanh Dung. Ảnh: Hội Nông dân TP.HCM

Mỗi năm doanh thu vườn lan Thanh Dung đạt khoảng 1 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lãi 300 triệu đồng/năm. Vườn lan của chị Dung đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam chứng nhận mô hình lan đẹp.

Năm 2014, vườn lan Thanh Dung đã vinh dự đón nhận kỷ niệm chương Vì sự phát triển Nông nghiệp – Nông dân – Nông thôn Việt Nam. Vườn lan Thanh Dung của chị còn tham gia Hội thi Thiết kế sân vườn trong khuôn khổ Festival Hoa lan TP.HCM hàng năm.

Mới đây nhất, sản phẩm hoa lan của chị Dung được Hội Nông dân TP.HCM công nhận là 1 trong 24 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của thành phố năm 2023.

Hoa lan của chị Nguyễn Thị Thanh Dung được vinh danh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của TP.HCM năm 2023. Ảnh: H.G

Đẩy mạnh công tác phát triển giống hoa – cây kiểng

Hoa lan được xác định là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP.HCM. Trong kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn năm 2024, Sở NNPTNT thành phố đặt mục tiêu năm 2024, diện tích canh tác và diện tích gieo trồng hoa kiểng ứng dụng công nghệ cao của thành phố đạt 200ha.

Đối với lĩnh vựa hoa – cây kiểng, ngành nông nghiệp thành phố sẽ triển khai sưu tập giống hoa kiểng, giống kiểng lá mới có tiềm năng giá trị kinh tế cao trên thị trường. Khảo sát các đặc tính sinh học và đánh giá tính thích nghi các giống sưu tập. Chăm sóc duy trì và bảo tồn nguồn gen các giống hoa kiểng đã sưu tập. Nhân giống một số giống hoa kiểng sưu tập có tiềm năng kinh tế cao phục vụ sản xuất thương mại. Dự kiến trong năm 2024, nhân giống thành công 400 – 800 chậu hoa, kiểng lá mới sưu tập.

Hoa lan, cây kiểng đang đem về thu nhập cao cho nông dân TP.HCM. Ảnh: Quang Sung

Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ trồng thử nghiệm và đánh giá tính thích nghi của một số giống hoa mới. Dự kiến trong năm 2024, xây dựng quy trình canh tác phù hợp, đưa ra khuyến cáo giống cho người dân sản xuất đạt hiệu quả cao nhất; chọn lọc được 1 – 2 giống hoa mới phù hợp với điều kiện gieo trồng trong nhà kính ở TP.HCM.

Ngành nông nghiệp thành phố tiếp tục tăng cường công tác chuyển giao giống hoa mới phù hợp điều kiện và nhu cầu sản xuất của thành phố. Điều tra, khảo sát thu thập số liệu về nhu cầu về giống hoa của thành phố.

Theo kế hoạch, TP.HCM sẽ tập trung xây dựng chuyển đổi số vào nhóm sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp: rau, hoa – cây kiểng, bò sữa (con giống, sữa), heo (con giống, thịt), tôm nước lợ và cá cảnh (sản phẩm có tiềm năng). Qua đó đẩy mạnh thực hiện các chương trình trọng điểm của ngành giai đoạn 2021 – 2025 theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh cơ cấu nông nghiệp, góp phần thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, xây dựng đô thị thông minh của thành phố.

Theo Dân Việt