Chàng trai trẻ với niềm đam mê lan rừng

Anh Đặng Đình Phát đang chăm sóc những chậu lan rừng của mình.

Mới 21 tuổi, nhưng Đặng Đình Phát, thôn 1, xã Đức Chánh (Mộ Đức) đã đam mê chơi hoa lan rừng gần chục năm. Hiện nay, trong vườn nhà Phát có gần 400 chậu lan rừng các loại. Đó là thành quả sau nhiều năm chàng trai này bỏ công sưu tầm.
Trong khoảng vườn đầy lan của mình, anh Đặng Đình Phát giới thiệu: “Tất cả những loại lan rừng này, mình sưu tầm gần chục năm rồi. Hầu như loại nào cũng có. Từ những loại hiếm gặp đến loại “bình dân”. Vì đam mê, nên hễ nghe ở đâu có lan rừng là em cố “săn” cho bằng được”.
Quả thật, trong vườn nhà Phát hầu như không thiếu loại lan rừng nào. Từ những loài có giá trị cao như giả hạc năm cánh trắng Phú Thọ, trầm, hoàng thảo kèn… đến các loại lan đại trà như nghinh xuân, long tu, hạc vĩ…

Cơ duyên mà Phát đam mê lan rừng cũng rất tình cờ. Phát chia sẻ: “Lúc đó em mới học lớp 8, khi đến nhà bạn chơi bị cuốn hút bởi rất nhiều hoa lan với những chùm rễ, nhánh hoa lạ mắt. Hỏi ra mới biết đó là lan rừng. Sau đó em tìm hiểu và quyết tâm sưu tầm. Qua mấy năm bỏ công tìm kiếm, giờ em đã có một vườn lan rừng đầy đủ các loại và nó đã trở thành thú chơi không thể thiếu với mình”.

Trong các thú chơi mà người xưa để lại, lan là thú chơi thanh tao nhất, nhưng cũng rất công phu. Để có được một loài lan rừng quý, Phát không quản ngại khó khăn. Chỉ cần có người mách nơi nào có lan đẹp thì dù xa xôi đến mấy, Phát cũng sẵn sàng lên đường và “săn” cho bằng được. Không chỉ có vậy, để lan rừng có giá trị hơn, Phát còn đặt mua những loại lõi gỗ có giá trị để ghép lan vào. Hầu hết các loại lõi gỗ này đều nhập từ Kon Tum về, nên giá thành rất cao.

Hiện nay, trong vườn nhà, Phát đã sưu tầm gần 400 chậu lan rừng với hơn 100 loài. Trong đó có rất nhiều loài rất quý hiếm, với giá thành rất cao. Tuy nhiên, sau nhiều năm sưu tầm và gầy dựng, nhưng chưa khi nào Phát có ý định kinh doanh hay mang ra trưng bày để buôn bán, vì muốn bảo tồn những loài lan rừng quý hiếm. Phát nói: “Có nhiều người đặt mua lắm, nhưng em không bán, vì nghĩ đây là thành quả đã dày công mới có được”.

Trong quá trình trồng, chăm sóc có nhiều loại lan rừng như kim điệp, mành trúc, trúc Phật bà… rất khó “dưỡng” và nuôi sống. Phát phải bỏ rất nhiều công sức để nghiên cứu.

Điều Phát thấy vui là, bây giờ người chơi lan rừng đã nhiều hơn trước, thậm chí có những câu lạc bộ của những người yêu lan rừng cũng mở ra. Tuy nhiên, cách thưởng thức lan của mỗi người mỗi khác và thể hiện cá tính riêng. Người mê lan cũng chịu chơi và chịu chi hơn khi không tiếc tiền để rước được loài lan mình yêu thích.

Tuy nhiên, với Phát, khách không thể mua lan như món hàng ngoài chợ mà phải tìm hiểu kỹ lưỡng về từng loài, xuất xứ và cách phối với những loại gỗ, lõi như thế nào cho tinh tế. Chính vì lẽ đó, mà không chỉ dừng lại ở chỗ ghim lan vào lõi gỗ, hiện nay Phát đã tìm tòi, nghiên cứu và ghép lan vào những vỏ ốc, tảng đá… để tăng thêm phần sống động, phong phú.

Phát chia sẻ một vài bí quyết chăm sóc lan rừng: “Để có lan chơi Tết, từ giờ mình phải hạn chế bón phân, tưới nước để chúng rụng bớt lá thì sẽ ra hoa. Rồi khi có nắng, phải mang chúng ra phơi vài giờ, có như vậy những loài lan rừng mới có thể sinh trưởng và phát triển tốt. Nếu đã có đam mê về lan rừng, chắc chắn sẽ biết cách và rất thuần thục khi chăm sóc chúng”.

(Đình Diệu / baoquangngai.vn)