Trồng hoa lan dễ thu tiền tỷ, nhưng “khát” cây giống

Tuy đã có những bước phát triển đáng kể nhưng ngành hoa lan TP.HCM còn khá yếu trong công tác giống. Các HTX hoa lan vẫn lệ thuộc việc nhập khẩu cây giống từ nước ngoài hoặc tự mày mò tạo nguồn giống cho mình.

Để ngành hoa lan TP.HCM phát triển hơn nữa, các HTX hoa lan đều cho rằng phải làm tốt từ khâu sản xuất giống, tránh lệ thuộc nguồn giống từ nước ngoài.

Làm giống theo kinh nghiệm

Ông Hồ Thanh Tùng (ở xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh) là một trong những hộ dân chuyển đổi thành công từ nghề trồng lúa không hiệu quả sang trồng hoa lan. Hiện tại, ông Tùng trồng lan Dendrobium các loại trên diện tích 8.000m2. Không chỉ sản xuất và kinh doanh hoa lan của mình, ông Tùng còn đứng ra làm đầu mối tiêu thụ cho 11 hộ trồng hoa lan trên địa bàn xã.

Vườn lan Sơn Hà – thành viên HTX hoa lan Đa Phước chỉ chủ động được 20% cây giống trong nước, phần còn lại nhập khẩu chủ yếu từ Thái Lan. Ảnh: Nguyên Vỹ

“Cần thiết phải nhấn mạnh vai trò của kinh tế tập thể trong sản xuất giống, cụ thể là giống hoa lan. Sở NNPTNT sẽ tăng cường kết nối các bên liên quan trong khâu này”.

Ông Đinh Minh Hiệp –

Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM

HTX Nông nghiệp Vườn Lan Việt (TP.Thủ Đức) là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nuôi cấy mô tế bào thực vật nhằm góp phần giải quyết sự thiếu hụt về nhu cầu cây giống hoa phong lan trên thị trường. Bà Liêu Thị Kim Phượng – Giám đốc HTX Vườn Lan Việt (TP.Thủ Đức) cho biết, lâu nay, phần lớn hoa lan trong nước nhập khẩu từ Đài Loan, Thái Lan.

Các giống nhập khẩu luôn mới và cải tiến nhanh. Việc nuôi cấy mô các giống nhập khẩu này gặp khó trong phát triển thị trường xuất khẩu do vướng bảo hộ giống.

“Đó cũng là lý do mà HTX Vườn Lan Việt chuyển hướng sang con đường tự mình lai tạo và sản xuất các giống hoa lan Dendrobium, cung cấp cho thị trường trong nước”- bà Phượng kể.

Tránh lệ thuộc nguồn giống hoa lan

Từ một vài hộ trồng nhỏ lẻ ban đầu, đến nay, xã Đa Phước (huyện Bình Chánh) đã có tổng cộng 7 vườn lan. 7 vườn lan này liên kết lại trên tổng diện tích 3ha để thành lập HTX hoa lan Đa Phước, liên kết tiêu thụ cho bà con trồng lan khắp huyện Bình Chánh.

Ông Lưu Cẩm Hùng – Giám đốc HTX cho biết, việc sản xuất và cung ứng giống cây trồng hiện nay theo hai hệ thống chính. Hệ thống chính quy gồm các doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp. Hệ thống thứ hai gồm các HTX, tổ hợp tác, và hàng chục ngàn hộ nông dân. Các HTX và nông hộ vẫn thường sản xuất rồi tự để giống hoặc là nhập khẩu.

Trong số các thành viên, vườn lan Sơn Hà có diện tích lớn nhất (hơn 12.000m2), đang cung cấp nguồn giống cho các thành viên HTX Đa Phước và nhiều nông dân trên địa bàn xã.

Bà Trần Thị Ngọc Thảo – Chủ vườn lan Sơn Hà vốn là thạc sĩ sinh học, từng có thâm niên 15 năm làm việc trong Viện Nghiên cứu dầu thực vật, chuyên ngành nuôi cấy mô.

Bà Thảo cho biết, muốn cạnh tranh và phát triển được thì ngành hoa lan phải chủ động cây giống. Tại vườn lan, bà Thảo lai tạo giống cây giống thuần chủng rồi chuyển cây giống cho đồng nghiệp cũ nhân nuôi chồi cấy mô, để tự chủ cây giống.

Tuy nhiên, nỗ lực phát triển giống cấy mô của bà Thảo cũng chỉ mới từ đáp ứng được 20% cây giống cho chính vườn mình.

Tháng 6/2021, UBND TP.HCM đã thông qua chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2020 – 2030. Bà Thảo đánh giá đây là nỗ lực cần thiết để giải quyết nhu cầu giống nhu cầu của nông dân và HTX, sớm tạo thành bước chuyển biến rõ nét cho nông nghiệp TP.HCM.

Ông Đinh Minh Hiệp – Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, trong mục tiêu đến năm 2030, ngành nông nghiệp phấn đấu cung cấp hơn 80% cho nhu cầu giống lan.

>>> XEM THÊM: Lan đột biến, vay mượn tiền tỷ đầu tư, nay một người ở Đắk Nông chán hẳn vì bán chả ai mua

Theo Dân Việt