Vỡ mộng bạc tỷ, lan đột biến trăm triệu treo bờ rào, ‘bóc phốt’ rầm rập

Nhiều chủ vườn đã chấp nhận thực tại để hạ giá bán thu hồi vốn.

Sau nhiều tháng trời bị dồn nén, giá lan tụt dốc không phanh và giới chơi lan var (lan đột biến) đã không còn giữ được thể diện nên quay sang công kích nhau công khai, chẳng nể nang

Nếu như cách đây khoảng nửa năm, lan var được thổi giá đắt như kim cương, mầm cây tính theo cm với giá bán khua chiêng gõ mõ lên tới hàng trăm triệu đồng thậm chí hàng tiền tỷ thì đến thời điểm hiện tại, các chủ vườn lan mặc sức rao bán lan đột biến theo lô nhưng chẳng mấy ai quan tâm.

Theo những người chơi lan, giá lan var hiện đã giảm tới 90% so với mức đỉnh được thiết lập vào đầu năm 2021.

Với những người theo dõi thị trường này, có thể dễ dàng nhận ra sự thay đổi chóng vánh trong những ngày gần đây về thái độ của những người chơi lan, tất cả đều đang “bóc mẽ” nhau trên khắp các diễn đàn, các hội nhóm dành cho người chơi lan.

Đây vốn là một điều “đại kị” đối với giới chơi lan. Trước đây, dù biết giá lan sập thì tất cả đều phải tuân thủ theo một luật chơi chung là không ai được than vãn để dìm giá lan. Những người chơi đi ngược quy tắc thường hứng vô số “gạch đá” từ nhiều người chơi.

>>> Xem thêm: Top 10 loại lan rừng đắt đỏ đang được ưa chuộng tại Việt Nam

Nhưng nay, sau một thời gian chịu đựng, tốn kém, nhiều người chơi lan không thể gồng mình được nữa đã quay ra “đấu tố” các chủ vườn lớn, những người từng làm chủ cuộc chơi.

Nhiều chủ vườn đã chấp nhận thực tại để hạ giá bán thu hồi vốn.

Nguyên nhân khiến thị trường hoa lan trầm lắng là người chơi đã nhận ra giá trị thật của hoa lan và không dễ chấp nhận một mức giá phi lý. Hơn nữa, dịch bệnh Covid-19 khiến các đại gia phải cân nhắc kỹ càng trước khi “xuống tiền” cho một món hàng không thiết yếu.

Anh Nguyễn Trọng Hùng, một người chơi lan tại Phú Thọ cho biết, anh mua một giò “Hồng Yên Thủy” với giá 120 triệu đồng từ năm ngoái, nhưng nay không thể tìm được khách mua, trong khi chủ vườn bán cho anh đã cao chạy xa bay chỉ sau chưa đầy 1 tháng.

Câu chuyện anh Hùng chia sẻ nhận được nhiều sự cảm thông của giới chơi lan, những người đang chịu chung cảnh ngộ như anh.

“Đây là Hồng Yên Nghỉ chứ Yên Thủy cái gì. Tôi cũng mua phải loại này giờ chỉ để treo bờ rào thôi”, một người chơi lan bình luận.

Trong khi đó, liên tiếp những ngày gần đây, một loạt chủ vườn lớn phát trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội Facebook để bán tháo hàng. Nhiều loại phi điệp được các chủ vườn rao bán chỉ từ 120.000 – 180.000 đồng/cây từ 15-20cm, nhưng hầu như chẳng mấy ai quan tâm. Trong khi đó, tại thời điểm này năm ngoái, giá mỗi kie phi điệp 5 cánh trắng Phú Thọ, 5 cánh trắng Hà Tĩnh như trên thường có giá tối thiểu 2 triệu đồng.

Từng được mua về với giá 120 triệu đồng, giò lan có tên gọi Hồng Yên Thủy này giờ được gọi là “Hồng Yên Nghỉ” vì chỉ để treo bờ rào.

Sau khi thị trường bão hòa, thị trường lan ngày càng chia nhỏ, các chủ vườn dùng đủ mọi chiêu trò lôi kéo người chơi và nhà đầu tư về phía mình.

Anh T.T.C, một người chơi lan tại Hà Nội, mới đây đã lên tiếng “bóc phốt” một chủ vườn lan N dùng những “chiêu bẩn” để dụ người chơi. Vụ “bóc phốt” này đang gây xôn xao trong cộng đồng chơi lan trên mạng xã hội.

Theo anh C, nhà vườn NTS một mặt dụ dỗ mọi người đầu tư vào một giống lan do nhà vườn này cung cấp. Nạn nhân là một nam khách hàng tên G., anh G. đã mua 2 kie 5 cánh trắng Anh Vũ từ nhà vườn này với giá cắt cổ. Nhưng khi anh G. tìm được khách mua lại và nhờ N đứng ra xác nhận nguồn gốc giống lan thì bị từ chối thẳng thừng. Thay vào đó, nhà vườn này “vợt” lại khách của anh G.. Sau khi bị tố, nhà vườn N vội “bóc phốt” một nhân vật được mệnh danh “Cô giáo làng Var” nhằm hướng dư luận sang một sự vụ khác mà quên đi vụ việc do chính nhà vườn này đang bị công kích.

