Ông Hiển Oanh – từ nằm liệt giường trở thành chủ vườn lan rừng nức tiếng cả nước

Gần 1 năm liệt giường ở nhà, chán quá tôi mới bảo với vợ: ‘Em ơi mua cho anh liều bả chuột’. Cô ấy trả lời rằng: ‘Anh tự dậy đi mà mua’.

Biến cố không ngờ

Từ một người khỏe mạnh, cường tráng, cao 1m75, nặng 80kg, sáng chiều đều leo đồi tập thể dục, ra đường phóng vù vù Honda GL, khi có nguy cơ bị tàn phế vĩnh viễn ông Nguyễn Văn Hiển ở tổ 6, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) đã có lúc suy sụp như vậy.

Khi còn trong quân đội, từ năm 1982 ông đã mê mẩn các loại lan rừng, sưu tầm treo đầy đơn vị. Về quê, lấy vợ là bà Phạm Thị Oanh ông còn thuê cả xe tải chở lan theo rồi lên rừng lấy cây hóp làm giàn cho chúng. Lần hồi rồi ông “lây” luôn cả niềm đam mê ấy cho vợ. Cả hai vẫn thường rong ruổi trên một chiếc xe máy đi lùng lan khắp các nẻo đường rừng, mệt đâu thì ngủ nghỉ luôn ở đấy.

Vợ chồng ông bà Hiển – Oanh đang chăm lan vào buổi tối. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trong một buổi đi qua khu rừng Thượng Tiến thuộc huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình họ gặp cặp vợ chồng đang chở theo mấy nhánh lan rừng rất lạ liền vẫy lại hỏi mua. Cũng là cái duyên bởi chỉ cần mấy giây nữa thôi là vợ chồng này sẽ đi khuất hẳn vào trong xóm.

Khi mua, nụ lan đang còn xanh, về nhà mấy hôm đã bung ra những cánh trắng muốt, đẹp viên mãn vào dịp rằm tháng bảy. Đó là năm 2005, lần đầu tiên ông bà nhìn thấy lan năm cánh trắng mà về sau họ ghép với tên chung của mình là Hiển Oanh. Dần dà, ngôi nhà mấy tầng của họ treo lúc lỉu toàn là những giò lan.

Năm 2010 thì một biến cố lớn xảy ra. Do bị đau lưng nên ông phải xuống bệnh viện ở Hà Nội để khám, bác sĩ chẩn đoán lún, thoái hóa đĩa đệm. Cuộc chữa chạy mỗi lúc một tiến triển xấu, ông đi lại khó đến mức con gái đầu đang làm ở Đảng ủy phường cũng phải xin nghỉ. Ngày chăm bố, chiều nó xung phong đi chia cơm, tối xung phong đi nhổ tóc sâu cho các cô y tá để mong họ “tiêm không đau”, còn khuya nằm gầm giường hay lối đi mà ngủ.

Vợ ông đang làm kế toán của Nhà máy bia Hòa Bình cũng phải nghỉ, ở nhà mở hàng phở. Buổi trưa bán hàng xong, bà lại tất tả vay mượn tiền gửi xe khách xuống viện để chữa bệnh cho chồng. Hơn 4 tháng nằm viện, hết cả núi tiền.

Từ một người đàn ông cường tráng, ông Hiển từng bị liệt nằm một chỗ có những lúc chỉ muốn quyên sinh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một buổi, đi chọc tủy để xét nghiệm xong, về nằm được một lúc thì tự dưng cả hai chân của ông Hiển bị giật bắn lên cao, rơi xuống rồi liệt luôn, từ hông xuống không một cảm giác. Trời đất như tối sầm trước mắt. Sợ quá ông mới bảo con rằng: “Con ơi, bê chân ba ra thành giường xem có đứng được không”. Đứa con làm theo nhưng bố nó cũng không thể đứng được mà chỉ ứa hai hàng nước mắt.

Lúc bác sĩ bảo phải mổ thay đĩa đệm, ông gọi điện về cho vợ: “Em ơi, mất những 80 triệu mà tỷ lệ thành công chỉ 50/50, một là được, hai là liệt hẳn, thôi anh không mổ nữa mà về. Anh chỉ về tối thôi chứ không về ngày đâu vì lúc đi viện thì bình thường, về lại liệt, ngại hàng xóm, bạn bè thương hại”.

