Cách chăm sóc phong lan có hoa mới mua về

Bạn vừa mới mua về 1 chậu phong lan có sẵn hoa hoặc được một ai đó biếu tặng. Bạn vẫn chăm sóc nó bình thường như những cây lan chưa ra hoa khác. Hãy ghi nhớ một điều, cây phong lan đến từng giai đoạn cần có chế độ chăm sóc khác nhau, đặc biệt là giai đoạn cây lan đang cho hoa. Lúc này cần được chăm sóc chu đáo để tránh làm ảnh hưởng đến chất lượng của hoa: hoa bé, màu sắc nhạt, nhanh tàn, cây nhanh bị còi cọc, và quan trọng sẽ khó cho ra hoa lần tiếp theo. Vậy phải chăm sóc như thế nào cho đúng để không làm tổn hại tới lan? Hôm nay, Vuonlan.net sẽ mách nhỏ bạn cách chăm sóc cây phong lan có hoa mới mua về.

Mách nhỏ bạn cách chăm sóc cây phong lan có hoa mới mua về

Trước khi đi vào cách chăm sóc cây phong lan có hoa mới mua về, bạn cần phải lưu ý ngay những việc làm sau đây:
– Khi bạn lựa chọn và mua được cây hoa phong lan ưng ý, trước tiên bạn đặt vào nơi thông thoáng, không bị ánh nắng chiều trực tiếp vào. Tốt nhất là treo lên chỗ có mái che phù hợp hoặc dưới bóng râm, có độ ẩm cao. Không nên treo lẻ loi trước mái hiên nhà hoặc ở nơi ánh sáng trực xạ sẽ làm lá bị cháy và giảm quá trình quang hợp, hấp thụ chất dinh dưỡng của cây.
– Tuyệt đối không nên di chuyển vị trí chậu một cách liên tục, cây sẽ không thích ứng kịp hướng sáng, độ ẩm… Điều này làm hoa sẽ dễ bị rụng.

Cách chăm sóc chậu hoa phong lan khi mua về

– Trong quá trình  phong lan cho hoa, bạn cần tưới bổ xung thêm phân NPK 20-20-20 xen kẽ với 10-30-30. Tỷ lệ phân đa lượng này sẽ giúp hoa lâu tàn, giữ màu sắc đậm đà, rực rỡ. Loại phân trên thị trường rất đa dạng, thường phân NPK sẽ được phối trộn thêm các chất vi lượng cần thiết. Các bạn có thể hỏi mua tỉ lệ NPK này ngoài các cửa hàng phân bón cây trồng. Nhờ chủ cửa hàng tư vấn nồng độ, khoảng cách thời gian giữa các lần tưới cho phù hợp với loại phân đã lựa chọn.
– Đừng để cành hoa quá lâu trên cây. Khi thấy cành hoa còn lắc đắc vài bông ở ngọn đã tàn thì ta nên cắt bỏ để dưỡng cây.  Sau khi cắt bỏ cành hoa là thời kỳ chăm bón, phục hồi sức sống cho cây phong lan. Chế độ nắng vừa phải, tưới phân hóa học NPK 20-20-20.  Thời kỳ này bạn nên bổ sung thêm các loại phân hữu cơ khác như phân cá, bánh dầu, phân chiết xuất từ phế thải động thực vật…
– Sau thời kỳ dưỡng cây (thường là từ 3 đến 4 tháng) cây sẽ tươi tốt, khỏe mạnh, lúc này bạn có thể xử lý để lan ra hoa trở lại. Khi cây mọc giả hành mới (tức nhánh phong lan con mới nảy ra từ gốc cây mẹ) cao bằng 1/2 giả hành trước, cần áp chuyển sang phân bón NPK với tỷ lệ 6-30-30 hoặc 10-52- 17 cho đến khi cây ra hoa.
– Thời kỳ kích hoa phải để nắng nhiều hơn trước khoảng 10- 20%. Phơi nắng khi cây hết thời kỳ nghỉ và chuẩn bị ra nụ hoa
– Quan sát thấy lan nảy vòi hoa,  bạn lại chuyển về phân NPK 20-20-20 xen kẽ với chế độ 10-30-30 cho đến lúc cành nở bông hoa đầu tiên. Lúc này có thể dùng thuốc hóa học Lannat liều lượng 25g/lít để xịt ngừa ruồi đực búp hoa. Sau đó bạn cần dừng chế độ bón phân NPK 10-30-10, và chăm sóc tương tự như lúc chúng ta mới mua chậu phong lan về như đã trình bày lúc đầu.

Chú ý: Không nên dùng hormon kích thích ra hoa như auxin, Giberelin… Vì nếu không  am tường vì kiến thức sinh học và sinh lý cây hoa phong lan, chẳng những không kích thích ra hoa được như ý muốn mà còn làm tổn hại đến sức sống của cây phong lan.

Xin chia sẻ thêm: Chế độ nắng cho các loại hoa lan:
+ Lan Mokara, aranda, renanthera : 70-80% ánh sáng trực tiếp. Lan Dendrobium: 60- 70% ánh sáng trực tiếp.
+ Lan Cattleya, Vanda lá rộng: 50- 60% ánh sáng trực tiếp. Lan Oncidium ( vũ nữ): 40- 50% ánh sáng trực tiếp. Lan Phalaenopsis (Hồ điệp): 30% ánh sáng trực tiếp.

– Trồng lan rừng  phải chú ý  đến yếu tố nắng mưa và nhiệt độ giống với môi trường chúng sống. Ngoài ra, cây phong lan là loài hoa của thiên nhiên hoang giã, cần yêu cầu môi trường sống rất đặc biệt, khi mang phong lan vào môi trường sống của con người, môi trường không tối ưu cho phong lan vì vậy để cây luôn xanh tốt, ngoài chế độ chăm sóc còn phải xịt thuốc phòng trừ sâu bệnh hại cho lan. Sau đây là một số thuốc thường dùng và hiệu quả:
+ Bệnh do nấm có thể dùng Benomeyl, Captan, Aliette… Bệnh do vi khuẩn dùng: Kasimin, Physan 20, Nacossan…
+ Do côn trùng, rệp: lannate, Supracide, Mipcin…Do nhện đổ dùng Kelthane là tốt nhất. Do ốc sên gây hại dùng thuốc có Methaldehyde…

Thường thì để phòng ngừa cho cây không bị nhiễm bệnh. Bạn cần xịt thuốc cho lan tùy vào từng dấu hiệu bệnh với mật độ 7- 10 ngày/lần vào mùa mưa và 15-20 ngày/lần vào mùa nắng.

Trên đây là một số kinh nghiệm để chăm sóc cây phong lan có hoa sau khi mua về, những bạn nào yêu thích và quan tâm đến loài hoa lan hãy nghiền thật kỹ và chia sẻ bài viết để nhiều người cùng đam mê lan biết đến. Chúc các bạn sẽ có những giỏ lan xanh tốt, ra những đợt hoa đẹp, màu sắc rực rỡ, lâu phai tàn.