Không dừng lại ở đó, nhà vườn này còn khơi mào cho cuộc khẩu chiến tưởng chừng không có hồi kết giữa những người chơi lan Hòa Bình bằng một vụ việc tương tự.

Từ trái qua: Sơn nữ Đà Bắc, Hồng Liên Anh, 5 CT Phú Thọ, được rao bán với giá từ 150.000 – 180.000 đồng/chậu. Trong khi vào hồi đầu năm, 1 cm 5 CT Phú Thọ được rao trên mạng với giá hàng chục triệu đồng.

“Vụ việc vỡ lở khiến cho giới chơi lan được một phen chao đảo, người chơi hoang mang, nhà đầu tư mất niềm tin. Mục đích làm cho người chơi lan Hòa Bình tự mâu thuẫn với nhau và làm mất uy tín của nhau, dẫn đến không còn chỗ đứng trên thị trường. Từ đó NTS có thể loại bớt được đối thủ cạnh tranh, kéo khách hàng về phía mình”, anh T.T.C. chia sẻ.

Không chỉ “quăng bom” trong giới chơi lan Hòa Bình, nhà vườn này còn tiếp tục nhắm đến giới chơi lan ở các tỉnh phía Bắc với tuyên bố: “Sai cây thì không thu hồi đền theo giá thị trường hiện tại, mà phải nhân theo giá lúc mua với chiều dài hiện tại. Lúa non không đúng hẹn thì nhân 2 tiền cọc”. Tuyên bố này của một nhà vườn có tầm ảnh hưởng lớn ở thị trường phía Bắc gây nên bất bình lớn, bởi luật ngầm bất thành văn trong giới chơi lan bấy lâu nay là: Sai cây thu hồi và đền theo giá thị trường tại thời điểm sai cây, bất luận là giá lên hay xuống. Giá lên thì khách có lợi, giá xuống thì người bán có lợi, rủi ro cân bằng cho 2 bên.

“Nhưng đúng thời điểm này giá lan trên thị trường đã bốc hơi đến 90%, khách hàng buồn rầu không ai muốn nhận đền bù theo giá thị trường. Thế là khách hàng vin vào cớ đó bắt đền người bán như cách của N. Nếu nhà vườn không đáp ứng thì khách sẽ “bóc phốt” hạ uy tín nhà vườn, hoặc sẽ mang nỗi ấm ức thù ghét vì cho rằng mình bị lừa gạt và từ nay cạch mặt.

Toàn bộ lượng khách này sẽ tự động mà tìm đến với N. Nếu người bán đáp ứng theo yêu cầu đó thì sẽ bị thiệt hại lớn tự suy yếu đi, nhiều người không đền nổi, dẫn đến khuynh gia bại sản, khách hàng có tiền rồi lại tiếp tục đầu tư và tất nhiên sẽ chạy đến với N cho an toàn. Bất luận tình huống nào N cũng đạt được mục đích, kéo hết khách hàng về phía mình và nâng cao uy tín, tiếng nói của mình lên”, anh T.T.C. tiếp tục “bóc phốt”.

Ngoài những chiêu trò trên, các nhà vườn liên tiếp hạ bệ nhau bằng những chiêu trò khiến cho người chơi mới cảm thấy như đang lạc vào mê hồn trận mà không có lối thoát. Tất cả điều này đã phơi bày một sự thật trần trụi, lan var hiện đang ế ẩm, bao nhiêu lời nói hoa mỹ trước đó dành cho loài hoa này đều chỉ là hư cấu.

>>> Xem thêm: Lan đột biến là lan gì? Tại sao lan đột biến lại đắt ?

Nhóm chơi lan trên mạng xã hội đã ‘bóc phốt’ nhau về giá trị thực của lan.

Mới đây, vào hồi đầu năm, khi thông tin về những thương vụ giao dịch ‘lan đột biến’ có giá trị lên đến hàng chục tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ đồng khiến dư luận xôn xao thì một người chơi lan có thâm niên tới 45 năm và được mệnh danh là “vua lan” như ông Trần Tuấn Anh cũng đã đưa ra lời khuyên đối với giới chơi lan là “hãy chơi cho tỉnh táo”.

Theo ông Trần Tuấn Anh thì những cây lan đột biến giao dịch tiền tỉ ở ta có khi ở Tây họ chỉ định giá cỡ 1.000 USD tức hơn 20 triệu thôi.

Còn theo PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng đã từng khuyến cáo giới chơi lan rằng, những cây lan đột biến đang rao bán chưa hẳn đã là lan có biến dị đột biến. Do đó, người mua kie lan đột biến về trồng, phải yêu cầu bên bán có hợp đồng bảo lãnh giống chặt chẽ, cũng không nên xuống tiền bằng mọi giá, chỉ để sở hữu một mầm lan khác lạ, mà chắc chắn sau một thời gian có thể sẽ bão hòa.

Trước đó, vào giữa tháng 4/2021, đã xảy ra vụ chủ một vườn lan ở huyện Ứng Hoà (TP Hà Nội) bất ngờ “ôm” 200 tỷ đồng của khách bỏ trốn. Vụ việc nhanh chóng được cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, bước đầu cho thấy có 30 người đã từng giao dịch với vườn lan này với tổng số tiền 30 tỷ đồng. Tất cả giao dịch cũng chỉ thông qua lời nói, mà không có hợp đồng hoặc giấy tờ cụ thể nào.

>>> Xem thêm: Phi điệp đột biến lá có những loại nào?