Vậy là 9 giờ đêm ông về, được người nhà khiêng vào rồi nằm khóc vì tủi thân. Chứng kiến giọt nước mắt của người đàn ông vốn đang là trụ cột, chị Oanh xót xa mà không thể thốt thành lời để mà an ủi. Nằm nhiều quá, ông bị thối hết cả lưng. Kinh tế kiệt quệ đến mức họ phải bán cả giàn lan và ô tô. Lúc đó phong trào chơi lan mới chỉ là loại thường. Ông Hiển nằm trên cái giường bên cửa sổ, khách đến, vợ cầm giỏ lan kề bên hỏi: “Anh ơi, bán giò này không?”.

Ông Hiển bên những giò lan rừng lâu năm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mệt đến nỗi ông không thể trả lời được mà chỉ biết gật và lắc. Những giò quế lan hương lá xếp, tam bảo sắc to khổng lồ, thơm ngào ngạt cũng phải bán. Cái nào chồng lắc thì bà bê vào, cái nào chồng gật thì chị lại bê ra để bán. Cuối cùng giàn lan hàng vài trăm giò bán gần hết, được khoảng 300 triệu nhưng ông vẫn kiên quyết giữ lại 2 giò là năm cánh trắng Hiển Oanh và hồng mắt xước.

Về sau hỏi thì ông trả lời: “Hai giò đấy tôi tâm huyết nhất bởi bông của chúng đẹp. Nếu may mắn mình tỉnh lại, đi đứng được thì có cái để mà chơi thôi chứ chẳng nghĩ đến chuyện làm kinh tế”.

Hồi ấy ông Hiển tuy không có tiền nhưng vẫn thường tặng lan cho bạn bè thân thiết. Như anh Tấn Phong – Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển hoa lan Việt Nam đến hỏi mua ông cũng khảng khái bảo rằng: “Chú thích giò nào là anh tặng”.

Không có gì bằng gia đình

Bán xong lan, ô tô, không đủ trả nợ, chạy chữa họ tính phải bán cả căn nhà đang ở. Bà hàng xóm tốt bụng thấy cảnh ngộ như thế mới cho mượn 8 cây vàng, 1 bìa đỏ mà không cần phải một tờ giấy chứng nhận. Hễ ai nói có thầy thuốc nào ở đâu giỏi, thầy cúng nào tài bà đều vời về. Mâm này thầy bảo đặt nặng, mâm này thầy bảo đặt vừa, mâm này thầy bảo đặt nhẹ để cho thánh “ăn” mà cuối cùng bệnh tình cũng chẳng khỏi.

Từ một người đàn ông cường tráng 80kg ông Hiển chỉ còn 47kg. Em trai cùng người bạn làm ở nghĩa trang đến thăm, nhìn thấy tiều tụy quá mới ra ngoài, thì thào bàn chuyện tìm đất để chôn cất. Trong phòng ông Hiển nghe thấy liền bảo với ra: “Tao không chết được đâu phải tìm đất”. Hai người kia mới chợt giật mình: “Nói bé thế mà anh ấy cũng nghe thấy”…

Ông Hiển đang kiểm tra lan. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khi đứa con gái út chạy vào báo tin với ông Hiển mình đã đỗ Học viện Báo chí và Tuyên truyền thì cả hai bố con cùng ôm nhau mà khóc. Con khóc vì sung sướng, còn bố khóc vì nghĩ rằng không có cách nào để nuôi được con ăn học.

Chưa đến 50 tuổi mà phải chăm người chồng vệ sinh tại chỗ đã đành, nhiều lúc ông do nằm lâu, bị táo bón bà Oanh phải tự tay giúp chồng vệ sinh. “Tôi nghĩ cuộc đời mình thế là tàn phế rồi và định nếu như ở nhà khoảng nửa năm mà vẫn liệt thì sẽ chết. Nhờ vợ đi mua bả chuột, cô ấy trả lời “Anh tự dậy đi mà mua”, nhưng không thiếu gì cách chết khác cả”, ông Hiển hồi tưởng.

11 tháng nằm liệt như thế, khi mọi hi vọng tưởng như đã hết thì may mắn có kẻ mách cho một ông thầy thuốc, đó là người thứ bảy. Bà đến lấy thuốc về cho chồng uống thì thấy chuyển biến, chuyện vệ sinh có thể tự chủ, gần hai tháng sau ngón chân cái bắt đầu máy được. Những tối mùa đông, cứ nửa tiếng bà lại dậy hâm thuốc, chườm rồi xoa bóp cho chồng đỡ bứt rứt để quãng 4 giờ lại tất tả chuẩn bị cho hàng phở sáng.

