Chuyện kể về loài lan hài mang tên Bác

Tỏa hương, khoe sắc giữa trời Âu, loài lan hài mang tên Hồ Chí Minh toát lên vẻ đẹp mộc mạc và thanh cao của núi rừng Việt Nam.

Cây “cha” và cây “mẹ”

Theo ông Đỗ Khắc Tài, một nhà sưu tầm hoa lan, đang sinh sống tại thành phố Bochum, Đức, lan hài Hồ Chí Minh là một loài cây lai giữa hai loài lan hài bản địa đặc biệt quý hiếm của Việt Nam. Hai loài này có tên khoa học lần lượt là Paphiopedilum Delenatii và Paphiopedilum Vietnamense.

Paphiopedilum Delenatii, “cha” của lan hài Hồ Chí Minh có một số phận khá long đong. Loài lan đặc hữu này được nhà thực vật học người Pháp tên là Poilane phát hiện vào năm 1922 ở tỉnh Khánh Hòa. Một số cành của cây lan Delenatii được đưa về trồng ở Pháp, nhưng chúng đã không sống được lâu.

Bị quên lãng bởi chiến tranh, sau năm 1975, một số nhà sưu tầm cố gắng tìm kiếm lan Delenatii ở Khánh Hòa, nhưng không thể thấy bóng dáng loài cây này. Lan Delenatii được xem như đã tuyệt tích.

Bất ngờ, vào năm 1990, các nhà sinh vật lại tìm thấy lan delenatii trong những cây lan xuất cảng làm được liệu ở Trung Quốc. Kể từ đó, giống lan hài này đã được phục hồi.

Paphiopedilum Vietnamense, “mẹ” của lan hài Hồ Chí Minh thì có một số phận ít sóng gió hơn. Cũng là một loài cây đặc hữu, lan Vietnamense được phát hiện vào năm 1998 ở Cao Bằng. Cái tên giàu ý nghĩa Vietnamense (Việt Nam) là do hai nhà trồng lan người Đức là ông Olaf Gruss và ông Holger Perner đặt.

Rất hiếm gặp, trên thị trường châu Âu những cây lan Vietnamense được bán với giá tương đương 5.000 USD một cây.

Năm 1999, ông Popow, một nhà trồng lan người Đức đã nhân giống thành công cây lan Delenatii với cây lan Vietnamense. Năm 2002, cây lai nở hoa và được ông đặt tên theo tên vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam: Paphiopedilum Ho Chi Minh, nghĩa là lan hài Hồ Chí Minh.

Ông Đỗ Khắc Tài nhận xét: “Dễ trồng, dáng cây tốt, mau ra hoa, hoa to có màu từ hồng đến đỏ với hình dáng tuyệt hảo, cây lan hài Hồ Chí Minh là sự kết hợp giữa hai vẻ đẹp của cây mẹ và cây cha, một vẻ đẹp Á Đông thuần túy”.

Tuy nhiên, Hiệp hội hoa lan quốc tế chưa công nhận tên gọi này. Khi Popow đem mẫu lan hài Hồ Chí Minh đi chứng nhận, ông không xuất trình được giấy tờ hợp pháp của cây cha và cây mẹ bởi vì cả hai loài cây này đều nắm nằm trong danh sách cấm xuất cảng của CITES (Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp).

Vì vậy tên gọi chính thức của loài lan hài này cho đến nay vẫn được mặc định là Paph. delenatii x Paph.vietnamense, có nghĩa là loài lai giữa lan delenatii và lan vietnamense.

Dù vậy, các nhà sưu tầm hoa lan và các nhà phân loại học chẳng mấy khi sử dụng tên gọi dài dòng đó. Họ chỉ gọi loài hoa quý phái có nguồn gốc Việt Nam bằng một cái tên mộc mạc: Paphiopedilum Ho Chi Minh – lan hài Hồ Chí Minh.

Cái tên này một lần nữa được khẳng định vào năm 2008, khi nước Cộng hòa Djibouti (một nước thuộc địa cũ của Pháp ở Đông Phi) phát hành một mẫu tem giới thiệu loài lan hài mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh (Paphiopedilum Ho Chi Minh).

Phân họ Lan hài (danh pháp khoa học: Cypripedioideae) là một phân họ trong họ Lan (Orchidaceae). Phân họ này bao gồm các chi Cypripedium, Mexipedium, Paphiopedilum, Phragmipedium, Selenipedium.

Các loài lan trong phân họ này có đặc trưng la các khoang túi (các cánh môi hay cánh giữa biến đổi) của hoa có hình chiếc hài (loại giày của phụ nữ thời phong kiến). Các khoang túi này có nhiệm vụ bẫy côn trùng, buộc chúng phải thụ phấn cho hoa.

Lan hài không chỉ có giá trị về mặt thẩm mĩ, khoa học, mà còn có giá trị kinh tế cao nên nhiều loài lan hài đã bị săn tìm và thu hái để cung cấp cho các thị trường quốc tế, khiến số lượng của chúng bị suy giảm nhanh chóng, dẫn bị tuyệt chủng.