Cách nhận biết và phòng trừ bệnh thường gặp ở phong lan

Cây hoa lan nếu được chủ nhân chăm sóc tốt thì cây phát triển khỏe mạnh, cho hoa đẹp. Lan rất dễ bị bệnh, nếu không chịu khó quan sát thì bạn sẽ không thấy được sâu bệnh, vi khuẩn đang âm thầm tàn phá chậu lan hoặc thậm chí cả vườn lan của bạn. Do đó, vấn đề nhận biết một số bệnh thường gặp trên cây lan là không thể thiếu đối với người chơi lan. Bài viết này, Vuonlan.net xin dành thời gian để chia sẻ “Cách nhận biết và phòng trừ bệnh thường gặp ở cây hoa lan“. Hy vọng nó sẽ giúp ích cho nhiều bạn cùng đam mê lan chơi lan.

Nhận biết và cách phòng trừ một số bệnh phổ biến trên lan

Một số bệnh phát sinh trên cây lan thường xuất phát từ những nguyên nhân ngoại cảnh như:
+ Tưới quá nhiều nước
+ Thời tiết quá nóng hay quá lạnh
+ Virus tấn công- Nhiễm nấm bệnh…
Để chúng ta có thể nhận rõ nguyên nhân những căn bệnh, các bạn cần tập cho mình thói quan quan sát vườn lan của mình, nếu có những dấu hiệu lạ giống như dưới đây thì cây của bạn đang có nguy cơ bị:

1. Dấu hiệu nhận biết ở rễ

* Dấu hiệu: Đầu rễ bị nâu và khô lại
– Nguyên nhân: Bị nhiễm độc vì khí thải, hay giá thể có chất độc, hat trồng trong chậu tráng men hay kim khí.
– Cách chữa: Thay chậu khác với giá thể mới phù hợp hơn.

2. Dấu hiệu nhận biết ở hoa

* Dấu hiệu: có những chấm, đốm trên cánh hoa
– Nguyên nhân: Bị nhiễm nấm Botrytis thường xảy ra vào mùa lạnh và có độ ẩm cao hay hoa gần tàn
– Cách chữa: Cắt bỏ hoa, mang lan vào chỗ khô và ấm áp.

3. Dấu hiệu nhận biết ở lá

* Dấu hiệu: Lá bị tím hoặc có đốm tím
– Nguyên nhân: Nhiều ánh nắng quá, một vài giống Caffleya thường có triệu chứng này.
– Cách chữa: Che bớt ánh nắng bằng lưới che.

* Dấu hiệu: Lá có vết nâu lõm xuống
– Nguyên nhân: Bị cháy nắng, nhiễm nấm bệnh
– Cách chữa: Cắt bỏ chỗ thối, bôi thuốc sát trùng và mang cây ra khỏi chỗ nắng.


* Dấu hiệu: Lá rũ xuống, vàng vọt và nhăn nheo
– Nguyên nhân: Thối rễ vì chậu quá rộng hay giá thể bị mục, tưới quá nhiều nước, thiếu ánh sáng, bị quá lạnh. Trường hợp này lá sẽ bị thối đen vài ngày sau.
– Cách chữa: Cắt bỏ rễ thối trồng lại với giá thể mới và khắc phục các nguyên nhân kể trên.

* Dấu hiệu: Đầu lá bị cháy
– Nguyên nhân: Bón quá nhiều phân
– Cách chữa: Cắt bỏ phần ngọn lá, tưới thật đẫm với dung dịch Epson salt với dung lượng 1 thìa sup cho 4 lít nước mỗi tuần.

* Dấu hiệu: Lá bị đốm ở phần ngọn
– Nguyên nhân: Bị lạnh và lá đọng nước khi trời lạnh
– Cách chữa: Không nên tưới nước khi trời lạnh dưới 10 độ C.

* Dấu hiệu: Lá non bị nhiều đốm xanh nhạt.
– Nguyên nhân: Bị nhiễm độc vì khí thải, hay giá thể có chất độc, hay trồng trong chậu tráng men hay kim khí nhất là những chậu sản xuất từ Trung Quốc.
– Cách chữa: Thay chậu khác với giá thể mới.

