Kỹ thuật chuẩn đoán bệnh của hoa lan

Bệnh của hoa lan

Có ông thầy bói mù được cháu cho đi Thái Lan du lịch. Một ngày được xem xiếc voi, mà ông thì không biết con voi là như thế nào, mồm ngang mũi dọc ra sao. Ông quyết tâm phải tìm hiểu vì cả đời mới có cơ hội 1 lần. Ông nhờ cháu xin người quản voi cho ông được sờ con voi 1 lần.
Được sự nhất trí của quản tượng, ông chống gậy lom khom mò mẫm, cuối cùng ông cũng sờ trúng được ngay chim con voi (vì ông bị còng lưng mà). Sau 1 hồi nghiên cứu “Con Voi”, ông kết luận: “Ôi dào, con voi chẳng qua cũng chỉ giống cái dùi cui cao su của người cháu làm công an giao thông thôi mà, chỉ là to hơn thôi…”.

Thời gian qua có nhiều chị Inbox (nhắn tin) cho tôi hỏi về bệnh của lan, chị cắt mỗi cái lá bị bệnh rồi chụp hình gửi tôi xem hộ. Chị đã vô tình biến tôi thành ông thầy mù xem chim voi. Hic.

Thỉnh thoảng cũng có chị nhắn tin không dấu, dịch không ra luôn, đã không có dấu thì không nói làm gì, lại diễn tả bằng lời mà không cho xin cái hình làm sao tư vấn? Tôi nói: “chị cho em xin cái hình”, chị trả lời “Chị xấu lắm, để tí nữa trang điểm xong rồi chụp gửi em xem”. Dạ, em có nải chuối và con gà khỏa thân đây rồi, chị có cần thêm xôi gấc không?

Đối với lan nói riêng và thực vật nói chung, có nhiều vấn đề nhìn như bệnh nhưng thực ra không phải là bị bệnh, không cần thuốc gì cả, chỉ cần cải thiện chế độ chăm sóc xíu là ổn. Và có những giai đoạn lan nó phải vậy, giống như con gái 12 tuổi mới bị đứt tay khi nấu ăn dưới bếp gọi vọng lên hỏi mẹ: “Mẹ ơi, con bị ra rất nhiều máu, con lo quá”. Mẹ trả lời: “Ồ, con gái đừng lo, không sao đâu, đó là biểu hiện của việc con đã trưởng thành từ trẻ con thành 1 thiếu nữ”. “À, vậy mà con cứ lo…. ^_^…”

Bệnh của hoa lan 1. Lan chuẩn bị ngủ:

Đối với các em chân dài như Long Tu, Giả Hạc (Phi Điệp), Hoàng Thảo Kèn, Ý Thảo, Hạc Vỹ, Trầm, Hoàng Thảo Vôi… hay các em Hoàng Thảo Kèn, Ý Ngọc, Ngọc Thạch 2-3 màu, U Lồi, Trúc Quan Âm, … thì khi ngọn thắt (múp đọt, không dài nữa) sau khoảng 1 – 2 tháng dưỡng giả hành cho giả hành đanh lại, cứng cáp và dẻo dai. Sau đó các em ấy sẽ từ từ trút bỏ xiêm y (lá) để đi ngủ.

Lá sẽ vàng từ gốc vàng dần lên các lá trên ngọn, lá sẽ héo héo và khô dần dần. Đầu lá sẽ vàng trước sau đó lan tới gốc lá (Cuống lá). Giai đoạn này kéo dài từ 1 tuần tới vài tuần tùy chế độ chăm sóc, nếu bạn tưới đều đặn có khi lá không rụng luôn, em nó mặc đồ đi ngủ luôn. Lúc em nó ngủ thì đầu rễ cũng múp lại luôn, không còn dài nữa.

Có nhiều bạn thấy rễ không mọc nữa lại cứ B1 mà tương vào, không tốt mà ảnh hưởng tới giấc ngủ của em nó. Bạn nên nhớ em nó ngủ sâu và đủ giấc thì khi tỉnh dậy mới hoa mới tươi, bền và thơm chuẩn được. Lúc này thì không cần phân hay thuốc gì nữa, chỉ cần thỉnh thoảng phun sương vào bộ rễ để cho rễ không chết khô và giả hành không tóp lại quá là được (Mời bạn đọc lại bài LÀM LAN NỞ HOA PHẦN 1 VÀ 2).

Bạn cũng không nên vặt lá mà nên để tự nó rụng. Vì sao? Thực vật có 1 cơ chế kỳ diệu, đó là hút ngược nước và dinh dưỡng từ lá vào thân rồi tự rụng lá để dưỡng và giữ thân. Bạn vặt lá chính là ép em nó ngủ sớm theo yêu cầu của bạn.

