TP.HCM: 9x làm mật dừa nước, hoa lan độc lạ trở thành nông dân tiêu biểu

Không dừng lại ở việc sản xuất và xây thương hiệu mật dừa nước, anh nông dân tiêu biểu 9x Phan Minh Tiến (xã Bình Khánh, Cần Giờ, TP.HCM) còn đang xây dựng sản phẩm này thành OCOP (Mỗi xã một sản phẩm), một đặc sản của địa phương.

Anh nông dân tiêu biểu 9x Phan Minh Tiến (xã Bình Khánh, Cần Giờ, TP.HCM) nhận bằng khen của UBND TP.HCM từ tay Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Hồ Hải. Ảnh: Trần Đáng.

Nông dân tiêu biểu

Anh Tiến cho biết, anh sinh ra và lớn lên trên vùng đất duyên hải này. Tuổi thơ của anh gắn liền với cây dừa nước mọc ngút ngàn ở đây.

Trước đây, sau khi cắt buồng dừa nước, người dân sẽ bỏ lại cuống dừa. Nay anh Tiến sử dụng túi nilon bọc đầu các cuống dừa và dùng “kỹ thuật massage” để lấy mật.

Cứ mỗi cuống dừa, anh lấy được 20 – 30 lít mật. Mỗi tháng, anh đưa ra thị trường gần 300 lít mật dừa.

Hiện, Công ty TNHH VIETNIPA do anh Tiến làm giám đốc đã nghiên cứu thành công và phát triển được 2 dòng sản phẩm, là: Mật dừa nước tinh chất và Mật dừa nước cô đặc.

Nông dân tiêu biểu Phan Minh Tiến và sản phẩm từ dừa nước. Ảnh: Trần Đáng

Hai năm trước thị trường ít biết đến mật dừa nước công dụng ra sao, giờ đây, sản phẩm mật dừa nước của anh Tiến đã có mặt trên thị trường cả nước mthông qua website của công ty, Facebook, trên sàn điện tử, như: Shopee, Lazada,… Sản phẩm cũng đã vào hệ thống Megamarket…

“Chỉ cần lên mạng gõ Mật dừa nước Ông Sáu là có thể mua được sản phẩm trên các kênh thương mại điện tử”, anh Tiến chia sẻ.

Ngoài ra, khi khách du lịch đến tham quan huyện Cần Giờ cũng mua được sản phẩm Mật dừa nước Ông Sáu để thưởng thức hoặc làm quà tặng.

Thương hiệu Mật dừa nước Ông Sáu đã trở thành cái tên quen thuộc với du khách khi đến Cần Giờ.

Cũng với niềm đam mê làm nông như Phan Minh Tiến, 2 năm qua, chị Liêu Thị Kim Phượng (Q.9, TP.HCM) đã mày mò lai tạo tìm kiếm những dòng lan dendro mới, lạ.

Nhân viên Công ty TNHH VIETNIPA do nông dân tiêu biểu Phan Minh Tiến làm giám đốc đang thu hoạch mật dừa nước. Ảnh: Trần Đáng

Để phục vụ cho sự đam mê hoa lan độc, lạ của mình, chị Phượng đầu tư phòng lab cấy mô, vườn cây post và vườn cây lớn.

Cuối năm 2020, chị Phượng đã có được những cây giống dendro đầu tiên.

Hiện, bộ sưu tập vườn cây giống của chị Phượng có hơn 200 loại mặt bông, như: Dendro màu, dendro nắng, dendro chớp…

Chị Phượng đang đăng ký bản quyền các giống lan này trên trường quốc tế.

Theo chị Phượng, việc đi tìm sự mới, lạ của hoa lan là do tình yêu với thứ hoa quyến rũ này chứ không đơn thuần là mục tiêu kinh tế.

Chính vì vậy, khi giới thiệu, chia sẻ các dòng hoa mới, lạ do chị lai tạo, chị cũng lấy giá khá mềm để các vườn trồng lan, người chơi, sưu tầm dễ dàng tiếp nhận.

Nông dân tiêu biểu Liêu Thị Kim Phượng (Q.9, TP.HCM) trong phòng cấy mô. Ảnh: Trần Đáng.

Theo Dân Việt

>>> XEM THÊM: Hướng dẫn cách chăm sóc hoa Phong Lan khi trồng trong nhà