Vợ chồng trẻ bỏ phố về quê khởi nghiệp với hoa lan

‘Bỏ phố về quê’ là khái niệm không còn xa lạ trong thời gian gần đây khi nhiều người trẻ chọn ‘bỏ phố’ để khởi nghiệp trên chính quê hương của mình. Vợ chồng anh Lê Hồng Ngọc (28 tuổi) và chị Lữ Tố Uyên (28 tuổi) là một trong những người mạnh dạn bỏ phố về quê khởi nghiệp.


Vợ chồng anh Lê Hồng Ngọc và chị Lữ Tố Uyên tâm huyết với vườn lan

Anh Ngọc và chị Uyên đều là những cử nhân kinh tế, làm việc trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính tại TP.HCM. Anh Ngọc kể lại, trong một kỳ nghỉ phép vào năm 2018, anh về quê chăm sóc vài chậu hoa lan có sẵn trong vườn nhà và nảy sinh ý định khởi nghiệp với nghề trồng lan. Sau khi chia sẻ và nhận được sự đồng tình của vợ, anh từng bước học hỏi và tìm hiểu sâu hơn về phương pháp cũng như cách chăm sóc, kỹ thuật trồng hoa lan. Năm 2023, anh Ngọc và chị Uyên chính thức nghỉ việc, “bỏ phố” về xã Bình Tân, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An để “toàn tâm, toàn ý” cho vườn hoa lan Nhã Lan Viên.

Vườn lan của anh chị chủ yếu trồng các loại lan rừng như lan ngọc điểm, quế trắng, kiều vàng, kiều dẹt, hoàng nhạn,… Vợ chồng chị Uyên tìm tòi, học hỏi từ các video hướng dẫn trên YouTube, TikTok,… và quan sát, thử nghiệm trong quá trình trồng, chăm sóc lan để rút kinh nghiệm, nâng cao kỹ thuật để hoa lan ngày càng phát triển hơn.

Trồng lan quan trọng nhất là tạo môi trường phù hợp như nhà lưới, chế độ tưới nước, không khí và duy trì ẩm độ để bảo đảm cây phát triển tốt và tránh sâu, bệnh. Mỗi ngày, anh chị dành phần lớn thời gian để chăm sóc vườn. Anh Ngọc cho biết: “Khi thì cặm cụi cắt tỉa lan, khi thì cưa cây, cưa gỗ rồi khoan, đẽo để ghép các giò lan. Lúc bán được đơn hàng lớn đầu tiên với 8 thùng lan trị giá 15 triệu đồng, chúng tôi phải loay hoay để đóng gói tránh làm hư hại đến cây,…”.

Về quê khởi nghiệp và nỗ lực không ngừng, đến nay, vườn lan của vợ chồng chị Uyên đã khởi sắc, có nhiều đơn hàng. Anh chị đang từng bước xây dựng kênh bán hàng online để tiếp cận với nhiều khách hàng hơn. Hiện tại, vườn lan mở rộng thêm nhà lưới với diện tích 300m2, lắp thiết bị hẹn lịch tưới nước tự động, sử dụng các loại phân bón hữu cơ, các loại thuốc sinh học,… Nhờ vậy, anh chị tiết kiệm được công sức và có thời gian để đi tham quan, học hỏi cách tạo dáng, nhân giống lan từ những nơi khác.

Chị Uyên chia sẻ: “Về quê khởi nghiệp là quyết định táo bạo của vợ chồng tôi. Mọi việc đang ở giai đoạn khởi đầu nhưng có nhiều thuận lợi. Thời gian tới, chúng tôi hy vọng có thể mở rộng quy mô cũng như tiếp cận nhiều giống lan khác để đem về trồng tại vườn”.

Theo Báo Long An