Bệnh của hoa lan 2. Rụng lá chân đối với các giống lan đơn thân


Ví dụ Ngọc Điểm, Sóc Lào, Đuôi Chồn, Hải Yến, Hồng Nhạn, Vanda… có khi lá dưới cùng hoặc lá gần dưới cùng bị vàng từ từ rồi rụng luôn – TUỘT LÁ CHÂN – hay RỤNG LÁ CHÂN.

Lý do là bạn chăm không đều tay. Dinh dưỡng và nước không thể dùng khái niệm ĂN HÔM NAY THẬT NHIỀU ĐỂ BÙ CHO NGÀY MAI, hoặc NGÀY MAI CHĂM BÙ VÌ HÔM NAY QUÁ BẬN.

Ngày nào ra ngày đó bạn nhé. Giống như bạn nuôi chó vậy, cho nó nhịn vài ngày thì nó toi luôn chứ sao nữa. Dĩ nhiên lan thì chục ngày không tưới tắm gì vẫn không thể chết được, nhưng cây chăm không đều sẽ suy thôi bạn, lá và thân hằng ngày cần 100 đơn vị nước để sống và làm việc, nếu bộ rễ hoạt động tốt mà bạn chỉ cung cấp 60 đơn vị nước 1 ngày thì chuyện CẮT GIẢM BIÊN CHẾ là không tránh khỏi. Ta cứ hiểu nôm na là BÁN BỚT XIÊM Y ĐỂ NUÔI THÂN.

Còn chuyện lá dưới cùng hay gần dưới cùng (lá ở giữa) bị rụng lại là cơ chế khác. Giờ tôi giải thích vầy để bạn dễ hiểu: Bạn hãy quan sát cây cau, cây dừa (đặc biệt là cây cau vua), thân của nó không bao giờ thẳng tuột và đều nhau mà có chỗ phình ra, có chỗ nhỏ thắt lại. Lý do là mỗi năm nó dài thêm 50cm chẳng hạn, năm nào huy hoàng thì khúc chỗ đó phình, năm nào điêu tàn thì khúc chỗ đó thắt lại. Chỉ vậy thôi.

Cây Ngọc Điểm 1 năm mọc thêm từ 2-5 chiếc lá mới, có năm tồi tệ thì chỉ được 1 chiếc là bình thường, chiếc lá được tạo ra trong 1 năm không ra gì cũng sẽ chẳng ra làm sao cả, nếu phải lìa, thì dĩ nhiên phải lìa trước rồi.

Hoặc khi bạn mới mua hàng kilogam về ghép, nếu chăm không đúng như bài GHÉP ĐƠN THÂN, BÀI CHĂM LAN SUY QUẮT QUEO… thì chuyện bị TUỘT LÁ CHÂN là không thể tránh khỏi.

Sự thay đổi vùng miền, sốc nhiệt, thời tiết giao mùa thay đổi thất thường thì cũng làm lan bị rụng lá chân.

Rõ ràng là mấy vấn đề trên đâu có bệnh quạng gì, đâu cần phải dùng thuốc nấm hay khuẩn. Vậy mà khi ngắt 1 chiếc lá bị vàng sắp rụng, đăng lên trang cá nhân hoặc các hội hỏi mọi người nên xử lý sao?

Và hỗn chiến xảy ra giữa 1 phe CHỦ THUỐC và 1 phe CHỦ CHĂM. Mấy ông thầy bói mù bu vào tư vấn um sùm nào là Ri đô min gôn (Ridomilgold) pha sền sệt bôi ngay may ra còn cứu được, rồi nào là cắt ngay bôi vôi ăn trầu, nào là Thối nâu do vi khuẩn Pseudomonas… Ráng nhớ cái tên con vi khuẩn oánh ra để tăng thêm độ nguy hiểm hù thiên hạ, xịt Kasumil (Starner, Poner…) rồi kháng sinh gấp…. vân vân và mây mây.

Còn một phe là các Nghệ Nhân có kinh nghiệm thì chia sẻ rất đơn giản chỉ là làm như bài CHĂM LAN SUY QUẮT QUEO, nhưng vấn đề là thím chủ thớt thì không tin. Thím chỉ nghe những gì thím thích nghe thôi, vì khi thím đăng lên hỏi là trong đầu thím đã mặc định em nó bị bệnh rồi… Thím mua 1 đống thuốc về và bắt đầu phun xịt đủ kiểu, sau đó thì đúng là có kết quả thật, thím nhắm mắt lại và thím nghĩ mình đã có 1 quyết định sáng suốt vê lờ. Thím không biết rằng thím không cần phun thuốc thì em nó cũng khỏi vì thực tế mà nói thì em nó có bệnh gì đâu!!! Và sau 1 thời gian thím cũng gia nhập PHE CHỦ THUỐC!

