Những loài lan rừng được nuôi trồng phổ biến ở Việt Nam hiện nay (Phần 2)

I. Địa lan kiếm là gì?

Khác với phong lan, địa lan là những loài lan mọc trên đất, có rễ ăn vào trong đất hoặc len lỏi giữa các kẽ đá. Thân cây có thể nổi trên mặt đất hoặc ngập hẳn trong đất. Địa lan không giống cách mọc điển hình của phong lan. Thay vào đó, các bộ phận của một cây địa lan mọc từ một đỉnh sinh trưởng nhỏ nằm trên măt đất. Suốt mùa tăng trưởng, đỉnh sinh trưởng này tạo ra lá rồi hoa để sinh sản và cuối cùng là lụi tàn. Chúng không dự trữ nước và chất dinh dưỡng trên giả hành như phong lan mà chúng sinh ra các củ, thân ngầm, rễ ngầm để dự trữ chất dinh dưỡng chống chịu qua giai đoạn khí hậu mùa Đông khắc nghiệt. Đến mùa Xuân, gặp khí hậu, độ ẩm thuận lợi đỉnh sinh trưởng này sẽ tái sinh. Điểm này khá giống với kiểu tăng trưởng ở dòng phong lan đa thân.

Địa lan có hàng trăm loài, để thống kê được phải là nhà khoa học lĩnh vực thực vật học đầu tư nhiều thời gian. Trong bài viết này Hoalanchinhtruong.vn tổng hợp các tư liệu đề cập chủ yếu đến những loài địa lan kiếm được người chơi hiện nay sưu tầm phổ biến.

Chậu lan kiếm Hoàng Long của anh Lương Nhất Vũ – tỉnh Phú Thọ

Lan kiếm là một loài lan rừng dễ trồng, dễ chăm sóc có nguồn gốc từ khu vực phía đông châu Á. Được tìm thấy nhiều nhất trong các khu rừng nhiệt đới ở Nhật Bản, Trung Quốc, Philipines, Malaysia, bắc Ấn Độ và Việt Nam. Cây thuộc họ Cymbidium với tên khoa học là  Cymbidium finlaysonianum Lan kiếm thuộc loài địa lan có thân lá và hoa rất đẹp và thích nghi với điều kiện thời tiết trên cả 3 miền của Việt Nam.

Phần thân của Lan kiếm là những bẹ lá dày được mọc từ gốc (củ) có màu xanh quanh năm. Thân lan kiếm được cấu tạo bởi phần bẹ lá ôm chặt củ để che chắn, bảo vệ tích trữ dinh dưỡng cho cây và dành cho thế hệ sau. Củ càng to dinh dưỡng nuôi cây càng nhiều, giúp cây càng nhanh lớn và ra hoa nở đẹp.

Lá hoa lan kiếm hình lưỡi kiếm – đúng như tên của nó; cứng; mọc vươn thẳng hơi cong ra ngoài. Lá sống được khá lâu năm. Đặc biệt là ít khi rụng. Màu sắc và kích thước của lá hoa lan kiếm cũng khá đa dạng, phụ thuộc theo thời tiết. Ở những nơi nắng, khô hạn thì lá có xu hướng ngắn, màu sẽ hơi ngả về vàng nhạt màu nắng. Hoa của lan kiếm mọc từ nách lá trên hành kiếm gọi là cần hoa. Trên mỗi cần có từ 20 đến 50 hoa. Cần hoa thòng xuống kéo dài đến hoa cuối cùng, cần càng to mập hoa càng nhiều và bông to, bền lâu. Cấu tạo hoa gồm cuống hoa, có 3 đài, 2 cánh, 1 trụ nhuỵ, 1 lưỡi (thuỳ lớn), 2 thuỳ nhỏ ôm trụ nhuỵ. Về mùi hương, hoa của lan kiếm có mùi thơm đặc trưng riêng của từng loài. Khi lan kiếm trổ hoa cần đưa chậu cây ra khu vực ánh nắng nhẹ, hương sẽ thơm hơn, màu hoa rực rỡ hơn. Một thân kiếm có thể ra 2-3 cần hoa và cây có thể ra hoa từ 2-3 lần trong một năm.

Rễ hoa lan kiếm mọc chùm quanh gốc củ, to bằng đầu đũa ăn cơm. Rễ kiếm có thể tách chia thành nhiều rễ con. Rễ lan kiếm chịu được môi trường ẩm cao nhưng nếu trồng chậu bí quá rễ sẽ bò lên mặt chậu

Vườn lan kiếm var giá trị cao của anh Lương Nhất Vũ

II. Các loài lan kiếm phổ biến

1. Lan kiếm hai màu

Loài lan kiếm 2 màu này được tìm thấy nhiều ở khu vực Tây Nguyên. Cũng như các loài lan kiếm khác, lan kiếm hai màu cũng có lá dày và dài, màu xanh đậm. Chỉ khác là ở hoa nhỏ, có hình tròn hoặc giống như giọt nước. Màu của hoa có màu nâu đỏ pha với vàng ở ngoài rìa mép lá. Hoa thường nở vào mùa xuân và nở thành dạng chùm thòng xuống.

Hoa lan kiếm hai màu

2. Lan kiếm dừa

Loài phong lan này có những chiếc lá dày cứng dài lên đến 1m. Chiều rộng rất bé, chỉ khoảng 1.5-2cm. Đây tạo nên điều đặc biệt của loại lan kiếm này so với loại khác. Chùm hoa ngắn, chỉ khoảng 30-40cm. Thỉnh thoảng sẽ có cây lên đến 60cm. Hoa chỉ khoảng 10-20 chiếc to đến 5cm, nở khoảng 5 ngày vào mùa xuân. Hoa mang tên kiếm Dừa hoặc kiếm Hương dừa vì mùi hoa thơm như mùi kẹo dừa.

