Từ A đến Z kinh nghiệm chăm lan người chơi chuyên nghiệp đúc kết: Đủ nắng, đủ nước, yêu thương chăm sóc vừa phải cây sẽ khỏe

Trồng và chăm sẽ không hề khó nếu hiểu và nắm rõ những đặc tính của cây.

Dưới đây là những vấn đề người trồng lan cần biết theo chia sẻ của 1 người chơi lan chuyên nghiệp.

  1. Môi trường trồng phong lan

Nguyên tắc: Phải có nắng mà không được nóng- Phải ẩm mà không được ướt – Phải thoáng mà không được khô.

Ví dụ như trồng lan trên sân thượng: Cần dỡ mái tôn (nếu có), lợp tấm nhựa policacbonat trong, vừa che mưa mà vẫn lấy được nắng. Nước mưa ở thành phố theo theo nhiều người hại nhiều hơn lợi cho lan.

Mùa nắng nóng gay gắt có thể che thêm lớp lưới dưới mái nhựa, đến tháng 10 dương lịch thì dỡ ra cho cây ăn thêm nắng. Để đảm bảo độ ẩm thì các bạn nên làm bồn đất hay đặt khay nước dưới sàn.

  1. Làm giàn lan.

Chơi lan là thú chơi lâu dài, các bạn ngay từ đầu nên quan tâm đến làm giàn. Các cụ ta đã nói có an cư mới lạc nghiệp. Với lan cũng vậy thôi.

Nguyên tắc chung khi làm giàn:  Giàn cao thoáng để giúp cây phát triển tốt còn phải bền chắc. Làm giàn mà ọp ẹp và tạm bợ chẳng mấy lại phải sửa, nếu sập giàn hỏng cây thì thành ra “một tiền gà ba tiền thóc”.

  1. Mua Lan

Đối với người mới trồng nên mua những cây dễ trồng trước để có kinh nghiệm. Chúng nó ở quê lên, ở rừng về, cần có thời gian và cần được các bạn quan tâm uốn nắn cho phù hợp với “nề nếp gia phong” nhà các bạn. Ít đứa thì bạn còn dạy dỗ được tử tế chứ cùng một lúc cưới về cả đống, mỗi đứa một tính một nết các bạn chiều sao nổi?

Chơi Lan không “sốt” được, muốn đi xa phải đi từ từ. Dạy bảo xong đứa này ta cưới tiếp đứa khác, vừa có kinh nghiệm vừa có đứa lớn bao bọc đứa bé.

Mới chơi không nên chọn mua cây “độc”, cây đắt tiền. Các bạn cứ ăn chắc mặc bền, chọn bọn nông dân chân ngắn mông to, ít ốm vặt, siêng chửa đẻ (Đai châu, kiều, hoàng lạp, long tu, phi điệp, tam bảo sắc, catleya, denro…) mà cưới. Trước là có hoa ngắm cho có động lực, sau nữa là có cơ sở vật chất (tiểu khí hậu) vững chắc.

Nếu dư dả một chút thì nên mua loại “gái 18-20” to khỏe cho dễ chăm với đẻ con chứ đừng “chăn kiến”, vừa dễ chết vừa lâu có hoa.

Khi đã có đủ điều kiện và kinh nghiệm, thành “đại gia” rồi, ta kiếm về mấy con bồ hoa hậu, người mẫu (5CTPT, 5CT Hiển Oanh, Hồng Mỹ Nhân…) cho nó bằng anh bằng em cũng chưa muộn.

>>> Xem thêm: Nhìn biểu hiện này của lan, nhận biết ngay cây thiếu hay thừa chất

  1. Chăm sóc lan

Lan bệnh hay chết phần nhiều là do người chơi chăm tưới bón quá nó úng thối mà chết chứ mấy khi nó chết khô đâu. Phân bón cũng vậy, không quá cầu kỳ.

Ngày hai lần uống nước sáng chiều, mùa đông cắt tưới buồi chiều.

Thức ăn thì chỉ có phân dê trộn với phân chì loại túi lưới bán sẵn ở chợ thả thẳng vào gốc. Gần đến tháng đẻ thì có chút NPK 6-30-30 để bồi dưỡng.

  1. Trị bệnh cho lan

Dân gian ta có câu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Cách phòng bệnh tốt nhất là giữ môi trường trồng lan thoáng mát, sạch sẽ. Nếu tiện thì phun nước vôi định kỳ 1 lần/tháng, vừa phòng bệnh vừa bổ sung canxi cho lan.

  1. Kích hoa

Đủ nắng, đủ nước, chăm sóc vừa phải thì cây sẽ khỏe, đến mùa sẽ tự ra hoa. Nhiều người chỉ phun 1 loại thuốc kích thích hoa nào ngoài NPK 6-30-30 mà lan vẫn ra hoa chi chít. Thậm chí nhiều cây lan ở ban công quanh năm chỉ tưới phun sương, không dùng bất kỳ loại phân thuốc nào vẫn ra hoa bình thường, chỉ là không được rực rỡ như những “người anh em” của nó trên sân thượng.

>>> Xem thêm: Bí quyết kích hoa trên đầu ngọn cho phi điệp thành công: Cần chú ý thời điểm vàng này