Hướng dẫn cách ghép lan vào thân cây sống hiệu quả cao nhất

Những khóm lan mọc trên thân cây sống thường khiến chúng ta khó có thể rời mắt.

  1. Ưu, nhược điểm của phương pháp trồng lan vào thân cây sống

a. Ưu điểm:

– Cây lan bám vào thân cây sống có bộ rễ phát triển mạnh và sức sống tốt hơn nhờ mạch nước vận chuyển trong thân cây sống rất mát. Vì vậy nhiệt độ của giá thể cực kỳ phù hợp cho rễ cây lan bám vào.

– Lan trồng dưới bóng cây khác ẩm hơn, mát hơn vì thế tốc độ phát triển cũng nhanh hơn so với khi trồng trên chậu hoặc trên gỗ lũa, đặc biệt là dòng giáng hương khi trồng sống bám trên cây sẽ có bộ rễ cực kì khỏe.

– Trồng lan trên cây sống không bị mối mọt giúp bạn không phải thay giá thể liên tục tạo môi trường sống ổn định cho cây lan trong nhiều năm liền.

b. Nhược điểm

– Không thể di chuyển vị trí của cây vì vậy bạn không thể kiểm soát được việc thay đổi điều kiện mưa, nắng cho lan vì vậy nếu gặp thời tiết cực đoan nắng gắt hay mưa liên tục nhiều ngày liền sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cây.

  1. Những lưu ý khi trồng cây lan lên thân cây sống
Lựa chọn gốc ghép lan

– Các loại cây sống phù hợp để ghép lan

Bởi vì cây lan không bám vào cây để hút nhựa nên việc chọn thân cây để ghép lan khá dễ dàng. Yêu cầu đơn giản với các cây sống là:

+ Cây lâu năm, không thường xuyên bị chảy nhựa, vỏ không bị bong tróc thường xuyên và không có nấm bệnh.

Những cây hay bị chảy nhựa thường xuyên, nhựa rơi xuống vừa làm cây lan bám nhựa không chỉ xấu về mặt thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của cây. Vỏ cây bị bong tróc cũng gây ảnh hưởng tương tự.

Nếu vỏ cây thường xuyên có nấm bệnh dễ khiến cho nấm lây lan lên cây lan, do đó bạn nên xử lý nấm trước khi ghép lan vào thân cây sống.

  1. Cách ghép lan vào thân cây sống chuẩn nhất

Bước 1: Xử lý thân cây sống để ghép lan

– Làm sạch gốc cây, tỉa bớt cành lá trên cây:

+ Nếu vỏ cây dày, nhiều lớp bần xù xì thì bạn nên dùng dao dóc mỏng đi, chỉ để lại một chút vỏ mỏng, đặc biệt là những cây lâu năm có vỏ cây dễ bong như nhãn, vải, roi,…

Nếu bạn không xử lý lớp vỏ cây sẽ là nơi trú ngụ của nấm bệnh và côn trùng hại cây như sên, gián, sâu,…

+ Tỉa bớt cành lá trên cây giúp chúng ta dễ chăm sóc theo dõi lan hơn, vừa đảm bảo cây có đủ lượng ánh nắng mặt trời cho quang hợp.

Bước 2: Xử lý cây giống

– Khi ghép lan trên cây sống bạn chú ý chọn cây lan có sức sống mãnh liệt, sung sức và dễ sống bởi khi ghép lên gốc cây sống, thời gian đầu bạn sẽ khó mà chăm chút chúng một cách chu đáo so với như trồng trong chậu được.

– Tỉa lá, rễ dập nát, thối rồi bôi keo liền sẹo cho khô sau đó xử lý nấm bệnh và thuốc kích rễ (nếu cần) rồi tiến hành ghép cây.

Bước 3: ghép lan vào thân cây sống

Dùng dây vải, dây thun để cố định cây, vừa chặt lại thân thiện với cây lan. Khi lan đã bám chắc trên thân cũng là lúc dây này cũng mục và tự bung ra.

Bước 4: Tưới nước cho cây

– Tưới nước sau 1 ngày sau khi ghép cây. Lúc này các vết xước trong quá trình ghép cây đã lành sẽ hạn chế phần nào vi khuẩn nấm bệnh xâm nhập.

– Nên tưới thật đẫm bởi ghép lên thân cây khô rất nhanh, mỗi ngày nên tưới 1 lần vào chiều tối để cây mọc rễ.

Chúc các bạn thành công!

>>> XEM THÊM: Kỹ thuật cơ bản trồng phong lan