Kiến thức cơ bản trong việc trồng và phòng trừ bệnh cho lan kiếm

Lan kiếm có sức sống mạnh mẽ và dễ trồng, Tuy nhiên, để đảm bảo sức sống, sức khỏe của cây, bạn cần áp dụng những nguyên tắc dưới đây. 

Kiến thức cơ bản trồng lan kiếm

Thời gian trồng

Thời vụ thích hợp để tách nhánh và trồng lan kiếm là vào mùa xuân, thích hợp nhất là tháng 3. Lúc này khí hậu ấm áp, cây lan đã phát triển hoàn thiện nên thời gian nhân giống sẽ nhanh. Lưu ý không nên thực hiện tách nhánh khi nhiệt độ xuống thấp dưới 15 độ.

Một số loại giá thể trồng lan kiếm

Giá thể trồng lan kiếm vô cùng đa dạng, chúng chỉ cần đảm bảo những yêu cầu về độ thoáng khí, thoát nước và giữ ẩm tốt.  Một số loại giá thể thích hợp trồng lan kiếm phổ biến nhất như:

– Xơ dừa: thường ở dạng miếng xơ dừa cắt nhỏ hoặc mùn dừa, có khả năng giữ ẩm tốt

– Trấu hun, vỏ lạc hun: giữ ẩm tốt, nhanh mục và giá rẻ

– Than củi: ưu điểm là thoát nước, giữ ẩm tốt và sạch bệnh nhưng nhược điểm là rất hút muối

– Xỉ than: thoáng khí và dễ kiếm

– Dớn: giữ ẩm tốt nhưng không thoáng khí

– Đất nung: giữ ẩm tốt, thoáng khí, không bị mục

– Vỏ thông: thoát nước tốt, khả năng giữ ẩm trung bình, bền và sạch.

Ngoài ra, để trồng lan kiếm còn có thể sử dụng nhiều loại giá thể khác như: đá bọt, đá núi lửa, đá Nhật, đá trầm vàng, bã cà phê, bã chè, vỏ cây, viên sỏi nhẹ, vỏ lạc, gỗ băm nhỏ,…

Lưu ý: Tùy thuộc vào kích thước của lan kiếm để lựa chọn kích cỡ giá thể phù hợp. Trước khi trồng, bạn phải xử lý giá thể sạch sẽ, không chứa mầm bệnh gây hại cho lan kiếm.

Cách xử lý giá thể

Lời khuyên cho người trồng lan kiếm là nên kết hợp giá thế để tạo thành 1 hỗn hợp nhằm tối ưu môi trường sống cho cây. Bạn có thể trộn theo nhiều cách khác nhau như: 60% đá nhật hoặc đá núi lửa + 30% vỏ thông + 10% phân trùn quế; 60% viên đất nung + 20% xơ dừa hoặc vỏ lạc hun + 20% vỏ thông; 40% than củi + 40% dớn + 20% xơ dừa; 60% xỉ than + 20% xơ dừa + 20% trấu hun;…

– Xử lý giá thể: Rửa sạch bằng nước sạch và ngâm trong nước vôi loãng khoảng 12 giờ để xử lý mầm bệnh.

Đồng thời, bạn nên sử dụng phân bón lót để cung cấp thêm dưỡng chất cho cây.

Xử lý giống trồng

Nếu lan kiếm được nhân giống từ hạt hay nuôi cấy mô thì chỉ cần tách cây khỏi bầu và tiến hành trồng cây. Nhưng nếu tách bụi, bạn cần xử lý cây giống cẩn thận.

Trước tiên, bạn chọn cây mẹ trên 3 năm tuổi, đạt tiêu chuẩn chất lượng và không bị sâu bệnh rồi tách từ 2 – 3 nhánh khỏe mạnh.

Sau đó, dùng kéo sắc đã được khử trùng cắt trụi các phần rễ già, khô mục, bị thối và loại bỏ lá vàng úa.

Tiếp theo, tiến hành sát trùng vết cắt bằng cách dùng que sắt nung nóng rồi quét sơn lên vết cắt để qua đêm cho khô. Ngoài ra, bạn cũng có thể ngâm cây vào dung dịch nano bạc hoặc nano kito liều 1 cc 1 lít nước, sau 5 phút thì vớt ra để khô ráo.

Chậu trồng

Lan kiếm rừng thích hợp trồng trong chậu hơn ghép vào giá thể. Chậu trồng lan kiếm có thể là chậu xi măng, chậu sứ, chậu đất hoặc chậu nhựa đảm bảo có lỗ thoát nước ở phần đáy.

Vì lan kiếm có tốc độ sinh trưởng nhanh nên cần chọn loại chậu có độ sâu phù hợp, miệng loe rộng để có đủ không gian cho rễ phát triển mà không bị kín khí.

Vị trí trồng

Vị trí trồng phong lan kiếm cần đảm bảo được các yếu tố ngoại cảnh phù hợp với chúng, nhất là việc đảm bảo ánh sáng. Lan kiếm sinh trưởng bình thường dù được trồng trong nhà hay ngoài ban công, sân thượng, sân vườn,…

Phòng trừ bệnh cho lan kiếm

Để phòng ngừa mối nguy cơ sâu bệnh hại, khi nhân giống là xử lý giá thể phải triệt để tiêu diệt mầm bệnh, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng trước khi trồng.

Định kỳ cắt tỉa những lá bị khô già, sâu bệnh để tránh lây lan. Lấy phòng bệnh là chính, nếu phát hiện sâu bệnh thì không nên lạm dụng thuốc hóa học, chỉ dùng thuốc khi bất khả kháng. Nếu phải dùng thuốc hóa học để trừ sâu bệnh hại thì chọn những loại ít độc hại, tồn dư thấp nhưng hiệu quả cao và lâu dài.

Khi phát hiện cây lan kiếm rừng bị bệnh phải tìm hiểu rõ nguyên nhân. Lan kiếm có thể bị xoăn lá, sinh trưởng chậm khi thiếu đạm; hay cánh hoa xuất hiện những vết màu đỏ là do nhiệt độ thấp; bị thối rữa do vi khuẩn xâm nhập;…

Nếu là những bệnh do điều kiện ngoại cảnh thì bạn cần điều chỉnh lượng nước tưới, nhiệt độ, ánh sáng, giá thể và phân bón. Chỉ phun thuốc nếu bệnh nặng.

>>> XEM THÊM: Các loại Kiếm quý mà ai yêu lan cũng muốn sở hữu