Lan đột biến hết thời

Mấy chậu lan kiếm đột biến Phan Trí của anh Hòa, 45 tuổi, ở huyện Hoài Đức hai năm trước từng được định giá vài tỷ đồng, giờ nằm chỏng chơ, chẳng ai mua.

Dấu vết còn sót lại cho thấy những chậu lan này từng “bằng gia sản vài chục năm của một gia đình” là vẫn được đặt trong một chiếc lồng sắt kiên cố, có gắn camera theo dõi. “Hai năm trước, một củ lan đột biến Phan Trí dễ dàng bán được 700-800 triệu đồng, một chậu vài củ giá cả tỷ, nhưng giờ vài triệu không ai mua”, anh Nguyễn Văn Hòa nói.

Người đàn ông là chủ một vườn lan rộng 1.000 m2 ở xã Đông La, huyện Hoài Đức – thủ phủ lan rừng miền Bắc, cho biết thêm không chỉ kiếm Phan Trí, nhiều giống lan đột biến khác như 5 cánh trắng Phú Thọ, 5 cánh trắng Di Linh, Mắt nai, Gái nhảy, Hiển Oanh… một thời “đắt hơn vàng”, giờ cũng lâm cảnh để đó cho đỡ trống vườn.

Chị Hoàng Liên, chủ một vườn lan khác ở Đông La tiết lộ, giá một kie (mầm con phát triển từ mắt của cây mẹ) ở thời kỳ hoàng kim có giá từ vài triệu tới vài trăm triệu đồng, giờ giảm hàng chục lần. “Trước đây, chỉ nghe tin nhà tôi có kie lan hiếm, điện thoại đổ chuông liên tục từ sáng đến đêm để hỏi mua cây, giá bị đội lên liên tục đến phát sốt. Vườn lan từng được định giá bạc tỷ giờ chẳng ai để ý, chỉ giữ lại chăm, coi như cây cảnh trong nhà”, người phụ nữ 40 tuổi nói.

Một hộ gia đình trồng lan đột biến trên sân thượng của nhà riêng tại xã Đông La, huyện Hoài Đức. Ảnh: Minh Phương

Lý giải về tình trạng này, chị Liên cho rằng do ảnh hưởng của hai năm dịch bệnh khiến các buổi gặp gỡ, giao lưu của những người có nhu cầu buôn bán, trao đổi tạm ngưng. Sau dịch, mọi người đều thắt chặt chi tiêu, đầu tư, không còn mặn mà với những thú chơi xa xỉ, trào lưu lan đột biến đột ngột rớt xuống tận đáy. Người buôn thì điêu đứng khi nhìn giá trị các kie bốc hơi theo ngày.

Nhưng ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định giá lan đột biến hiện đúng giá trị thật, không có chuyện rớt giá. “Trong các giai đoạn trước, loại cây này đã bị thổi giá, vượt quá giá trị thực để trục lợi, gây lũng loạn thị trường, nhưng các cơ quan quản lý đã có những biện pháp can thiệp đưa giá lan về mức bình thường, hướng đến thú chơi lành mạnh”, ông Cường nói.

Tháng 3/2021, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố thực hiện công tác quản lý thuế đối với giao dịch mua bán lan đột biến trên địa bàn và các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định pháp luật. Trong quá trình thực hiện nếu có phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển cơ quan chức năng có liên quan xử lý theo quy định của pháp luật.

Cũng theo ông Cường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn người chơi lan thành lập Hiệp hội theo quy định của pháp luật. Cơ quan này có trách nhiệm định hướng phát triển nghề lan, đưa ra những định giá giá trị thật, thậm chí đứng ra làm trung gian định ra định giá lan, tránh những chiêu trò thổi phồng, nâng giá.

Không ít hộ gia đình cố vay mượn để buôn lan đột biến mong làm giàu đã phải “nếm trái đắng”. Anh Quốc Đạt, 45 tuổi, ở huyện Mê Linh là một ví dụ. Nối nghiệp gia đình trồng hoa hồng, cây cảnh nhưng ba năm trước thấy những giao dịch lan đột biến thu về hàng tỷ đồng, anh quyết định đầu tư lớn. Chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng anh Đạt vẫn chi hàng tỷ đồng mua giống 5 cánh trắng Phú Thọ, 5 cánh trắng HO, Bạch Tuyết… và bán lại ăn chênh lệch. Đồng thời anh cũng chăm sóc cây lớn thêm, đợi bán theo centimet lấy lãi. Ngoài trăm cây trong vườn ươm, anh Đạt còn gửi tại một số vườn lớn trong huyện, để thu hút khách.

Không ngờ giá lan lao dốc quá nhanh trong năm 2021, những cây từng được định giá cả trăm triệu giờ không ai mua, họa hoằn có người mua chỉ trả giá vài trăm nghìn đồng. “Trước kia, tôi từng phải làm hàng rào kiên cố, lắp camera cảnh giới, nuôi chó bảo vệ vườn lan, giờ mở cửa cũng không ai vào”, anh Đạt thở dài.

Đến giờ anh vẫn tiếc, giá như lúc đó bán sớm, ăn lãi ít, có lẽ đã không trắng tay.

