Mãn nhãn với gia tài của ông chủ vườn phải đưa vào hội … cai nghiện lan

Vườn lan rừng với hàng nghìn loài được chủ nhân nâng niu, chăm sóc… khiến nhiều người ghé thăm không khỏi suýt xoa, ngạc nhiên.

Dành tình yêu bất tận cho lan rừng

Tọa lạc tại phường Thành Nhất (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), vườn lan rừng độc đáo, nổi tiếng trong giới chơi lan cả nước thuộc sở hữu của ông Phan Xuân Thủy – Chủ tịch Hội bảo tồn lan rừng Việt Nam.

Ông Thủy được biết đến là người nghiện lan đến mê đắm, thậm chí bạn bè ông còn trêu đùa phải đưa ông vào hội nhóm “cai nghiện lan” vì đam mê lan rừng đến mức quên ăn quên ngủ.

Ông Phan Xuân Thủy được biết đến là người say mê các loại lan rừng (Ảnh: Thúy Diễm).

Cách đây gần 20 năm, khi còn đang ở trọ đi học phổ thông ở tỉnh Hà Tĩnh, trong một lần đạp xe đến trường, ông Thủy tình cờ thấy những đóa lan rừng ở trên những gốc cây ven đường. Quá thích thú, ông dừng xe để chiêm ngưỡng rồi tách một nhánh nhỏ mang về trồng, chăm sóc. Sau đó, ông bắt đầu quá trình sưu tập nhiều loại lan rừng rồi nảy sinh tình yêu đặc biệt dành cho loài hoa này.

Ông Thủy đầu tư bài bản khu vườn hơn 1.000 m2 để trồng, chăm hoa lan (Ảnh: Thúy Diễm).

Sau khi vào Đắk Lắk sinh sống và làm việc, ông Thủy càng bất ngờ khi mảnh đất nắng gió của Tây Nguyên là nơi hội tụ cả trăm loài lan rừng khác nhau. Trong những chuyến công tác ở các huyện vùng sâu vùng xa, mỗi khi thấy người dân bày bán lan rừng ông đều săn mua cho bằng được mang về nhà để ươm, trồng.

Qua thời gian dài, với thời gian, công sức lẫn tiền bạc bỏ ra, bộ sưu tập lan rừng của ông Thủy ngày một đa dạng, phong phú. Không chỉ vậy, ông Thủy còn đầu tư hẳn hai nhà lưới với diện tích khoảng 1.000m2 để trồng, chăm sóc hoa lan theo công nghệ 4.0 với hệ thống tưới tự động, cảm biến nhiệt độ, đo độ ẩm bài bản… cho thỏa niềm đam mê.

Những mầm lan rừng được ươm trồng tỉ mỉ, công phu (Ảnh: Thúy Diễm).

Ông chia sẻ, lan rừng có vẻ đẹp làm say lòng người, hoa với vẻ đẹp kỳ lạ, cuốn hút với hương thơm khó cưỡng… Mỗi loài hoa lan lại có quá trình sinh trưởng, phát triển khác nhau. Để chăm sóc lan thật tốt, đòi hỏi nắm rõ đặc tính của từng loài.

Với ông Thủy việc chăm sóc lan còn vất vả hơn “chăm con mọn” nên ông dành khá nhiều thời gian cho gia tài một đời chăm sóc của mình. Nếu không biết kỹ thuật chăm lan sẽ khiến cây bị nhiễm bệnh, èo uột, khó phát triển, thậm chí không thể ra hoa, cây nấm bệnh chết dần…

Tham quan vườn lan khoe sắc của ông Thủy, nhiều người trầm trồ bởi cách chăm sóc lan khoa học, cách sắp xếp lan đẹp mắt, khéo léo. Không chỉ vậy, ông còn dành một không gian dành cho việc ươm trồng, nhân giống các loại lan rừng.

Du khách tới tham quan đều choáng ngợp với vẻ đẹp của hàng ngàn giò lan rừng (Ảnh: Thúy Diễm).

