Xuất phát từ niềm đam mê hoa lan, nhiều nông dân trong tỉnh mạnh dạn mở rộng quy mô để cung cấp cho thị trường. Bên cạnh ưu điểm vượt trội về giá trị kinh tế, mô hình trồng lan còn thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Từ tình yêu đối với loài hoa lan, anh Cao Hoài Trí (vườn lan Vạn Xuân Hoa, xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) tạm gác công việc của một kỹ sư xây dựng để thỏa mãn niềm đam mê. Giống lan mà anh Trí “theo đuổi” là Cattleya, được cho là “hoàng hậu” của các loại lan.
Anh Trí cho biết, niềm đam mê Cattleya xuất phát từ vẻ đẹp cuốn hút cùng mùi thơm quyến rũ của loại hoa này. Để thỏa mãn niềm đam mê, anh không ngại khó để đi nhiều nơi sưu tầm các giống lan đẹp mang về trồng. “Trước đây, giá lan Cattleya thường khá đắt nên rất kén người chơi. Dần dần, khi thị trường bắt đầu xuất hiện các loại cấy mô, có nguồn gốc từ: Thái Lan, Đài Loan, Mỹ… nên giá giảm dần. Nhờ đó mà loại lan này được nhiều người tiếp cận hơn. Vì vậy, sau khi lập gia đình, tôi quyết định về quê vợ lập nghiệp với mô hình trồng lan” – anh Trí chia sẻ.
Từ diện tích khoảng 500m2 với vài trăm giò lan, đến nay, anh Trí đã sở hữu vườn lan rộng lớn khoảng 2.000m2, cùng hơn 40.000 giò lan. Anh đầu tư sắt, thép, lưới… cho vườn lan, chi phí khoảng 500.000 đồng/m2. Để chăm sóc vườn lan “khủng”, ngoài kinh nghiệm được anh tích lũy từ sách, báo, Internet… và những người có kinh nghiệm đi trước, thì việc thu thập, lưu trữ dữ liệu về quá trình chăm sóc là việc làm rất quan trọng, ảnh hưởng đến tỷ lệ sống, khả năng sinh trưởng và ra hoa của lan.
Với sự tâm huyết đã giúp anh Trí mang về “quả ngọt”. Vườn lan Vạn Xuân Hoa của gia đình anh được nhiều người yêu lan tìm đến mua. Đặc biệt, trong đó có nhiều cây có giá trị hàng triệu đồng/giả hành (thân). Ngoài kinh doanh hoa lan, anh Trí còn sưu tầm những giống lan quý, đẹp và nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm với những người cùng niềm đam mê…
Chung đam mê hoa lan như anh Cao Hoài Trí, chỉ khác ở chỗ, anh Lý Văn Dũng (phường Long Sơn, TX. Tân Châu) lựa chọn lan Mokara để trồng. Đây là loại lan có kích thước hoa trung bình đến lớn, cánh đài của hoa khá lớn. Hoa có nhiều màu sắc phong phú từ trắng, tím, hồng, đỏ, cam, vàng… Mỗi màu lại có nhiều sắc thái khác nhau, làm cho lan Mokara vô cùng đặc sắc…
Đến vườn hoa lan Mokara của anh Dũng, chúng tôi không khỏi bất ngờ với những cành hoa rực rỡ đang khoe sắc. Anh Dũng cho biết, toàn bộ diện tích trồng lan khoảng 1.000m2, với 7.000 cây, chủ yếu là Mokara. Giống Mokara được anh Dũng mua từ huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh), trồng trên giá thể xơ dừa và vỏ đậu phộng. Lan được trồng trên những luống hình chữ nhật xây bằng gạch, rộng từ 0,7 – 1,2m, chiều cao của mỗi luống tính từ mặt đất là 30cm; luống cách nhau 0,5m để làm lối đi, tạo khoảng cách để cây phát triển đồng đều.
Theo anh Dũng, trồng lan Mokara không quá khó, nhưng phải hiểu đặc tính của hoa để chăm sóc và quyết định chất lượng hoa trên mỗi cây. Là người ưa trồng theo phương pháp hữu cơ, anh Dũng chủ yếu để ý quá trình cây phát triển để nương theo chăm sóc, ít lạm dụng thuốc dưỡng. Nhất là với cây con mới trồng, chỉ cần bao phủ 2 lớp lưới bên trên để che nắng, sau 5 tháng cây xanh tốt từ lá đến ngọn, rễ bám chắc vỏ đậu mà không lo bị cháy lá. Ngoài ra, vào mùa mưa, lan dễ bị thối gốc, nên cần đảm bảo giá thể phải thoát nước nhanh, không bị ẩm để đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt nhất.
Anh Dũng cho biết, Mokara mọc rất khỏe, sau 8 tháng đã trổ bông, mỗi thân ra 3 vòi, thu hoạch liên tục. Hàng tuần, chỉ tốn công xịt phân lên thân cây, tưới nước, để ý phát hiện các loại bệnh nhẹ… và chỉ việc cắt hoa. Giá bán lan dao động khoảng 8.000 đồng/cành, bình quân mỗi tháng, anh Dũng thu về 12 – 13 triệu đồng. Đầu ra tiêu thụ lan Mokara cắt cành của anh Dũng chủ yếu là các shop hoa ở TX. Tân Châu. Nếu chăm sóc hoa lan đúng kỹ thuật, tỷ lệ ra hoa và chất lượng tốt, thì lan cho hoa quanh năm, mang về thu nhập khá cao và ổn định…
Bên cạnh vườn lan Mokara, anh Dũng còn chuẩn bị hơn 200 cây lan “ngọc điểm” để bán dịp Tết, chủ yếu là giống Thái và lan rừng. Ngoài ra, anh Dũng đang đầu tư 5.000m2 trồng thêm lan lá kim, với ưu điểm dễ trồng, cho hoa sai, hương thơm hấp dẫn, được khách đặt hàng mua cây hoặc cắt cành…
Dù xuất phát từ niềm đam mê hay vì phát triển kinh tế, loại hoa “đỏng đảnh” này đã không phụ công người trồng khi mang lại nguồn thu nhập ổn định. Không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho các gia đình, mỗi giò lan khoe sắc còn minh chứng cho đôi bàn tay khéo léo của người nông dân và thêm hương sắc cho đời.
XEM THÊM: Vợ chồng trẻ bỏ phố về quê khởi nghiệp với hoa lan
Nguồn: Báo An Giang