* Dấu hiệu: Nhiều vết, đốm hay chấm nâu đen
– Nguyên nhân: Bị nhiễm nấm vì tưới nước quá lạnh, quá nhiều hay bị để quá khô cũng xảy ra hiện trạng này.
– Cách chữa: Cắt bỏ những lá bị bệnh. Bớt tưới nước, dùng thuốc trừ nấm như: Funginex, Dam-off… hãy Hydrogen peroxides, bột diêm sinh (Sulphur powder), bột quế (Cinnamon powder).

* Dấu hiệu: Thối ngọn, thối gốc
– Nguyên nhân: Tình trạng này thường xảy ra vào các mùa lạnh với những cây Cattleya và Cymbidium còn non bắt đầu từ dưới gốc nguyên nhân do nước đọng rồi bị lạnh
– Cách chữa: Tránh để đọng nước qua đêm, cắt bỏ chỗ thối và trị bằng thuốc trừ nấm như trên.

Bệnh thối nhũn do vi trùng Erwinia gây ra

* Dấu hiệu: Mới đầu chỉ là một vệt nhỏ sau đó sẽ lan rộng nhnah chóng tới cuống lá và thân cây trong vòng 1-3 ngày đối với lan Phalaenopsis, Dendrobium: lá bắt đầu vàng đen lại, Vanda: có những vết trong suốt rồi đen lại,
– Phòng ngừa: Bệnh lây lan qua nước tưới bắn sang cây khác, ngưng tưới từ trên xuống, để lá khô, nhất là vào ban đêm, nếu có thể tăng thêm độ thống thoáng gió và giảm độ ẩm. Phun toàn bộ vườn lan với dung dịch 10% bằng thuốc tẩy Chlorox.

Bệnh thối nâu do vi trùng Acidovorax gây ra

* Dấu hiệu: Mới đầu chỉ là một vệt nhỏ màu nâu xong rồi thẫm dần và lan to ra. Bệnh này thường xảy ra vào mùa nóng nực.
– Cách chữa: Cắt bỏ lá thối bằng dao kéo đã khử trùng. Bôi thuốc Physan 20 hay Hydrogen peroxides vào vết cắt.
– Phòng ngừa: giống như bệnh thối nhũn do vi trùng Erwinia

Bệnh thối đen do vi trùng Pythium và Phytophthora gây ra

* Dấu hiệu: có những vết đen bắt nguồn từ lá hay mầm non rồi lây lan rất nhanh xuống rễ cây.
– Cách chữa: Cắt bỏ chỗ thối, hay cắt bỏ cả lá hay toàn bộ thân cây. Bôi vết cắt với bột quế hay diêm sinh cộng với vài giọt dầu ăn hoặc keo dán giấy hoặc phun với thuốc Captan, Dithane M-45 hay ngâm cây trong Physan 20.
– Phòng ngừa: Để riêng cây ra chỗ khác. Bệnh lây lan vì nước bắn từ cây này sang cây khác. Chỗ để lan cần thông thoáng để tránh bệnh này.

Bệnh do virus gây ra

Virus là một loài vi khuẩn độc hại nhất, không có thuốc chữa. Loài này có khoảng 30 giống, nhưng thông thường nhất là Odontoglossum ringspt virus (ORSV) và Cymbidium mosaic virus (CYMV) lây lan qua rất nhiều loài lan.
* Dấu hiệu: Lá có những quầng, đốm nâu, vàng, đen, sần sùi: hoa có những vằn, vệt có màu sắc phai nhạt khác thường.
– Nguyên nhân: Bị virus vì mua cây có bệnh rồi lây lan qua các cây khác trong quá trình tưới nước, lá cọ sát vào nhau, côn trùng, dao kéo không khử trùng.
– Phòng ngừa: Không nên mua cây có dấu hiệu khả nghi của bệnh. Hãy cắt một miếng lá gửi đi thử nghiệm, nếu có bệnh dịch thì tùy thuộc vào tình trạng bệnh trên cây để đưa ra quyết định vất bỏ cây đi hay để cây cách ly khỏi các cây khác. Dao kéo cần khử trùng bằng cách hơ trên lửa.

Với cách nhận biết và phòng trừ bệnh thường gặp ở cây hoa lan, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát tốt sâu bệnh nếu như bạn chịu khó quan sát, có những dấu hiệu lạ trên thân, lá, hoa, rễ… thì cần có biện pháp xử lý kịp thời. Hãy giữ cho cây lan của bạn luôn khỏe mạnh, phát triển trong môi trường tốt nhất để cây nhanh cho hoa đẹp, mang lại giá trị cho người chơi lan. Chúc các bạn thành công!