Đến nay vườn lan rừng của ông Thủy có hàng trăm loại lan khác nhau, trong đó có nhiều loại lan quý như: ngọc điểm; giả hạc; các dòng lan kiếm, lan phi điệp đa dạng; lan đột biến 5 cánh trắng…

Yêu lan gắn với bảo tồn lan rừng cùng hoạt động thiện nguyện

Vào năm 2015, những người đam mê lan rừng tại TP Buôn Ma Thuột quyết định thành lập Hội bảo tồn lan rừng Việt Nam, ông Thủy được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội cho đến nay. Trải qua hơn 6 năm thành lập, Hội đã có trên 90.000 hội viên trong và cả ngoài nước tham gia.

Ông Thủy tâm sự, hầu hết những người yêu hoa cây cảnh đều có tấm lòng thiện nên khi Hội bảo tồn lan rừng phát triển, các thành viên trong nhóm đã bàn bạc và thống nhất sẽ phát động nhiều hoạt động thiện nguyện giúp đỡ trẻ em nghèo.

Những mầm lan rừng được nhân giống được “trả” về rừng để bảo tồn (Ảnh: Uy Nguyễn).

Chủ tịch Hội bảo tồn lan rừng Việt Nam chia sẻ thêm, trước đây khi nhìn những giò lan rừng bị khai thác tận diệt mang về bày bán dọc đường bản thân ông cùng nhiều thành viên trong Hội rất xót xa, lo lắng và lên kế hoạch bảo tồn và nhân giống lan rừng để đem lan “trả” về rừng.

“Chúng tôi đã và đang thực hiện việc đem lan rừng nhân giống được gắn vào những thân cây trong rừng quốc gia để bảo tồn. Hiện đã triển khai ở một số cánh rừng ở phía Bắc và sắp tới sẽ tiếp tục triển khai trên nhiều địa phương trong cả nước”, ông Thủy cho hay.

Qua sự chăm sóc đầy công phu của chủ nhân những mầm lan đã sinh sôi, nảy nở (Ảnh: Uy Nguyễn).

Không chỉ vậy, ông Thủy còn ấp ủ dự định sẽ mang lan rừng ghép vào các thân cây cổ thụ trên các tuyến đường trung tâm TP Buôn Ma Thuột, nhất là mong muốn trồng lan trên hàng cây phủ bóng trên tuyến đường Phan Đình Giót tại thủ cà phê để tạo điểm nhấn.

“Tôi mong dự định này sẽ sớm được triển khai để du khách khi đến với Buôn Ma Thuột không chỉ biết đến đây là thành phố cà phê mà còn được chiêm ngắm các loại lan rừng đặc trưng của Tây Nguyên”, ông Thủy háo hức.

Ông Thủy cùng các thành viên trong Hội ấp ủ việc gắn lan rừng trên những hàng cây cổ thụ trên các tuyến đường trung tâm TP Buôn Ma Thuột (Ảnh: Thúy Diễm).

Được biết, trong thời gian qua Hội Bảo vệ lan rừng Việt Nam còn hợp tác với Viện Công nghệ Sinh học và Môi trường ĐH Tây Nguyên để tiếp tục nhân giống, phát triển, bảo tồn các loại lan rừng và bước đầu thu lại nhiều kết quả tích cực, được các nhà vườn, nghệ nhân chơi lan hưởng ứng.

Với ông Thủy tình yêu của ông dành cho lan rừng là bất tận (Ảnh: Thúy Diễm).

Chia sẻ về trào lưu lan đột biến tiền tỷ dậy sóng thời gian qua, ông Phan Xuân Thủy cho biết thêm, thị trường lan đột biến trong năm qua đã có thời điểm rất “sốt” gây dư luận không tốt, được nhận định là xu hướng nhất thời.

Hiện thị trường hoa lan đang đi dần với giá trị phù hợp với thu nhập, cách chơi cho giới chơi lan. “Thú chơi hoa lan là thú vui thanh cao có từ ngàn đời và sẽ còn mãi mãi, đó là niềm đam mê bất tận mà khi ai lỡ say đắm sẽ rất khó từ bỏ với lan rừng”, ông Thủy tâm tư.

>>> XEM THÊM: Vườn hoa lan mỗi năm thu bạc tỉ của cụ bà 74 tuổi ở TPHCM

Theo Dân trí