Trước khi trồng lan con vào chậu cần làm gì cây phát triển tốt nhất?

Dưới đây là những việc làm cần thiết để lan con được mua về hay được tách ra từ những khóm lan khác sau này sinh trưởng tốt và không mắc bệnh.

Bước 1: Vệ sinh cây lan

Đầu tiên, để lan nơi thoáng mát tránh nắng mưa trực tiếp. Bạn không cần tưới nước ngay nhưng nhất định phải cắt bỏ những lá khô héo, sâu, các rễ héo, thối đen… Việc làm này không thể bỏ qua vì thời gian về sau sẽ gây ảnh hưởng đến toàn bộ cây, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại sâu bệnh làm tổ. Hơn nữa còn đánh mất tính thẩm mỹ của cây phong lan.

Đối với những cây lan con được lấy từ trong rừng về, do mọc trên vách núi, thân cây nên khó tránh khỏi tình trạng đứt rễ. Vì vậy, trước khi đem trồng vào chậu bạn cần rửa rễ lan sạch sẽ. Đồng thời kiểm soát lượng nước tưới phù hợp.

>>> XEM THÊM: Nở rộ phong trào đổi tài sản giá trị hàng chục tỷ đồng lấy lan đột biến

Bước 2: Khử trùng cho lan

Khi công đoạn vệ sinh cho lan kết thúc, bạn tiến hành sang bước khử trùng. Việc làm này thêm một lần nữa để hạn chế tối đa các sâu bệnh tấn công. Bước này rất quan trọng nên bạn hãy đọc thật kỹ. Bởi khi lan đã trưởng thành và mang cả mầm bệnh vào chậu thì khi bệnh phát triển mạnh sẽ rất khó để khắc phục. Đặc biệt đối với những bạn mới tập chơi lan thì cần chuẩn bị một số kiến thức cơ bản về kỹ thuật trồng lan để khi cho lan vào chậu được thành công.

Ngâm cây lan con vào thau nhựa chứa nước có pha thuốc nấm Dithane nồng độ 1- 2‰ trong vòng 2 phút. Hoặc bạn có thể dùng thuốc trừ bệnh sinh học Chubeca liều lượng thuốc 2ml/ 1lít nước.

Tùy thuộc vào điều kiện môi trường để tiến hành chuyển chậu cho cây con. Bạn cần dự phòng để có thể ngăn ngừa một số bệnh hay gặp ở lan: lá trắng, bệnh thối nhũn, bệnh thán thư, đốm lá… Tùy thuộc vào từng loại bệnh thì sử dụng các loại thuốc phù hợp. Một số loại thuốc trị bệnh cho cây Thành Xanh (Siêu Xanh), Aliette, Chubeca, Physan, Dithane, Anvil ….

Tùy thuộc vào từng vùng miền khác nhau để chọn thuốc phòng bệnh cho lan. Nếu chưa xác định được bệnh trên lan ta có thể sử dụng một số loại thuốc có khả năng diệt khuẩn cao.

Bước 3: Phơi rễ lan

Việc phơi rễ sẽ giúp rễ lan được mềm, dai hơn, hạn chế tình trạng bị gãy cây. Ngoài ra, phơi nắng còn có tác dụng giúp cho các vết thương trên cây được mau lành hơn. Chưa kể sẽ tăng khả năng sống s.ót khi trồng vào chậu.

Bạn đem cây ngâm vào dung dịch diệt khuẩn và rửa lại với nước sạch rồi đem đi phơi nắng. Lưu ý, phải dùng bạc để che chắn cho lá lan. Nếu phơi vào lúc sáng sớm thì phơi 2-3 tiếng, nếu có nắng mạnh thì chỉ cần phơi khoảng 2 tiếng. Trong quá trình phơi bạn nên trở mặt rễ để rễ cây đều nhận được ánh nắng.

Sau khi hoàn thành bước này thì đem lan đi trồng vào chậu mới. Chậu cũng cần được xử lý sạch sẽ, khử trùng cẩn thận. Chất trồng lan phải mới hoàn toàn, không nên dùng lại để tránh mang theo mầm bệnh gây hại cho cây lan.

Hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn trồng và chăm sóc lan một cách dễ dàng!

>>> XEM THÊM: Từ A đến Z kinh nghiệm chăm lan người chơi chuyên nghiệp đúc kết: Đủ nắng, đủ nước, yêu thương chăm sóc vừa phải cây sẽ khỏe