Trồng Dưa leo trên sân thượng, đơn giản dễ làm!

Trồng dưa leo trên sân thượng có thể giúp chúng ta tiết kiệm tối đa không gian gia đình, phù hợp với những khu vườn có diện tích nhỏ. Vậy, tại sao chúng ta không thử áp dụng việc trồng dưa leo theo cách này?

Dưa leo là một loại quả thường được sử dụng trong bữa ăn hàng ngày. Được chế biến thành nhiều cách như: ăn sống, làm salad, nấu chín hoặc muối chua. Nếu chúng ta là “tín đồ” của dưa chuột thì không tội gì mà không làm cho mình một khu vườn nhỏ ngay tại nhà. Dưa leo rất dễ trồng, chỉ cần có ánh nắng, tưới nước và bắt sâu thường xuyên là chúng ta đã có những “trái ngọt” phục vụ cho nhu cầu của mình rồi.

Lợi ích của việc trồng dưa leo trên sân thượng

Một trong những lợi thế của việc trồng dưa leo trên sân thượng là chúng ta có thể tránh được các vấn đề thường gặp như sâu hại, thối trái… Điều này thường xảy ra khi trái được đặt sát mặt đất ẩm, tạo điều kiện cho vi khuẩn từ đất xâm nhập vào gây hại.

Việc trồng dưa leo trên sân thượng cũng ngăn được sự “xâm hại” của các loại vật nuôi trong nhà như: gà, chó, mèo…Đồng thời, dưa leo được trồng trên sân thượng giúp việc lưu thông khí của cây tốt hơn, ngăn ngừa được các bệnh về nấm.

Trồng dưa leo trên sân thượng cũng giúp cây hấp thu được nhiều ánh nắng mặt trời, giúp cây khỏe mạnh và cho trái lớn hơn. Một lưu ý nhỏ là khi trồng dưa leo trên sân thượng chúng ta nên làm giàn đứng để cây phát triển thuận lợi và mang lại năng suất cao hơn.

Cách trồng dưa leo trên sân thượng

1. Chuẩn bị
Khi chúng ta trồng dưa leo trên sân thượng theo chiều dọc thì cần chuẩn bị thùng chứa, kích thước thùng chứa rộng khoảng 30cm. Chúng ta có thể chọn thùng xốp để trồng cây cũng khá tiện lợi. Số lượng cây trong chậu/thùng xốp phụ thuộc vào giống cây chúng ta trồng. Có một số giống dưa leo phát triển cao và có gốc rễ dài thì chúng ta chỉ nên trồng thưa, trong khi đó có các giống cây thấp hơn thì có thể trồng nhiều lên một chút.

Vì dưa deo là loại cây dây leo nên chúng ta cần làm giàn hoặc mắc lưới để cây phát triển. Để cây dưa leo phát triển tốt, chúng ta cần chuẩn bị thêm một đoạn lưới cao từ 1,5 – 2m hoặc khung cây khô thật chắc chắn và không bị lật.

2. Yêu cầu khi trồng dưa leo trên sân thượng
Nhiệt độ: Dưa leo sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện nắng ấm và ít gió. Cây không thể chịu được nhiệt độ dưới 10 độ C. Nhiệt độ thích hợp để trồng dưa leo trên sân thượng là từ 15 – 35 độ C.
Đất: Chúng ta nên chọn loại đất nhiều mùn, giàu chất dinh dưỡng, khả năng thoát nước tốt và trung hòa pH.

3. Cách trồng dưa leo trên sân thượng
Khi đã chuẩn bị đầy đủ, chúng ta tiến hành quy trình trồng dưa leo trên sân thượng theo các bước sau đây:
– Bước 1: Gieo hạt trực tiếp vào thùng xốp hoặc chậu nhỏ.
– Bước 2: Che phủ hạt bằng một lớp đất mỏng khoảng 2 cm.
– Bước 3: Tưới nước để giữ ẩm và kích thích hạt nảy mầm.

Khi cây đã nảy mầm, chúng ta nhớ tưới nước thường xuyên để kích thích cây phát triển.

Khi cây bắt đầu nảy mầm và có vài lá, chúng ta có thể chuyển cây ra những khu vực đất rộng hơn để cây phát triển mạnh mẽ.

Nước được tưới thường xuyên và thẩm thấu sâu là “chìa khóa thành công” cho con đường trồng dưa leo trên sân thượng của chúng ta. Nước này sẽ được chuyển đổi và giúp cho hàm lượng nước trong quả cao. Trong khi tưới nước, chúng ta nên tránh làm ẩm lá vì nó có thể là tác nhân gây nên bệnh nấm.

Đến giai đoạn cây bắt đầu nở hoa, chúng ta có thể bổ sung thêm phân bón hữu cơ để bổ sung thêm chất dinh dưỡng, tăng khả năng đậu trái cho cây. Cuối cùng, chúng ta chỉ cần thu hoạch thành quả của mình và chế biến dưa leo thành những món ăn yêu thích mà thôi.

Sâu bệnh cần lưu ý khi trồng dưa leo trên sân thượng

1. Bệnh héo cây con
Bệnh này do nấm Rhizoctonia solani gây hại ở giai đoạn cây vẫn còn non. Nấm bệnh khiến cây con bị héo tóp thân, rễ bị thối.

Nguyên nhân chủ yếu là do điều kiện độ ẩm cao khiến nấm sản sinh trong lòng đất, giai đoạn này cây còn yếu nên dễ nhiễm bệnh.

2. Bệnh héo rũ, vàng lá
Triệu chứng ban đầu thường là những vết thâm nhỏ trên dọc thân cây làm cây bị héo khi nắng nóng. Vào buổi sáng và ban đêm cây vẫn tươi nhưng trưa chiều thường bị héo rũ. Chỉ vài ngày sau là cây bị héo vàng, sau đó cây bị héo rũ đột ngột như thiếu nước rồi chết cả cây.

Nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết nóng ẩm, cây bị thiếu nước, đất bị ẩm thấp gây ra nấm gây hại từ khi cây ra hoa đến có trái.

Để phòng trị, chúng ta nên chú ý đến khâu làm đất, mật độ cây trồng vừa phải, bón nhiều phân hữu cơ như phân chuồng, tro trấu, rơm rạ để cây sinh trưởng và phát triển.
Ngoài ra, dưa leo còn có thể mắc một số căn bệnh khác như: đốm lá, đốm phấn, sương mai, thối gốc rễ…

Nếu muốn có một khu vườn xanh mát với rau trái “ngập tràn”, chúng ta hãy tìm hiểu ngay cách trồng dưa leo trên sân thượng trên đây nhé. Vừa có thể tiết kiệm được diện tích, vừa có nguồn dưa leo sạch 100% do chính tay chúng ta tự trồng đó. Chúc các bạn thành công!