Bài học quý về chơi lan trên sân thượng không thể bỏ qua

  1. Môi trường:

Sân thượng trồng lan cần đảm bảo các yếu tố thoáng mát, có nắng và đủ độ ẩm. Nếu lựa chọn được, nên trồng lan phía có nắng buổi sáng (hướng đông). Sân thượng cần có mái che cao thoáng (cao tầm 4m) và bền chắc. Tốt nhất là nên lợp mái bằng tấm tôn nhựa trong hoặc phủ lưới dệt kim loại tốt. Nếu sân thượng nhà các bạn đang lợp mái tôn thì nên thay toàn bộ hoặc nửa phía ngoài bằng tấm tôn nhựa trong. Mùa hè quá nắng nóng thì căng thêm một lớp lưới che nắng dưới mái, hết hè cuộn lại.

Nếu là nhà liền kề, không đủ thông thoáng thì nên lắp thêm quạt gió. Để đảm bảo đủ độ ẩm cần đặt thêm các khay nước dưới nền.

  1. Trồng và chăm sóc phong lan:

Trước tiên, các bạn cần tìm hiểu để biết tên và đặc điểm sinh trưởng loại lan mình định trồng để có chế độ chăm sóc phù hợp. Khi nào thì ghép cây, ghép vào giá thể nào, khi nào thì tưới nước, bón phân.

Về vấn đề treo lân, nên treo dưới mái khoảng 2m và cách nền khoảng 2m. Treo cao quá vừa bị nóng cây, vừa khó chăm sóc mà quanh năm phải ngắm đít chậu.

Loại thân đứng lá dày chịu nắng tốt thì treo phía trên, bên ngoài.

Loại thân thòng, lá mỏng ít chịu nắng hơn thì treo phía trong, bên dưới.

Lan trồng phải thoáng, đừng tham trồng dày, treo sát nhau quá. Cây sẽ chậm phát triển và dễ bị sâu bệnh.

  1. Một số nguyên tắc chung:

a) Chế độ tưới nước:

– Nguồn nước tưới cho lan không bị nhiễm phèn, mặn và những tạp chất. Độ pH tốt nhất cho lan khoảng 5-6. Nên tưới vào sáng sớm hay chiều mát, tránh tưới buổi trưa khi trời đang nắng nóng. Sau những trận mưa bất thường, nhất là mưa đầu mùa cần tưới lại ngay để rửa bớt các chất cặn đọng lại trên thân lá (nếu là vườn không có mái che mưa).

>>> XEM THÊM: Bí quyết kích hoa trên đầu ngọn cho Phi Điệp thành công: Cần chú ý thời điểm vàng này

b) Chế độ bón phân:

– Nhìn chung lan cần cung cấp khoảng 13 loại chất dinh dưỡng khoáng và thuộc các nhóm, đa, trung và vi lượng. Dinh dưỡng đa lượng gồm Đạm, Lân (P) và Kali (K). Dinh dưỡng trung lượng gồm Lưu huỳnh (S), Magiê (Mg) và Canxi (Ca). Dinh dưỡng vi lượng gồm Sắt (Fe), Kẽm (Zn), Đồng (Cu), Mangan (Mn), Bo (Molypđen (Mo) và Clo (Cl).

– Lan trong thời kỳ sinh trưởng thân lá mạnh cần đạm cao, lân và kali thấp, trước khi ra hoa cần lân và kali cao, đạm thấp trong khi lan nở hoa cần kali cao, lân và đạm thấp hơn.

– Lan rất cần phân bón nhưng không chịu được nồng độ dinh dưỡng cao. Chỉ nên bón phân với nồng độ thấp hơn hoặc bằng so với hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì.

c) Chế độ chiếu sáng:

– Tùy loại lan mà chọn chiếu sáng cho phù hợp. Một số loại lan điển hình ít chịu nắng như lan Hồ Điệp có thể chịu được 30% nắng, Lan Cattleya chịu được khoảng 50% nắng và lan Vanda lá hẹp có thể chịu được khoảng 70% nắng.

– Việc chiếu sáng ánh nắng còn tùy thuộc vào giai đoạn phát triển. Lan con từ 0 đến 10 tháng chỉ cần chiếu sáng khoảng 50%, Lan nhỡ hơn từ ngoài 12 tháng đến 18 tháng có thể chịu ánh sáng được đến 70% và thời điểm ra hoa cần chiếu sáng nhiều hơn.

d) Phòng trừ sâu bệnh:

Nguyên tắc: Phòng bệnh hơn chữa bệnh.

– Cách phòng bệnh tốt nhất là giữ môi trường trồng lan thoáng mát, sạch sẽ. Phun thuốc phòng bệnh định kỳ.

– Khi cây bệnh thì tùy thuộc vào từng loại sâu bệnh hại lan mà có biện pháp xử lý khác nhau. Những loại thuốc phun cho lan đều có liều lượng và nồng độ phun được ghi trên nhãn mác bao bì sản phẩm.

>>> XEM THÊM: Nhìn biểu hiện này của lan, nhận biết ngay cây thiếu hay thừa chất