Nhận biết, cách trồng và chăm sóc lan Hoàng Lạp

Hoàng Lạp (Dendrobium Chrysotoxum) là loài lan thuộc chi hoàng thảo, gốc bé, thân rất cứng, tròn bóng, có nhiều rãnh dọc, phình ở giữa (tùy cây phình nhiều hay ít), cao khoảng 6-30 cm, chu vi thân thường khoảng 1.5-4 cm, có 2-5 đốt/thân, màu vàng pha hơi xanh, thân già vàng nhiều hơn. Thường có 2-5 lá/thân, thuôn dài 10-15 cm, rộng 2-3.5 cm.

Hoa buông chùm khoảng 15-20 cm mọc ở gần ngọn, gồm nhiều bông cỡ 3.5-4 cm, cánh dày hơn Vảy Rồng, hơi bóng, màu vàng, môi hoa tròn, phần trung tâm của môi hoa màu vàng sẫm hơn và có các vạch gân đỏ, cánh lưng bé dài 1.2-2 cm, rộng 0.5-0.9 cm. Hoa nở vào mùa xuân khoảng tháng 3 – đầu tháng 4 dương lịch, độ bền khoảng 7-10 ngày, có hương thơm. Cây ưa ánh sáng mạnh, tốt nhất trồng dưới 1 lớp lưới đen, ưa ẩm, không có mùa nghỉ.

Hình ảnh hoa Hoàng Lạp

Có một biến thể của Hoàng Lạp, đó là Sơn Thủy Tiên (Dendrobium chrysotoxum var. Suavissimum). Sơn Thủy Tiên kích cỡ nhỉnh hơn Hoàng Lạp, nhìn cứng cáp hơn, gốc to hơn, nhìn từ gốc đến ngọn to đều đều. Loại này theo tài liệu nước ngoài thì có phân bố ở cả Ấn Độ, Myanmar, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Lào. Hoa của Sơn Thủy Tiên có họng sẫm hơn Hoàng Lạp, có cây họng nhung nâu hoặc nâu đen rất đẹp, giá trị Sơn Thủy Tiên cũng cao hơn Hoàng Lạp.

Hình ảnh Hoa Sơn Thủy Tiên

Hướng dẫn trồng & chăm sóc Hoàng Lạp

 

Hai loại là Hoàng Lạp Lào và Sơn Thủy Tiên đều có thể trồng trong chậu đất nung, dớn chậu hoặc ghép gỗ, theo tôi cứ ghép lên gỗ nhãn, vải, vũ sữa, lũa nghiến..là tốt nhất, nếu sẵn dớn chậu cũng tốt còn nếu muốn trồng trong chậu nhìn cho đẹp thì cũng nên ghép vào 1 cục gỗ trước rồi đặt cả vào chậu, bỏ thêm ít than củi (than đã ngâm nước trước 1-2 ngày) xung quanh cục gỗ cho chặt, chú ý không phủ gốc Hoàng Lạp. Cây mới mua về ta cắt sát rễ, chừa lại 1-1.5 cm là được, loại này có giả hành (thân) to mọng chứa nhiều nước và dinh dưỡng bên trong nên không lo, có thân không còn chút rễ nào đem vứt chỏng chơ chỗ ẩm mát còn ra rễ với mầm. Cắt rễ xong đem ngâm vào dung dịch kích rễ khoảng 2 giờ rồi đem ghép.

Ghép xong treo nơi mát, hàng ngày tưới 2-3 lần, phun đều đặn B1 (loại cho lan) 4-5 ngày/lần, nên phun thuốc vào buổi tối ở lần tưới cuối cùng trong ngày, phun thuốc chiều xong tối lại tưới nước thì trôi bớt thuốc rồi. Chưa có rễ thì không bón phân. Khi rễ ra dài thì đưa dần ra nơi có nắng hơn, dưới 1 lớp lưới che, ở các vùng cao nguyên, vùng núi mát mẻ, nắng không gắt thì treo trực tiếp dưới nắng cũng được. Loài này ưa ẩm, có nghe nói trồng bằng phương pháp bán thủy canh thì to mập hơn đời mẹ (cái này tôi chưa tự kiểm chứng) nhưng nếu có bạn nào thử lấy một ít trồng thử bán thủy canh và chia sẻ kết quả xem.

Các bạn dùng phân chậm tan đóng túi đặt vào gần gốc (nếu trồng chậu) hoặc treo phía trên gốc (nếu ghép gỗ), loại này cần nhiều dinh dưỡng, hoặc phun định kỳ phân NPK 30-10-10 hàng tuần để cây phát triển tốt nhất. Đến đầu tháng 1 dương các bạn chuyển qua bón phân hàm lượng P (lân) cao mỗi tuần một lần, tưới thưa đi, sáng tháng 3 dương tưới nhiều trở lại.