Hướng dẫn cách trồng và chăm sóc hoa lan hồ điệp sau tết

Lan hồ điệp là một trong những loại cây cảnh được nhiều người lựa chọn để trưng bày trong những ngày Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, sau khi chơi Tết xong, nếu không kịp thời xử lý chăm sóc đúng kỹ thuật thì cây rất dễ suy yếu khó phục hồi hoặc có thể bị chết. Vậy để có thể trồng lại hoa lan hồ điệp để cây tươi tốt quanh năm và hoa nở đẹp vào vụ Tết năm sau bạn cần tham khảo một số bước kỹ thuật sau đây.

Chuẩn bị chậu và giá thể mới

Khi trồng lại hoa lan hồ điệp chúng ta cần loại bỏ chậu và giá thể cũ. Với chậu mới bạn cần dùng chậu có kích thước lớn hơn chậu hiện có từ 1-2 inch. Chậu cần được khử trùng để loại bỏ các vi khuẩn. Để chậu khô sau đó cho giá thể trồng lan đã được xử lý vào.

Khi thay chậu cho cây cần lưu ý giá thể trồng lan phải được làm từ các loại vỏ cây, rêu, dớn hoặc than củi. Tuyệt đối không sử dụng đất mùn hoặc giá thể đa dụng bởi vì cấu trúc của giá thể này kém thoáng khí và giữ nước lâu. Chúng có thể hại chết cây lan.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa lan hồ điệp sau tết

Việc chủ động cắt hoa sớm sẽ giúp giảm bớt lực để nuôi hoa, nuôi thân. Và chúng sẽ có nhiều chất dự trữ để cây sinh trưởng, phát triển và ra hoa lại sau này. Vì thế hãy tiến hành xác định thời điểm trồng để cắt hoa sớm. Nên cắt ngay khi hoa bắt đầu tàn khoảng 60-70% số lượng hoa trên thân. Đây là thời điểm thích hợp nhất.

Những lá thân, rễ không cần thiết hoặc bị thối, sâu bệnh, vàng lá nên tiến hành loại bỏ. Chúng không có tác dụng gì khác ngoài việc gây hại cho cây. Chúng hút thêm chất dinh dưỡng của cây khiến cho không đủ cho mầm phát triển. Cắt càng sớm càng tiết kiệm được nhiều dưỡng chất cho cây.

Cây sau khi xử lý xong phần rễ thường ít nên rất khó đứng vững trong chậu. Để cây đứng vững thì cần cố định cây bằng các vật dụng như xốp, dây buộc. Buộc dây vào gốc và cố định chắc chắn sang hai bên không cho cây bị lung lay.

Sau khi trồng xong cần để cây vào chỗ mát, tránh mưa tuyệt đối, để khô thoáng 2 – 3 ngày thì tưới đẫm chậu 1 lần.

Để kích thích cho cây lan hồ điệp sau tết không thể thiếu phân bón. Vào mùa hè, khi lan hồ điệp bước vào giai đoạn sinh trưởng thì bạn cần bón phân chuyên dụng cho cây lan. Phân bón cần được pha loãng và bón cho cây để tránh cây bị sốc hoặc ngộ độc. Cần bón phân theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì. Bón quá nhiều phân không hề có lợi cho cây. Bạn có thể bón phân với nồng độ thấp hơn một chút so với hướng dẫn trên bao bì.

Cụ thể, cần pha phân bón B1 hoặc thuốc kích thích tăng trường như Atonic, H/K… thật loãng, tỷ lệ 1/2 thìa cà phê pha với 20 lít nước sạch sau đó phun sương hằng ngày 2 lần tưới cho cây.

Sau trồng lại khoảng 10 – 15 ngày cây bắt đầu nhú ra rễ mới, đợi rễ non cắm vào giá thể thì đổ thêm một lớn giá thể nhỏ thêm vào chậu để cho cây đứng vững.

Sau 1 – 2 tháng cây phát triển phục hồi trở lại, tiến hành bón phân chăm sóc như bình thường.

Do lan hồ điệp có khả năng chịu hạn rất kém nên bạn cần chú ý tưới nước đúng cách cho cây để giúp cây phát triển khỏe mạnh. Nếu cây không được cung cấp đủ nước chúng sẽ bị khô và héo.