Biết tin ông ốm, nhiều người đòi đến thăm nhưng bà Oanh không muốn cho họ vào bởi ngại chồng mình nằm liệt chỉ cởi chuồng, đắp hờ tấm khăn bên trên vì toàn phải vệ sinh tại chỗ, thịt da bốc mùi nặng.

Bông hoa mang tên của hai vợ chồng Hiển – Oanh. Ảnh: TL.

Bà mượn cái xe lăn cho chồng tự tập. Ngó qua cửa sổ thấy giò năm cánh trắng Hiển Oanh vàng cả lá gốc, biểu hiện sắp chết, ông bảo vợ vào xóm chặt một cái chạc cây. Lấy hai cái thắt lưng ông buộc vào hai chân, cầm tay kéo vào rồi lại dùng cái chạc cây đẩy gót chân ra để cho cơ được vận động. Hơn một tháng sau thì không cần thắt lưng, đôi chân đã tự kéo vào được.

Bà mua tạ về cho chồng tập tay. Khi có thể tự lật nghiêng người, ông bảo vợ mang cho cái gối để đệm dưới lưng tập ngồi. Chỉ một phút là phải nằm xuống nhưng ông nhất định không chịu thua mà lại kiên trì tập tiếp, mỗi lúc ngồi lại thêm được lâu hơn chút. Lần hồi khi bò ra được cái ghế, ông nhờ vợ mang giò năm cánh trắng vào, cắt ra mấy khúc trồng để giữ lại giống kẻo mất.

Nhúc nhắc được tí thì ông lại bị tiểu đường nặng. Do nằm liệt lâu ngày râu tóc quá dài, bà Oanh mời người đến cắt tóc cho chồng để chuẩn bị đi viện thì ông này sợ đến mức không dám động vào bởi nghĩ sẽ bị lây bệnh. Xuống đến bệnh viện tỉnh, đang làm thủ tục thì người bạn làm ở đây í ới gọi: “Oanh ơi Oanh, lại đây tao ưu tiên làm thủ tục cho bố mày vào trước”.

Vừa xúc động vì được ưu tiên, vừa tủi thân vì bạn nhầm chồng vốn chỉ hơn mình 3 tuổi là bố, không kìm nén được bà khóc òa: “Ối giời ơi, bố tao đâu mà bố tao, anh Hiển nhà tao đấy”. Mấy người quen mới ùa ra xem, ông Hiển liền cười rằng: “Anh như thế này mới gặp em chứ cứ xe Honda GL mà chạy thì cần gì gặp?”.

Những giò lan rừng to khổng lồ của ông Hiển. Ảnh: Dương Đình Tường.

>>> XEM THÊM: Nửa đời bảo tồn lan rừng quý hiếm với hơn 10.000 giò lan

Bán nhà to, họ mua căn nhà nhỏ, khi sức khỏe yếu không thể duy trì được hàng phở ông nhờ vợ chở đi khắp nơi tìm địa điểm để thuê làm vườn lan. Lúc đầu ông chỉ chủ yếu buôn lan công nghiệp về trồng lại vào chậu để bán dịp tết. Sau đó thì ông buôn cả lan rừng hàng kg như hoàng thảo kèn, sơn thủy tiên về ghép vào thành giò, rồi đến nhân giống loại năm cánh trắng mang tên của cả hai vợ chồng để bán và được nhiều người biết đến. Nhờ chăm chỉ mà họ trả nợ dần, tới năm 2017 thì hết.

Giờ đây, vợ chồng ông vẫn ngày nào cũng 11, 12 giờ đêm, sau khi bắt ốc sên xong mới chịu rời vườn lan. Dù mới đi viện về, còn yếu nhưng ông vẫn cười mà nói với tôi rằng: “Mọi thú chơi phải xuất phát từ cái tâm chú ạ! Suy cho cùng tiền bạc chỉ như phù du, không có gì bằng gia đình cả. Đến tận lúc chết tôi sẽ không thể quên được tình cảm của vợ, của con dành cho mình khi nằm ốm liệt”.

Theo Nông nghiệp