Hoa lan kiếm Dừa

3. Lan kiếm Lô Hội

Loài lan này phân bố chủ yếu ở vùng núi phía Bắc. Lá lan kiếm lô hội nhỏ dày, dài đến 60-70cm, rộng hoảng 3cm. lá cứng vươn thẳng hơi cong, củ nhỏ khoảng 2-3cm. Hoa lan kiếm lô hội nở từ tháng 1 đến tháng 4 hàng năm. Có khoảng đến 40 hoa trên chùm hoa dài tới 60cm. Hoa to khoảng 2-4cm, thời gian nở khoảng 3-4 ngày. Hoa mang mùi thơm dịu nhẹ; màu cánh hoa có những sọc đỏ nâu có sự thay đổi từ đậm đến nhạt, dày đến mỏng.

Hoa lan kiếm Lô Hội

4. Lan kiếm Tiên Vũ

Có tên khoa học là Cymbidium finlaysonianum. Cây lan kiếm Tiên Vũ thuộc dòng lan bán sơn địa.  Lá cây màu xanh bóng bản lá dày lớn 5-7cm. Củ có đường kính lên đến 6cm. Cây ra hoa có màu vàng tím, thường thì cánh hoa có màu vàng dọc tím và phần lưỡi có màu tím vàng xen lẫn một vài đốm trắng. Cần hoa dài từ 50cm lên đến hơn 90cm nhưng hoa thưa, chỉ khoảng 20-30 bông, to lên đến 4cm, mùi thơm nhẹ. Hoa nở khoảng 3-4 ngày vào mùa hè thu.

Đây là loài lan kiếm có kích cỡ củ, bản lá lớn nhất trong dòng lan kiếm phổ biến

Hoa lan kiếm Tiên Vũ

>>> XEM THÊM: 12 năm vào rừng săn ảnh hoa lan, gia tài ảnh toàn là “siêu phẩm”

III. Lan kiếm đột biến gene.

Lan kiếm đột biến (kiếm var) là những cây kiếm có những điểm biến đổi về hoa, lá khác với cây kiếm bình thường. Các kiếm thủ hay gọi lan kiếm thường là “Mắm”. Trên thực tế dưới tác động của môi trường loài thực vật nào cũng có thể tự đột biến gene, tuy nhiên với những đặc điểm nổi trội về lá, hoa đẹp thì người chơi lan kiếm thích sưu tầm nhất là các dòng kiếm var Tiên Vũ. Các cây kiếm giá trị cao trên thị trường hiện nay thuộc dòng kiếm Tiên Vũ đột biến.

Một số loại kiếm var nổi tiếng hiện nay gồm có: Hoàng Long, Xanh Huế, Vàng Tây Ninh, Vị Hoàng…

Phân loại mức độ đột biến gene của lan kiếm:

Dòng Alba là lan kiếm đột biến hoàn toàn: 5 cánh có màu vàng sáng, vàng hơi xanh, Mũi sạch hoàn toàn (mũi tây). Lưỡi trắng hoặc vàng.Ví dụ: Xanh Huế

Hoa lan kiếm Xanh Huế

Dòng semi alba. Là những cây lan kiếm có 5 cánh vàng sáng, vàng vệt đỏ, Mũi thì sạch hoàn toàn hoặc đôi khi còn vài đốm màu đậm nhỏ li ti. Dòng này lưỡi đa dạng màu hơn. Lưỡi hồng, Lưỡi đỏ, Lưỡi đóm….Ví dụ: Hoàng Phan Sư, Vàng Tây Ninh là dòng lưỡi hồng; Vị Hoàng là dòng lưỡi đốm

Hoa lan kiếm Hoàng Phan Sư ( Hoàng Long, Phan Trí, Sư Phụ)
Hoa lan kiếm Vàng Tây Ninh

III. Nhân giống lan kiếm đột biến bằng phương pháp cấy mô hoặc gieo hạt được không?

Một số cơ sở phòng mô ở nước ta và Đài Loan, Thái Lan cũng đã thử nghiệm nhân giống lan kiếm var bằng phương pháp cấy mô để có nhiều giống cây thương mại tuy nhiên kết quả đã tạo ra cây con có thân lá tương đối giống cây mẹ nhưng mặt hoa không thể giống hoa cây mẹ. Một số nhà vườn cũng đã thử phương pháp gieo hạt tạo nên cây lan con. Kết quả những cây lan này cũng trổ hoa khác hẳn mặt hoa của cây mẹ. Theo các tài liệu khoa học, lan kiếm cũng như lan Phi điệp, trong hàng vạn, hàng triệu cây con từ phương pháp cấy mô hoặc gieo hạt cũng có thể ra một số ít cây con có hoa giống mẹ hoặc có thể đẹp hơn mặt hoa cây mẹ. Người chơi có thể mua các cây kiếm giống gieo hạt hoặc cấy mô để nuôi chờ sổ hoa.

Hiện nay người chơi lan kiếm var áp dụng phương pháp nhân giống thủ công tách nhánh từ cây mẹ. Các cây con phát triển có thân, lá, hoa hoàn toàn giống cây mẹ.

>> XEM THÊM: Những lỗi sai khi chăm sóc phong lan ai cũng từng gặp

Nguồn: hoalanchinhtruong.vn