Tổng hợp kinh nghiệm chăm sóc lan Đai Châu, bí quyết từ nhà vườn chuyên nghiệp không phải ai cũng biết

Lan Đai Châu (tên khoa học là Rhynchostylis gigantea), các tên gọi khác là Tai Trâu, Ngọc Điểm, Nghinh Xuân…

Hoa nở tháng 12 âm lịch sau thời gian ngậm nụ 90- 120 ngày, thời gian từ lúc nở đến lúc tàn là 20- 30 ngày tùy thời tiết và điều kiện chăm sóc.

Trước kia chưa có kiểu chơi lá sọc, lá mít, đồng xu, lá xếp,….thì đai châu được mệnh danh là loài lan có thân lá đẹp nhất nhì trong các loại.
  1. Khí hậu

Đai châu thuộc dòng Lan đơn thân rễ gió, chịu hạn và nắng nóng tốt nhưng không nên trồng ở nơi có nắng chiếu trực tiếp. Điều kiện thuận lợi để cây phát triển tốt là ăn nắng 50- 60%, ẩm 40- 70%, thoáng rễ, thoáng gió,nhiệt độ 20- 30 độ C.

  1. Giá thể

Vì là dòng lan rễ gió nên Đau châu ưa trồng thoáng. Giá thể nên là trụ gỗ loại bền chắc, lâu mục (không có tinh dầu) như gỗ nhãn. Nếu trồng chậu thì giá thể nên là than củi hoặc vỏ thông cỡ to.

  1. Trồng mới hoặc sang chậu

Thời điểm trồng mới hoặc sang chậu cho Đai Châu tốt nhất là vào cuối mùa xuân (tháng 3- 4 dương lịch),  sau khi tàn hoa, cây đang ở mùa nghỉ.

Trước khi trồng nên xử lý nấm, kích rễ, treo chỗ mát cho ra rễ rồi ghép. Sau khi ghép xong để cây ở nơi ẩm mát, tránh ánh nắng trực tiếp. Tưới nước (dạng phun sương cho ẩm đều mặt lá và giá thể) ngày 1 – 2 lần vào sáng và chiều mát.

Phun kích rễ 2 lần/tuần (sử dụng loại kích rễ mà bạn có: B1, Rootplex, N3M, Hùng Nguyễn…)

>>> Xem thêm: Nhìn biểu hiện này của lan, nhận biết ngay cây thiếu hay thừa chất

  1. Tưới nước, bón phân

– Tưới 2- 3 lần/ngày vào mùa nắng. Tưới lại khi giá thể khô. Bón phân NPK 30-10-10 &B1(2 lần); NPK 20-20-20 &B1 (1 lần). 1lần/tuần (xuân – hè)

– Đơn giản hơn thì tưới NPK 20-20-20 hoặc nước vo gạo pha loãng phun 1-2 lần/tuần.

– Giảm hoặc ngưng tưới mùa đông. Để khô lá và rễ trước khi tối. Ngưng bón phân. Che chắn gió đông bắc, giữ ẩm tốt để tránh bị rụng lá chân.

  1. Kích hoa

– Phun 6-30-30 hoặc 10-30-20 đầu tháng 10 âm lịch (3- 4 lần, 1lần/tuần)

– Phun 15-20-30 hoặc 6-30-30 (3 lần, 1lần/tuần) khi vòi hoa 3- 4cm

– Tàn hoa, tưới nước ngày/lần (Tháng 2- 4 âm lịch). Phun kích rễ. Khi rễ đủ dài mới bón phân trở lại.

  1. Phòng bệnh

Định kì phun 1 tháng 1 lần vào mùa khô và 2 tuần 1 lần vào mùa mưabằng nước vôi trong và các loại thuốc phòng trị bệnh như Ridomil Gold (1g/l), Kasumin (1ml/l), Tilt Super …. Xen kẽ cho cây đỡ bị lờn thuốc. Có thể pha chung với phân nhưng nên dùng bình xịt riêng để tiết kiệm và tiện theo dõi

  1. Ghép

Xử lý giá thể trước khi ghép:

a. Đối với than củi: Ngâm than ít nhất 3 ngày hoặc ngâm tới khi than hút no nước và chìm xuống. Lưu ý phải thay nước khi ngâm để giảm lượng axit. Tốt nhất nên ngâm than trong nước vôi khoảng 1 ngày trước khi trồng.

b. Đối với dớn (cây dương xỉ): Phơi khô dớn sau đó ngâm và thay nước ngâm vài ngày, rồi phơi dớn cho ráo nước. Tiếp tục ngâm lại với nước vôi (hoặc Physan) ít ngất 3 ngày để khử độc, lại phơi ráo nước, rồi phun hoặc ngâm với thuốc Ridomil gold để chống nấm bệnh trước khi ghép.

c. Đối với thân gỗ khô: Bóc bỏ lớp vỏ bên ngoài trước khi ghép. Phơi thân cây cho khô, tiếp đến là ngâm trong nước vài ngày để rễ không bị hút nước ngược trở lại. Phun thuốc Ridomil gold lên thân gỗ để chống nấm bệnh trước khi ghép lan.

Xử lý lan trước khi ghép:

– Ngâm Physan 20 (1ml/lít nước) trong 15 phút để diệt nấm bệnh. Ráo nước ngâm B1(1ml/lít nước) + Atonik (0,5-0,7 ml/lít nước) trong 30′ hoặc Hùng Nguyễn (1ml/lít nước) trong 120′ để kích rễ. Treo chỗ mát 4-7 ngày, phun sương giữ ẩm,chờ ra rễ rồi ghép.

Chúc các bạn sớm có những giò Đai Châu ưng ý.

>>> Xem thêmTừ A đến Z kinh nghiệm chăm lan người chơi chuyên nghiệp đúc kết: Đủ nắng, đủ nước, yêu thương chăm sóc vừa phải cây sẽ khỏe