Cách trồng và chăm sóc lan thạch hộc- “thần dược phương đông”

Thạch dược không chỉ là một loại hoa trang trí, chúng còn được ví như thần dược phương đông, loại thảo dược đứng đầu trong “nhất cửu tiên dược” từ xa xưa. 

Đặc điểm của lan thạch hộc

Lan thạch hộc thuộc nhóm thân thảo, giả hành bụi và sống phụ sinh trên cây hoặc vách đá. Thân thạch hộc có màu xanh tía chia đốt và có 5 gân chạy dọc. Lá có bẹ ôm sát thân và mọc so le, xếp thành hai dãy. Hoa 5 cánh màu vàng xanh, có điểm tím đỏ ở họng và mọc thành từng chùm từ 2-4 hoa. Hoa nở rộ vào tháng 2-4 rồi đậu quả vào tháng 4-6.

Theo thống kê, ở Việt Nam có 4 loại được dùng làm thuốc với tên Thạch hộc.

Thạch hộc tía: Đặc trưng vỏ cây có màu xanh tía, là cây thảo bản phụ sinh lâu năm, sống bám vào cây gỗ lớn rừng nguyên sinh có độ ẩm cao hoặc ở vách đá ẩm ướt, ưa khí hậu ẩm và râm mát, có giá trị thương phẩm cao.

Hoàng thảo nghệ tâm: Cánh hoa màu trắng tím thường có lông, lưỡi hoa màu vàng tươi như nghệ và hương thơm nhẹ nhàng. Sử dụng làm thuốc bổ, chữa liệt dương, thận hư, tân dịch kém,… sống bám trên các cây gỗ lớn trong rừng ở nhiều Định Hóa, Thái Nguyên

Hoàng thảo long nhãn: Dùng chữa ho khan, đau lưng gối mỏi, thiểu năng sinh dục,… Có hoa to màu vàng cam với môi xẻ tua, giữa môi có một đốm lớn màu tím đỏ và rất thơm. Phân bố ở các tỉnh: Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Kạn, Nghệ An (Vinh), Lâm Đồng, Cà Mau.

Kim hoa thạch hộc: Chùm hoa màu hồng hoặc trắng pha hồng, mọc ở kẽ những lá đã rụng và có quả dài hình thoi. Chữa các chứng như sốt, say nắng và đổ mồ hôi nhiều, nuôi dưỡng và kích thích dạ dày. Tìm thấy nhiều ở miền Bắc và miền Trung.

Nguồn gốc và phân bố của lan thạch hộc

Lan thạch hộc sinh trưởng dưới những tán cây râm mát sâu trong rừng núi, ở độ cao 1000- 34000m so với mực nước biển. Điều kiện nhiệt độ trung bình quanh năm 12-18oC, lượng mưa từ 900-1500mm và độ ẩm ở mức khá 70%.

Lan thạch hộc phân bố ở các nước có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ở nước ta, đã tìm thấy nhiều ở rừng núi các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, Ðà Nẵng, Gia Lai, Lâm Ðồng, tuy nhiên lan thạch hộc đang bị đe dọa tuyệt chủng vì tình trạng khai thác quá mức.

Cách trồng lan thạch hộc

Thời gian thích hợp để trồng thạch hộc là khi cây chuẩn bị nảy chồi (cuối tháng 3- đầu tháng 4). Bạn có thể trồng vào chậu hoặc ghép giá thể và nên trồng các gốc/nhánh có cùng kích thước và độ non – già một nhóm để dễ chăm sóc

Lan thạch hộc ưa ẩm nên có nhiều loại giá thể phù hợp như: Chậu trồng hoặc khúc gỗ, dớn, than củi, vỏ thông, xơ dừa,…

Những cây giống 1-2 năm tuổi được lựa chọn phải cứng cáp, nhánh không dập gãy, không sâu bệnh và có nhiều mắt ngủ ở gốc, thân. Để trồng mới cây, bạn cần cắt bỏ rễ già (chừa lại 2-3cm rễ ở gốc) và những phần bị hỏng và tách nhỏ thành gốc có 5-6 nhánh. Xử lý qua hỗn hợp dung dịch thuốc sát khuẩn Benkona (pha 10cc/1 lít nước) và B1 (1ml/1l nước) trong thời gian từ 5-7 phút, rồi vớt ra để ráo.

