Lan Đông La đua sắc đón xuân!

Cách đây trên 40 năm, người dân Đông La huyện Hoài Đức đã manh nha nghề trồng lan và đến nay trên địa bàn xã có tới gần 400 hộ chuyên canh loài hoa này…

Hồ Điệp “ngóng” Tết

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế&Đô thị, Chủ tịch HĐND xã Đông La Trịnh Đắc Chuyên cho biết: Nghề trồng lan đã xuất hiện ở Đông La cách nay trên 40 năm, đến nay trên địa bàn có khoảng 400 hộ chuyên trồng và kinh doanh giống hoa này.

“Thuận buồn – xuôi gió”, một tác phẩm đẹp của làng lan Hồ Điệp xã Đông La

Các loại lan mà người Đông La đang nuôi trồng gồm Phi Điệp, Quế, Tam bản sắc, Long Tu, Hạc Vỹ… Đây là những giống lan có nguồn gốc nội địa, được người dân Đông La thu gom từ các tỉnh miền núi, đưa về nuôi trồng, chăm sóc và kinh doanh. Vài năm gần đây, do thị trường lan biến động một cách bất thường, nên ít nhiều ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh của làng lan Đông La.

Một giờ lan Hồ Điệp “khủng”, được tạo tác theo lối bonsai

Còn với lan Hồ Điệp (chuyên phục vụ Tết), có khoảng 10 hộ chuyên doanh; tuy nhiên 2 năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, thị trường hoa Tết không ổn định, nên đến nay chỉ còn 3 hộ trồng giống lan này. “Trong hàng trăm cửa hàng lan Hồ Điệp phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, người Đông La góp 10 “suất””- ông Chuyên cho biết tiếp.

Vẫn theo ông Chuyên, năm nay giá lan Hồ Điệp cao hơn do giống, phân bón, phụ kiện trang trí nhất loạt tăng. Cũng do dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp, nên thị trường cũng kém sôi động, với giá bán ra giao động từ 180.000 đến 200.000 đồng/cành. Nếu trưng bày, tạo dáng theo lối bonsai, thậm chí giá có thể lên đến cả chục, thậm chí là trăm triệu đồng/sản phẩm. Từ giờ đến Tết, tình hình dịch bệnh sớm ổn định, hy vọng 8000 cành Hồ Điệp của gia đình sẽ tiêu thụ hết. Ông Chuyên cho biết thêm: “Hôm nay đã 17 tháng Chạp, nhưng cả hoa (lan Hồ Điệp) và người ở Đông La vẫn đương “ngóng” Tết”.

Lan Hồ Điệp – sản phẩm của người Đông La góp mặt trên thị trường hoa tết Thủ đô

Làng nghề truyền thống trong tương lai

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mới đây chính quyền xã Đông La đã xây dựng và trình phương án, đưa nghề trồng lan thành làng nghề truyền thống; nhưng đến nay việc này vẫn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Lan Hồ Điệp – sản phẩm của Trịnh Gia (xã Đông La) đang đua sắc

Vị đại diện câu lạc bộ lan Trịnh Gia (xã Đông La) cho biết: Với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, diện tích đất nông nghiệp dần bị thu hẹp, việc chuyển trồng lúa sang lan và các loại hoa – cây cảnh là phù hợp với xu thế. Với loại bình thường (không thuộc nhóm đột biến); mỗi giò lan đẹp cũng có giá hàng triệu đồng. Mỗi sào (360m2) có thể trồng được hàng trăm giò lan; so hiệu quả thì cao hơn trồng lúa gấp nhiều lần. Tuy nhiên, để đầu tư 1 sào lan (360m2), phải đầu tư trên dưới 1 tỉ đồng – đây là số tiền không nhỏ đối với nông dân. Một khó khăn nữa mà người trồng lan đang gặp phải là đất đai. Theo đó, đa phần các hộ ở địa phương này đang phải trồng lan theo kiểu “nhảy dù” trên đất lúa, bởi đến nay vẫn chưa có quy hoạch đất đai dành cho giống hoa (được mệnh danh là quý tộc) ở Đông La.

“Ngóng xuân”…

Hiện tại, nguyện vọng của những người trồng, kinh doanh hoa lan ở xã Đông La đang nóng lòng chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch đất để cây hoa “quý tộc” này có điều kiện “ăn sâu, bám rễ” một cách đường hoàng. Xa hơn nữa, khi nghề trồng lan ở xã Đông La được công nhận là làng nghề truyền thống, hoa lan được công nhận là một trong những sản phẩm Ocop của Hoài Đức, chắc chắn đời sống người dân sẽ được nâng cao.

>>> XEM THÊM: Lan hồ điệp màu xanh có gì mà gây sốt trên thị trường Tết, giá lại khá “chát”

Theo Kinh tế đô thị