Trồng lan cấy mô mang lại hiệu quả kinh tế cao

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An vận động hội viên đổi mới tư duy khởi nghiệp, ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Từ đó, nhiều chị em thay đổi cách nghĩ, cách làm, nỗ lực khắc phục khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế.

Chị Nguyễn Thị Kim Loan (ấp Lộc Tiền, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc) đầu tư phòng trồng hoa lan cấy mô

Hoa phong lan được nhiều người ưa chuộng bởi không chỉ đẹp mà còn mang giá trị kinh tế khá cao. Người chơi hoa lan cũng ngày càng nhiều, trong đó nhiều người mạnh dạn đầu tư và làm giàu từ trồng lan, đặc biệt là mô hình Trồng hoa lan cấy mô.

Nắm bắt được xu hướng của thị trường, chị Nguyễn Thị Kim Loan (ấp Lộc Tiền, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc) mạnh dạn áp dụng khoa học – kỹ thuật, đầu tư phòng nuôi cấy mô để cung cấp cây con, lan giống cho nhà vườn, có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Chị Loan cho biết: “Với đam mê trồng lan từ nhỏ, lại có người em học ngành Công nghệ sinh học nên chị em tôi quyết định đầu tư vốn trồng lan cấy mô”. Thời gian áp dụng mô hình này chưa đầy 1 năm nhưng đến nay, sản phẩm lan cấy mô được nhiều người biết đến. Hiện tại, vườn lan có quy mô 4.000m2 với gần 20 loại lan khác nhau. Nhu cầu hoa lan trên thị trường ngày càng cao, nhất là những dòng lan rừng đặc hữu của từng vùng, miền nên loại lan này đã bị khai thác cạn kiệt. Việc phát triển mô hình Trồng hoa lan cấy mô để bảo tồn cũng như lưu giữ, phát triển các dòng lan quý hiếm đang rất triển vọng.

Trong quá trình trồng, chị Loan nhận thấy thị trường lan giống trong nước phụ thuộc nhiều vào lan giống của Thái Lan. Người trồng không chủ động được cây giống, chất lượng sản phẩm không ổn định do phải vận chuyển xa.

Việc mở phòng cấy mô ở địa phương tạo ra sản phẩm đồng loạt mang đặc tính hoàn toàn giống với cây cha mẹ (cây con ổn định về mặt di truyền, độ gen chính xác), nguồn giống khỏe, giống thuần, không bị lai tạp, tạo sản phẩm cây giống với số lượng lớn nên khả năng cạnh tranh về giá trên thị trường các nơi thấp hơn. Hơn nữa, giá bán rẻ hơn giống lan nhập nên chi phí đầu tư trồng sẽ thấp hơn, lợi nhuận cao hơn.

Hiện tại, mỗi năm, chị Loan cung cấp cho thị trường 100.000 cây lan, khách hàng chủ yếu ở các tỉnh miền Bắc, miền Tây và TP.HCM. Để thuận lợi cho việc phân phối cây giống, chị liên kết với các vườn lan trên địa bàn huyện và quảng bá trên mạng xã hội,… Đối với chị em có nhu cầu trồng lan, chị sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc,…

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, chị Loan còn tạo việc làm ổn định cho 4 lao động ở địa phương. Từ hiệu quả mang lại, mô hình Trồng hoa lan cấy mô của chị Loan đoạt giải nhì Cuộc thi Phụ nữ sáng tạo – khởi nghiệp năm 2023 do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức./.

>>> XEM THÊM: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 đến từ Sài Thành là cô gái trồng hoa lan, tự trả lương cao từ hoa lan

Theo Báo Long An