Ứng dụng công nghệ giúp xã viên trồng hoa lan đạt hiệu quả cao

Nhiều lãnh đạo tổ hợp tác, HTX hoa lan ở TP.HCM không chỉ tiên phong ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất mà còn tích cực hỗ trợ xã viên và nông dân trồng hoa lan đạt hiệu quả cao.

Ứng dụng kỹ thuật để trồng hoa lan

Ông Trần Văn Hùng ở xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn) là một hội viên nông dân năng động và sáng tạo, và đạt được nhiều thành công ở lĩnh vực trồng hoa lan trong những năm vừa qua.

Nhờ kinh nghiệm học tập tại Hàn Quốc, ông Hùng đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao kỹ thuật canh tác, lai tạo các giống hoa mới. Với diện tích sản xuất: 4.000 m2, vườn lan của ông cho năng suất 50.000 cây/năm, đem lại lợi nhuận 750 triệu đồng/năm.

Vườn lan của Tổ hợp tác Hoa lan Thủy Tiên ở xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn). Ảnh: Trần Khánh

Năm 2020, ông lập ra Tổ hợp tác Hoa lan Thủy Tiên. Ông luôn tích cực hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và lập vườn hoa lan cho các hộ có nhu cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương.

Với những thành tích trên, năm 2021, ông Hùng được bình chọn là nông dân tiêu biểu TP.HCM vì hoạt động tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, phát minh, sáng kiến trong nông nghiệp. Tổ hợp tác do ông sáng lập cũng đã được UBND xã Bà Điểm tặng giấy khen tuyên dương trong phong trào thi đua yêu nước.

Trồng hoa lan bằng công nghệ cao trên đất nhiễm phèn

Anh Lưu Cẩm Hùng, chủ vườn lan Sơn Hà ở xã Đa Phước (huyện Bình Chánh) cho biết, nếu huyện Củ Chi là thiên đường của lan mokara thì dendrobium chỉ phát triển tốt trên đất Bình Chánh. Đặc điểm thổ nhưỡng ở 2 huyện này đã hình thành nên 2 dòng hoa lan đặc thù của nông nghiệp đô thị TP.HCM.

Những khó khăn khác sẽ được khắc phục bằng công nghệ cao. Cây lan dendrobium không “uống” được nước nhiễm phèn thì đặt cây trồng trên giàn cao và có hệ thống tưới phun tự động.

Vườn lan Sơn Hà ở xã Đa Phước (huyện Bình Chánh). Ảnh: Trần Khánh

Lý thuyết là vậy nhưng khi bắt tay vào việc mới thấy hết nhọc nhằn. Nguồn nước ở xã Đa Phước bị nhiễm phèn quá nặng. Anh phải xử lý lọc nước qua 3 lần mới tưới cho cây.

Toàn bộ giàn trồng hoa được đặt trên cao. Bên trên, cây lan được bao phủ bằng nhà lưới đảm bảo độ che sáng. Bên dưới, anh đào rãnh làm mương nước tạo độ ẩm cho vườn. Phân bón được bổ sung các chất hữu cơ giúp lá lan bóng, hoa lan to, đẹp và lâu tàn.

Vườn lan Sơn Hà cho thu hoạch quanh năm. Mỗi ngày, anh xuất bán 1.000-2.000 cây, doanh thu trung bình mỗi năm từ 4-4,5 tỷ đồng.

Từ sự thành công của vườn lan Sơn Hà, chính quyền xã Đa Phước đã phối hợp mở thường xuyên các lớp tập huấn, dạy nghề trồng hoa phong lan. Từ 1 vài hộ trồng nhỏ lẻ ban đầu, đến nay xã Đa Phước có tổng cộng 7 vườn lan.

7 vườn lan này đã liên kết lại trên tổng diện tích 3ha để thành lập ra HTX hoa lan Đa Phước, do chính anh Lưu Cẩm Hùng làm giám đốc.

“Không chỉ hoa lan ở Đa Phước, HTX còn hỗ trợ liên kết tiêu thụ cho bà con trồng lan khắp các xã khác trong huyện Bình Chánh”, anh Hùng cho biết.

Vợ chồng anh Lưu Cẩm Hùng (đứng) thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm cho các thành viên HTX hoa lan Đa Phước. Ảnh: Trần Khánh

Theo ông Mai Ngươn Khánh – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Chánh, vườn lan Sơn Hà đang tạo công ăn việc làm cho 12 lao động thường xuyên tại địa phương, với mức lương từ 6-8 triệu đồng/người/tháng.

Với sự năng động, nhạy bén, anh Hùng không chỉ lựa chọn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà còn có sáng kiến chế tạo ra máy bắt côn trùng ban đêm. Nhờ đó, nhà vườn hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không gây ảnh hưởng môi trường xung quanh, giảm chi phí sản xuất và nâng cao thu nhập cho gia đình.

“Tất cả những kinh nghiệm này đều được anh Hùng chia sẻ lại cho các nhà vườn thành viên và bà con trồng lan trên địa bàn”, ông Khánh nói.

Theo Dân Việt