Biện pháp phòng trừ sâu bệnh cho hoa tại nhà

Khi trồng hoa bạn sẽ gặp phải nhiều loại bệnh, mỗi loại bệnh có một cách phòng trừ riêng, sâu bệnh hại hoa là một trong những vấn đề được những người trồng hoa quan tâm và lo lắng nhất. Dưới đây là tổng hợp các loại sâu bệnh gây hại cho những đóa hoa và cách phòng trừ chúng.

Các Loài Sâu Gây Hại Thường Gặp

1.1. Bọ trĩ (Frankliniella sp.)
– Đặc điểm gây hại: Chích hút nhựa ở lá non và hoa của cây, làm biến dạng lá tạo nên những vết sẹo khiến cây quang hợp kém, hấp thụ dinh dưỡng kém, còi cọc, không trổ được hoa.

Bọ Trĩ

– Biện pháp phòng trừ:
+ Vệ sinh vườn thường xuyên.
+ Sử dụng lưới chắn để ngăn cản côn trùng phá hoại.
+ Dùng bẫy dính để hạn chế sự phát triển của bọ trĩ.
+ Xử lý nấm bệnh ở hạt giống và đất trồng trước khi gieo trồng.
+ Có thể sử dụng thuốc hóa học có hoạt chất Dinotefuran (Oshin 100SL) để phòng trừ.

1.2. Nhện đỏ (Tetranychus urticae)
– Đặc điểm gây hại: Chích hút dinh dưỡng của lá làm cho lá bị rộp, xoăn, rụng nhiều, giảm năng suất và giá trị thẩm mỹ của cây.

– Biện pháp phòng trừ:
+ Kiểm tra vườn để phát hiện bệnh và xử lý kịp thời.
+ Loại bỏ cây bệnh để tránh lây lan.
+ Tưới nhiều nước để giảm nhiệt độ, tăng độ ẩm làm giảm vòng đời của nhện.
+ Hoạt chất Matrine (Kobisuper 1SL), thuốc Kinalux…  phòng trừ được nhện đỏ.

Nhện đỏ (Tetranychus urticae)

1.3. Rệp hại
– Đặc điểm gây hại: Chích hút nhựa cây làm lá bị méo mó, nấm muội, cản trở quá trình quang hợp và thoát nước, khiến lá bị úa vàng, cây héo, còi cọc.

– Biện pháp phòng trừ:
+ Vệ sinh vườn thông thoáng, sạch sẽ – tránh nơi ẩn nấp của rệp.
+ Dùng lưới chắn côn trùng.
+ Sử dụng hoạt chất Emamectin benzoate hoặc Garlic juice (BioRepel 10 DD) để phòng trừ.

1.4. Sâu hại
Một số loại sâu hại hoa như: Sâu xanh da láng, sâu khoang, sâu xanh.
– Đặc điểm gây hại: Sâu non thường ăn lá, thân non, hoa làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và chất lượng của hoa.

– Biện pháp phòng trừ
+ Loại bỏ nơi ẩn náu của sâu bằng cách vệ sinh vườn thường xuyên.
+ Che lưới côn trùng để hạn chế sâu bướm.
+ Có thể tham khảo sử dụng các thuốc hóa học có hoạt chất Abamectin (Plutel 0.9 EC), Bacillus thuringiensis var. aizawai (Aizabin WP, Thuricide HP)…

Những Căn Bệnh Gây Hại Cho Cây Hoa

2.1. Bệnh gỉ sắt (Puccinia sp.)
– Đặc điểm gây hại: Đây là một loại nấm khiến mặt lá dưới có những vết mụn màu vàng như gỉ sắt thép bị oxy hóa. Loại nấm này phát triển nhiều vào thời điểm giao mùa.


Bệnh gỉ sắt (Puccinia sp.)

– Biện pháp phòng trừ:
+ Vệ sinh, loại bỏ rác thải ở vườn, tạo thông thoáng
+ Lựa chọn các loại cây kháng bệnh tốt.
+ Sử dụng hoạt chất Chitosan + oligo-alginate hoặc Oligosaccharins để phòng trừ bệnh gỉ sắt.

2.2. Bệnh mốc xám (Botrytis cineraria)
– Đặc điểm gây hại: Do nấm Botrytis cinerea gây ra, khiến cho thân, lá, hoa bịt thối nhũn, làm giảm năng suất, chất lượng cây hoa.

– Biện pháp phòng trừ:
+ Trước khi trồng cây con thì phải khử trùng đất trồng và hạt giống.
+ Xử lý và vệ sinh vườn sạch sẽ trước mùa vụ.
+ Có thể tham khảo sử dụng thuốc hóa học có các hoạt chất Carbendarzim, Chlorothanil hoặc Mancozeb để phòng trừ vì chưa có thuốc đặc trị bệnh mốc xám.

2.3. Bệnh phấn trắng (Oidium chrysanthemi)
– Đặc điểm gây hại: Do nấm Oidium chrysanthemi gây ra. Các vết bệnh có hình dạng bất kỳ, có bột phấn màu trắng xám phủ lên trên. Bệnh hại chủ yếu trên lá non khiến lá vàng, khô héo, thối nụ không nở hoa.

– Biện pháp phòng trừ:
+ Chú ý đến tỷ lệ khi bón phân cho hoa, bổ sung lượng kali.
+ Loại bỏ triệt để các lá bị bệnh.
+ Có thể dùng thuốc: Carbendazim 0.7% + Hexaconazole 4.8% (Vilusa 5.5SC) để phòng trừ.


Bệnh phấn trắng (Oidium chrysanthemi)

Việc trồng hoa cảnh trang trí trong nhà thông thường người ta chỉ chú tâm vào việc trồng mà quên đi mất việc phòng trừ sâu bệnh hại cho cây. Những loại hoa thường mang đến một không gian xanh hòa vào thiên nhiên cũng như tạo nên sự lộng lẫy cho ngôi nhà. Vì vậy chúng ta hãy cùng nhau chăm sóc chúng thật cẩn thận và đầy nhiệt huyết nhé các bạn!