Một vườn lan đột biến của một người chơi ở huyện Mê Linh từng được định giá vài tỷ đồng cuối năm 2020. Ảnh: V.T

Không chỉ dân buôn hay người chơi tay ngang, chính nông dân trồng lan lâu năm cũng bị giống đột biến làm cho chao đảo. Anh Nguyễn Văn Hòa đến với nghề trồng lan 12 năm trước, công việc khá xuôi chèo mát mái cho đến khi trào lưu buôn bán lan đột biến nổi lên, năm 2017. Khi đó xuất hiện một giao dịch bất thường trị giá một tỷ đồng ở Hòa Bình với giỏ lan phi điệp đột biến mang tên Bướm đại ngàn.

“Với tôi, đó là một cú sốc. Không hiểu nổi vì sao một chậu lan có thể bằng giá trị một ngôi nhà”, anh Hòa nói và nhớ lại thời điểm người mua xách giò lan từ phiên đấu giá lên xe, mọi người lẽo đẽo đi theo “như xem rước thánh”. Từ hôm đó, người nhân giống và bán lan rừng như anh bắt đầu chú ý đến từ “đột biến”.

Nhưng không phải loại lan đột biến nào cũng giữ giá. Những năm đầu, nhiều cái tên như Phú Thọ 5 cánh trắng, Hiển Oanh, phi điệp 5 cánh trắng Hòa Bình làm mưa làm gió. Chỉ sau thời gian ngắn, những loại này thất sủng và bị thay thế bởi những cái tên mới như Bảo Duy, Hồng Yên thủy hay Bướm đại ngàn. Một cây giống, thậm chí một cm cũng có giá từ 500 triệu đến cả tỷ đồng, người buôn có thể lãi hàng trăm triệu sau vài ngày. Bởi vậy, ngoài giống lan kiếm Phan Trí, anh Hòa đầu tư thêm nhiều giống đột biến khác vì “chưa bao giờ thấy kiếm tiền tỷ mà lại nhẹ tựa lông hồng” như lúc đó.

Thời điểm sốt giá, dù tham gia mua bán, anh Hòa cũng nhận định lan đột biến giống như một hành động đầu cơ trên thị trường rủi ro kiểu bong bóng. “Nó giống như trò chơi truyền lửa, truyền qua truyền lại giữa những người buôn, người nào nhận lửa cuối cùng thì sẽ bị bỏng tay”, người đàn ông ví von. Thậm chí, anh còn biết những người phải trả giá đắt khi buôn bán hàng giả, phải đền tiền, thậm chí dính vòng lao lý.

Sau khi cơn sốt lan đột biến thoái trào, nó cũng kéo giá thị trường lan rừng thông thường sụt giảm theo. Gần một năm nay, ngoài thất thu về dòng lan đột biến, chị Liên muốn quay lại tập trung vào lan truyền thống nhưng lượng khách mua giảm tới 50%.

“Chưa bao giờ tôi thấy thị trường lan ảm đạm đến vậy. Giờ chỉ mong phục hồi để có thể an tâm kinh doanh”, người phụ nữ thở dài.

Vườn lan trên sân thượng của một gia đình tại huyện Hoài Đức. Ảnh: Trang Vy

Ông Tạ Duy Bình, Chủ tịch Hội nhà vườn hoa lan Đông La cho biết, hội có khoảng 50 thành viên là các nhà vườn trên địa bàn xã. Ngoài kinh doanh lan rừng, một số hộ dân cũng đầu tư vào lan đột biến. “Nhưng thị trường buôn bán gần như đóng băng suốt hai năm do dịch cùng sự rớt giá của lan đột biến khiến nhiều hộ bị ảnh hưởng”, ông Bình nói.

Theo vị này, những người thua lỗ trong việc đầu tư lan đột biến khá nhiều nhưng hầu hết đều là những người đầu cơ, lướt sóng, không am hiểu về lan cũng như thị trường gốc. Khi thua lỗ quá nhiều thì họ chấp nhận giải tán để chuyển đổi sang kinh doanh mặt hàng khác. Còn với những người làm hoa truyền thống, khi thị trường lan đột biến thoái trào, cũng là cơ hội để tìm mua những loại chưa có. Ông Bình hy vọng, dù là lan rừng hay đột biến cũng nên quay lại giá trị ban đầu, là thú chơi dành cho người thực sự đam mê và yêu cái đẹp.

Chung quan điểm, Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Như Cường khuyên người kinh doanh, sản xuất và chơi hoa lan cần phải tỉnh táo trước những chiêu trò nâng giá, cần có những phân tích chính xác, dựa trên thực tế, bởi lan đột biến chỉ là sản phẩm hàng hóa lưu thông bình thường, không có tính chất độc bản, lịch sử, sớm muộn cũng phải trở về đúng giá trị thực.

“Còn những giao dịch không minh bạch, giá trị sử dụng không rõ ràng, không phổ quát cho toàn xã hội, chỉ do người dân làm theo trào lưu, sớm muộn cũng bị triệt tiêu”, ông Cường nhận định.

>>> XEM THÊM: Cách trồng và chăm sóc lan Bạch Nhạn

Theo Vnexpress