Để tưới nước cho lan hồ điệp, bạn cần tưới nước lên lá cây, thân cây, rễ cây 3-4 lần trong khoảng 10 phút. Khoảng thời gian này đủ để cây hấp thụ nước. Sau đó cần đảm bảo rằng cây đã thoát hết nước. Đảm bảo nước không được đọng ở thân cây để cây không bị thối và chết.

Đối với cây lan hồ điệp, bạn nên tưới nước cho cây mỗi tuần 1 lần. Vào màu đông có thể giảm tưới nước. Tuy nhiên cần lưu ý không bao giờ được để rễ khô hoàn toàn cũng không được để cây ngâm trong nước. Cần để nước thừa thoát đi. Loại nước phù hợp để tưới cho cây là nước mưa. Vào mùa hè, có thể kết hợp thêm phun sương để tăng độ ẩm cho cây lan hồ điệp. Khi tưới nước nên hạn chế làm ướt lá cây để hạn chế nấm bệnh.

Bên cạnh cách trồng lan hồ điệp sau tết thì cách nhân giống lan hồ điệp cũng là mối quan tâm của nhiều người. Hiện nay cách nhân giống lan hồ điệp bằng phương pháp keiki được nhiều người áp dụng. Theo đó keiki là cây con nhỏ giống cây mẹ được mọc ra từ một nút trên thân hoa. Sau khi keiki được hình thành rễ, bạn có thể tách cây con này ra khỏi cây mẹ và trồng vào chậu riêng. Bạn có thể nhân giống hoa lan bằng phương pháp keiki theo các bước dưới đây:

Cắt bỏ ngồng hoa từ đoạn có phân nhánh hoặc có hoa trở lên và cách mắt từ 1-3cm. Tính từ gốc cây trở lên, bạn để 3-4 khúc của ngồng hoa. Sau đó dùng Daconil hoặc thuốc chống bệnh bôi vào vết cắt. Sau đó dùng vải mềm quấn vào xung quanh mắt ngồng với độ dày 2-4mm và rộng 5-7mm.

Bón phân NPK 20-20-20 để cây mẹ phục hồi sau đợt ra hoa tết.

Từ khi bắt đầu đến tiến hành nhân giống đến khi các mắt sưng lên, hơi nhú đầu rễ, hoặc chồi cây keiki, bạn nhỏ thuốc kích thích Antonic, hoặc B1 Thái.

Khi mắt sưng, rễ và chồi hơi nhú thì tháo vải ra và dùng thuốc Rootplex 1/1000 để phun. Ngoài ra sử dụng một ít Antonic và B1 thái và phun như bón lá.

Sau vài tuần, cây keiki sẽ nhú ra từ những mắt ngồng của cành hoa cũ. Tuy nhiên nên chờ khoảng 1 năm cho cây con có 2-3 lá và có một vài rễ tốt mới tách khỏi cây mẹ.

Khi tách keiki ra khỏi cây mẹ, bạn cần chuẩn bị kéo, chậu trồng, giá thể chuyên dụng. Khử trùng kéo sau đó tách keiki ra khỏi cây mẹ. Làm ẩm bầu giá thể và trồng keiki vào chậu riêng. Hàng ngày phun sương cho cây con đến khi cây phát triển ổn định.

Lưu ý

Cây hoa lan hồ điệp dễ bị nhiễm nấm nên bạn cần thường xuyên phun thuốc chống nấm để đề phòng sâu bệnh cho cây.

Cây lan hồ điệp có khả năng giữ nước và giữ đất kém. Do đó bạn cần thường xuyên tưới nước và bổ sung chất dinh dưỡng cho cây.

Mùa hè cần bổ sung thêm nước cho cây, mùa mưa cần lên biện pháp thoát nước để tránh cây bị ngập úng, thối lá.

Cây hoa lan hồ điệp không cần nhiều ánh sáng như các loại cây khác nên bạn có thể treo chúng ở trước sân vườn hoặc cửa sổ.

>>> XEM THÊM: Quyết tâm theo đuổi nông nghiệp đô thị, nữ nông dân TP.HCM bỏ việc văn phòng, trồng hoa lan thu tiền tỷ

Nguồn: Báo Dân Tộc