Ông Lê Tấn Trực: Làm giàu từ nghề trồng hoa lan

Với niềm đam mê cây cảnh, ông Lê Tấn Trực (sinh năm 1964), ngụ khu phố 3, Phường 5, thị xã Cai Lậy đã tận dụng diện tích trên 200m² của gia đình để trồng hoa lan, cho thu nhập mỗi tháng hơn 10 triệu đồng.

Ông Lê Tấn Trực chăm sóc hoa lan.

Ông Trực cho biết, lúc trước ông công tác trong ngành thú y, sau khi nghỉ hưu, năm 2016, ông tận dụng thời gian nhàn rỗi để trồng hoa lan làm cảnh. Nhận thấy nhu cầu người chơi lan trên địa bàn thị xã Cai Lậy và các địa phương lân cận khá lớn nên ông bắt đầu mở rộng diện tích và nhập về nhiều loại hoa lan hơn. Hiện vườn lan của ông Trực có khoảng 1.500 chậu, với nhiều giống lan như: Mokara, Easo, Hồ Điệp và các loại lan rừng (Ngọc Điểm, Long Tu, Đại Ý Thảo…). Ngoài ra, ông còn trồng thêm trúc đốm, cao kiểng và các loại sen đá.

Thời gian đầu, việc trồng lan gặp không ít khó khăn, nhưng với quyết tâm gắn bó với nghề, ông Trực mua sách báo, lên mạng tìm hiểu kỹ thuật trồng lan, học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước để áp dụng vào vườn lan của mình. Nhờ chịu khó tìm hiểu, thử nghiệm các phương pháp tiên tiến nên ông đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, vườn lan của ông ngày càng phát triển.

Nhận thấy thổ nhưỡng của địa phương thích hợp để các loại lan phát triển, ông Trực nhập lan rừng từ các tỉnh miền Bắc như Phú Thọ, Hà Nội, lan Hồ Điệp lấy ở Đà Lạt. Tùy theo mỗi loại lan mà giá bán dao động từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn, còn các loại lan quý hiếm có giá đến vài triệu đồng. Theo ông Trực, điều quan trọng của kỹ thuật trồng lan là cách trộn phân, thuốc đúng tỷ lệ với từng giống lan. Do mỗi loại lan đều có đặc tính khác nhau nên nếu bón phân và tưới nước theo tỷ lệ chung thì sẽ không phù hợp với quá trình sinh trưởng của từng loại. Hàng ngày, ông theo dõi quá trình phát triển của cây, chú ý cân đối hai yếu tố phân và nước để tránh cây bị khô hoặc úng nước. Cây lan có đặc điểm thẩm thấu phân bón qua lá nhiều hơn qua rễ nên việc bón phân phải thực hiện đều đặn 1 tuần/lần bằng cách phun trên lá. Để lan phát triển tốt, ra hoa đẹp, người trồng phải luôn giữ vườn sạch sẽ, tưới nước thường xuyên để giữ ẩm. Bên cạnh đó, mật độ trồng lan cũng không nên quá dày để cây có không gian thoáng sinh trưởng, phát triển.

Đối với các loại hoa lan cắt cành, trúc đốm, cao kiểng, trung bình  7 – 10 ngày ông Trực cắt một lần giao cho các shop hoa trên địa bàn thị xã Cai Lậy. Khách hàng đến mua hoa lan của ông Trực chủ yếu đến từ các xã, phường trên địa bàn thị xã, các huyện lân cận như Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước và các tỉnh khác như Tây Ninh, An Giang… Ngoài ra, vào dịp Tết, hoa lan của gia đình ông còn được vào chậu để bán với nhiều mức giá khác nhau, tùy loại. Lợi nhuận hàng năm từ vườn lan của gia đình ông Trực lên đến hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, ông Trực còn tận tình hướng dẫn kỹ thuật cho người chơi hoa cách trồng và chăm sóc hoa lan để cây phát triển tốt và ra hoa đẹp.

Với mức thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng các loại cây khác, nghề trồng hoa lan hiện đã và đang trở thành xu hướng mới trong phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn thị xã Cai Lậy, mang lại thu nhập khá cho gia đình, đồng thời góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tạo vẻ mỹ quan đô thị.

 

Nguồn: tiengiang.gov.vn