Nếu cây giống từ in vitro thì nên cho cây tập nắng (30 ngày) để cây con từ từ thích nghi, cây con phải có bộ rễ hoàn thiện và đủ các chỉ tiêu ra vườn ươm.

Trồng vào chậu: Sau khi đã chuẩn bị tốt giống và giá thể, thì tiến hành rải một ít viên đất nung và than củi nhỏ dưới đáy chậu, rồi đến một ít vỏ thông và dớn (xơ dừa). Tiếp theo, đặt gốc (hoặc cây con) vào giữa và cố định tạm thời và lắp thêm giá thể xung quanh gốc lan sao để 1/3 bộ rễ nhô ra ngoài không khí. Khi đã trồng xong, bạn nên treo chậu vào nơi thoáng mát và có nắng nhẹ.

Ghép giá thể: Phương pháp ghép giá thể đơn giản hơn rất nhiều, chỉ cần cố định phần rễ của lan thạch hộc vào bảng giá thể hoặc khúc gỗ là được. Sau đó đắp thêm một lớp dớn mỏng lên góc để giữ ẩm. Bạn có thể sử dụng dây rút hoặc ghim bấm để gốc lan không bị lung lay, tuy nhiên nên hạn chế sử dụng vật liệu kim loại để ghép lan hoặc phải loại bỏ ngay khi rễ mới đã bám chặt giá thể (vì cây sẽ bị nhiễm độc khi kim loại rỉ sét).

Cách chăm sóc lan thạch hộc

Ánh sáng và nhiệt độ: Lan thạch hộc sinh trưởng tốt ở nơi râm mát với ánh sáng trung binh 50% và nhiệt độ từ 18-33oC. Cây dễ bị cháy lá dưới nắng gắt, vì vậy bạn có thể đặt dưới tàn cây hoặc có lưới chuyên dụng che nắng.

Tưới nước và độ ẩm: Lan thạch hộc ưa ẩm 80% nhưng dễ bị ún rễ, nên giá thể trồng cần được tưới nước ổn định. Tùy vào thời tiết để điều tiết việc cung cấp nước hợp lý cho cây, nên tưới nước dạng phun sương 2 lần/ngày vào sáng sớm 7-8 giời và chiều mát 4-5 giờ.

Bón phân và phòng trừ sâu bệnh hại

Bón phân định kỳ cho lan thạch hộc để bổ sung dinh dưỡng và nên bón phân lúc sáng sớm. Sử dụng phân NPK 30-10-10 định kỳ 5 ngày/lần và giai đoạn ra hoa thì 7 – 10 ngày/lần bổ sung các loại phân có hàm lượng lân và kali cao như Đầu trâu 701, NPK 15-30-15, có thể kết hợp các loại phân tan chậm chuyên dùng cho lan phân dê,…

Đồng thời, nên thường xuyên kiểm tra sâu bệnh hại để phát hiện và chữa trị hiệu quả. Phun phòng nhện đỏ và bọ trĩ bằng dầu neem chito, chế phẩm trừ sâu sinh học Radiant. Các bệnh: đốm đen, thán thư, thối thân, rỉ sắt,… và các loại sâu như rệp, ốc, nhện, sâu xám bằng cách loại bỏ cây bệnh và sử dụng Chế phẩm sinh học OLICIDE – 9DD (2ml/l nước) 3 ngày/lần. Nếu buộc phải sử dụng thuốc hóa học thì bạn nên sử dụng an toàn và hợp lý.

>>> XEM THÊM: 10 loại lan đẹp, phổ biến nhất Việt Nam