Bệnh của hoa lan 3. Giả hành bị teo tóp

Bạn cần xem lại gốc giả hành có bị GẬP hay không?
Gốc có thối hay không?
Bộ rễ đã thối hết chưa?
Bạn tưới đều không và liệu là lan bạn có treo quá cao và bị quá nắng hay không?
Vấn đề nữa là bạn xem giả hành mẹ đẻ thêm mấy giả hành con?

Giả hành bị nhăn nheo teo tóp có khi do phân bạn phun hoặc gắn quá nhiều, nó không chịu nổi.
Rõ ràng là RÀ SOÁT lại các nguyên nhân và XỬ LÝ NGUYÊN NHÂN THÌ TRIỆU CHỨNG SẼ HẾT.

Chơi lan thì đừng chỉ cậy có tiền, mà cần dùng bộ não. Bộ não để tư duy chứ không phải là chỉ để sắp xếp lại định kiến và thành kiến.

Tiền có thể mua được lan, nhưng không thể mua được niềm đam mê lan.
Tiền rất quan trọng, nhưng không phải là tất cả.

Bệnh của hoa lan 4. Giá thể bị đọng muối

Khi lâu không thay giá thể, giá thể bị mục hoặc bị đọng muối thì lá lan sẽ bị vàng từ đầu lá, và lốm đốm xanh vàng đan xen loang lổ. Thường thì trồng chậu đất với than hoặc bón phân thường xuyên, lan hay bị tình trạng này.

Việc lúc này rất đơn giản, đó là kiếm 1 thùng nước vài chục lít, ngâm toàn bộ giá thể vào đó 15-30 phút, sau đó mang ra xối thật nhiều nước cho muối đọng trôi hết đi là xong.

Nếu vườn quá nhiều lan thì tưới đi thật đẫm như rửa giá thể, sau đó tưới lại rồi lại tưới đi. Cứ 2 tháng làm như vậy 1 lần thì lan nhà bạn không bao giờ bị lại nữa.

Nguyên tắc chung đó là khi rễ năm đầu tiên chết đi, thì là lúc bạn phải thay giá thể. Ví dụ bạn ghép lan trên 1 cục lũa siêu bền (10 năm chưa mục chẳng hạn), năm đầu tiên có 10 cái rễ bám trùm cục lũa, năm thứ 2 đời con có 30 rễ bao trùm, năm 3 có 100 cái rễ bao trùm và bắt đầu 10 rễ năm đầu từ từ chết đi. Vậy thì BẮT BUỘC là chơi hết hoa của lứa năm 3, bạn phải nhổ ra ghép lại, dù là cục lũa có thiên thu thì cũng phải ghép lại.

Dĩ nhiên số năm ở đây là ví dụ điển hình cho Long Tu, Giả Hạc… còn như Vảy Rồng hay Hải Yến, Mỹ Dung thì 5-6 năm mới thay 1 lần thôi. Sao kỳ vậy? Vì mấy em này rất ghét bị làm phiền, và quan trọng là rễ nó hoặc rất ít hoặc sống dai (như vườn tôi có những bộ rễ 7-8 năm của cây Mỹ Dung mà chưa chết). CHỐT: Tuổi thọ của rễ tùy vào từng giống lan.

Giá thể giữ nước hoặc bị mục nát đọng ở đáy chậu sẽ làm rễ lan thiếu oxy, rễ lan bị chết thì giả hành sẽ tóp teo lại và lá cũng bắt đầu vàng.

Kiểu vàng của đọng muối trong chậu rất giống kiểu vàng của bệnh thối nâu vi khuẩn.

Kiểu vàng và cháy đầu lá của thối hết bộ rễ cũng rất giống kiểu vàng của thán thư.

Kiểu vàng của lá già hơi hơi giống như vàng của đọng muối, nhưng vàng của lá già thì vàng đều hơn chứ không loang lổ đan xen giữa đốm xanh của đọng muối.

Và kiểu vàng đốm của ngộ độc khí thải (khói bếp, thuốc lá, khói xe, thuốc diệt cỏ, đồng đỏ…) cực kỳ giống kiểu vàng của Đọng muối giá thể.

(Nguyễn Ngọc Hà – Liên Nghĩa, Đức Trọng, Lâm Đồng)