Top 8 chiêu đơn giản diệt ốc sên hại hoa lan hiệu quả nhất

Ốc sên vỏ nâu, sên trần nhỏ và sên trần lớn là loài vật chuyên hại vườn lan, ốc sên hại hoa lan và vườn rau cực kỳ khủng khiếp. Nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời vườn lan của bạn sẽ chẳng còn gì chỉ sau một đêm.

Ốc sên có những đặc điểm gì?

Ốc sên vỏ nâu, sên trần nhỏ và sên trần lớn là loài vật gây hại khủng khiếp cho hoa lan cũng như vườn hoa nhất là vào buổi chiều tối, lúc trời mưa nhỏ hoặc khi thời tiết ẩm thấp là lúc ốc sên hoạt động mạnh nhất.
Vào ban ngày nắng nóng, khí hậu khô, ốc sên chui xuống đất hoặc núp dưới lớp cỏ hoặc nơi ẩm ướt như gốc cây, đáy chậu.
Vào những trận mưa đầu mùa, ốc sên hoạt động ngay sau khi ngủ một thời gian vào mùa khô. Thời điểm tháng 9 đến tháng 12 (mùa mưa) là thời gian ốc sên phát triển sinh sôi nảy nở. Nếu giai đoạn này bạn không chú ý quan sát thì vườn lan của bạn sẽ tan hoang chỉ trong một đêm.

Ốc sên thường cắn phá những vị trí nào trên cây?

Những vị trí mà ốc sên thích nhất chính là rễ non của lan, chồi non của lan hay lá non mới mọc nhất là những vòi hoa. Ốc sên ăn rễ non khiến cây lan không thể nào phát triển, thậm chí là chết. Và còn gì đau bằng khi nhìn thấy những lá lan xanh mướt, vòi hoa tuyệt đẹp bị cắn nát.

Một số biện pháp trừ ốc sên hại lan

1. Dọn sạch sẽ vườn lan hàng tuần nhất là vào mùa mưa
Vào mùa mưa hoặc khi thời tiết ẩm thấp, bạn nên chú ý dọn dẹp vườn lan cho sạch sẽ, làm sạch cỏ dại phía dưới vườn lan. Vào mùa khô thì phát quang bụi rậm, dọn gạch gỗ, lá cây rụng trong vườn… và những nơi nghi ngờ là chỗ trú ngụ của ốc sên.
2. Bắt ốc bằng tay


Bạn có thể bắt ốc sên bằng tay cũng khá hiệu quả. Khi trời vừa chập tối, dùng nước tưới vào những chỗ nghi là nơi ốc sên trú ẩn, chỉ chút thôi là ốc sên bò ra và bạn bắt chúng.
3. Dùng lá râm bụt, các loại rau củ để dưới vườn
Có một cách khác để dụ ốc sên là dùng lá râm bụt, các loại rau củ để vào một góc vườn. Tối đến, ốc sên sẽ kéo đến ăn những loại trên mà bỏ qua hoa lan và chúng ăn no rồi nằm đấy tới sáng. Sáng hôm sau, bạn chỉ cần thu gom chúng là xong. Bạn có thể làm vài lần như thế cho đến khi vườn sạch ốc sên.


4. Dùng mật ong dụ ốc sên
Ốc sên rất mê mùi thơm, lợi dụng điều này bạn có thể trét mật ông vào một cái hủ. Sau đó, chời đêm xuống đem để ngoài vườn, ốc sên chui vào hũ rất nhiều. Sáng ra bạn chỉ cần xử lý chúng là xong.
5. Nuôi cóc, nhái trong vườn
Cóc, nhái có thể ăn hết ốc sên lớn lẫn ốc sên con và cả những loại sâu bọ, mối, kiến cánh…nhưng không phá hoại vườn lan của bạn. Đây cũng là biện pháp diệt ốc sên hiệu quả.
6. Rắc vôi bột hoặc muối
Còn thêm một cách nữa là rắc vôi bột hoặc muối trên mặt đất để diệt ốc sên và sên trần, nhưng cần chú ý không được rắc trên chậu lan.
Rải vôi bột trên mặt đất, trên kệ kê chậu, trên mặt chậu gần gốc cây, (khi hoa bắt đầu xổ bao) và rải quanh vườn lan 2 đến 3 tháng 1 lần.


7. Cách xử lý nếu bắt được lượng ốc sên quá nhiều
Khi bắt được quá nhiều ốc sên, bạn hãy đập chúng cho vào lu sành với một ít nước. Vài tháng sau, khi nước đã hoai bạn có thể pha cùng nước lã làm phân tưới cho lan hoặc rau rất tốt.
Nếu bạn không thích làm thế thì đem ốc sên bằm nhỏ gà, vịt, cá… ăn cũng rất tốt.
8. Dùng các loại thuốc BVTV diệt trừ ốc sên hại lan
Nếu những biện pháp trên có hiệu quả nhưng chưa diệt trừ tận gốc ốc sên thì cách cuối cùng là dùng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) như:
– Dung dịch Booc-đô 1%, bạn sẽ phun dung dịch này vào gốc cây, bẹ lá, nách lá, cuống phát hoa. Chú ý: không phun trực tiếp lên hoa. Và chỉ nên dùng Booc-đô 1 lần / 1 tháng.
– Muối Arsenate, Methaldehyde… thường được chế tạo thành viên bã độc. Bạn đặt viên này trên chậu gần chồi hoa. Song bạn nên hạn chế dùng biện pháp này vì bã mồi diệt ốc bằng hoá học khá độc sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người và vật nuôi quanh nhà.
– Các loại thuốc dẫn dụ: Bolis ( 6G, 12G) ; Cửu Châu ( 6Gr, 12Gr ) và Pilot (10B, 15B). Bạn rãi thuốc trên mặt đất hoặc trộn với đất phân khi bón cho lan.

Thời điểm nào trong ngày sử dụng các loại thuốc diệt ốc?

Đối với thuốc rải, nên rải lúc chiều mát, hay sau cơn mưa chiều, rải nhẹ trên mặt chậu hoặc xung quanh cây trồng, tối ốc sên bò ra ăn phải bả mồi sẽ bị chết hàng loạt. Ốc sên sinh sản rất nhanh nên sau cơn mưa phải đi kiểm tra nếu thấy ốc sên xuất hiện trở lại thì rải thuốc tiếp tục.

Cách bảo vệ hoa lan tránh bị ốc sên phá hoại

Ốc sên còn rất thích vòi hoa, cành hoa lan thế nên để ốc không ăn được cành hoa bạn hãy dùng mẹo khá hữu ích là làm một cái phễu bằng giấy cứng quấn quanh gốc cành hoa với phần đáy quay lên trên, dùng kim ghim tờ giấy cho chặt. Khi sên, nhớt bò lên theo cành hoa và lọt vào đáy phễu, chúng không thể tìm được cách bò qua thành phễu để lên phía trên nụ hoa.
Top 8 chiêu đơn giản diệt ốc sên hại hoa lan hiệu quả nhất có thể chưa đầy đủ nhưng phần nào cung cấp được những biện pháp diệt ốc sên hiệu quả nhất cho bạn. Đừng ngại chia sẻ bài viết để mọi người cùng đọc bạn nhé!

(Nguồn: trainghiemhay.com)