Từ anh trai buôn trái cây thành “nghệ nhân” trồng hoa lan, tạo ra toàn tác phẩm lan độc, lạ, dị

Nhiều năm nay, cuộc sống của Nguyễn Quang Định (SN 1986, thôn Chùa, xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội) chỉ xoay quanh những giống hoa lan của Việt Nam. Định luôn mong muốn có thể tạo ra những không gian đẹp, và sản xuất hoa lan sớm là một ngành kinh tế nông nghiệp trong đô thị.

Tự học nghề chinh phục hoa lan

Cứ mỗi lần làm được tác phẩm hoa lan mới, Định đều chụp ảnh để cho tôi ngắm và hẹn: “Anh lên nhà em uống nước và ngắm hoa sớm nhé”. Sau nhiều lần bỏ lỡ, cuối cùng tôi cũng có dịp tìm lên nhà Định để tận mắt xem những tác phẩm hoa lan độc đáo.

Định kể, trước kia, Định từng học Cao đẳng ngành địa chính, nhưng vì lý do riêng nên bỏ ngang, rồi đi buôn trái cây từ trong Nam ra chợ Long Biên bán. Mười năm buôn trái cây, Định nổi tiếng là người bán bưởi ngon và na ngọt. Nhưng do thức đêm bán hàng nhiều, Định bị bệnh đau dạ dày “hỏi thăm,” mặc dù bản thân chẳng uống rượu bia gì.

Hằng ngày, “nghệ nhân” Nguyễn Quang Định miệt mài làm tác phẩm từ hoa lan. Ảnh: Gia Tưởng

Được người bạn giới thiệu, năm 2019, Định đã bỏ nghề buôn trái cây, vào Bình Phước học nghề để quyết chinh phục hoa lan. Sau khi tầm sư học đạo, Định về tự xây dựng vườn, làm phòng vượt đông cho vườn lan… Anh chàng còn tự nghiên cứu tập tính của hoa lan để làm hoa nở theo ý muốn của mình.

Định đã làm những tác phẩm hoa lan trắng như: Uyên Ương, Thuận Buồm Xuôi Gió, Rừng Vàng Biển Bạc… Năm 2020, có những tác phẩm lan của Định được bán đấu giá lên tới hàng trăm triệu đồng để ủng hộ quỹ phòng chống dịch Covid-19.

Tác phẩm “Uyên Ương” của “nghệ nhân” Nguyễn Quang Định

 

Để làm các tác phẩm lan, một ngày làm việc của Định có thể kéo dài đến 20 tiếng. Có những khi Định mày mò một mình ở trên vườn đến gần sáng để suy nghĩ và làm ra những tác phẩm của mình.

“Quan trong nhất là phải biết thổi hồn hay kể những câu chuyện bằng hoa. Ví dụ như tác phẩm Rừng Vàng Biển Bạc, em đã dùng một cây lan Nhạn trồng vào vỏ sò biển, gắn trên lưng một con ốc nữ hoàng. Hay tác phẩm Uyên Ương, em tạo những nhành lan thành hình đôi chim câu và làm cho hoa nở trắng muốt, để tặng những đôi bạn trẻ sắp kết hôn” – Định say sưa kể.

Ông Hoàng Văn Sáng, một nghệ nhân đã chơi phong lan hơn 40 năm ở tỉnh Hòa Bình cho biết: “Tuy Định mới chơi lan nhưng với sự đam mê sáng tạo của mình, những tác phẩm nghệ thuật do Định tạo ra có giá trị nghệ thuật rất cao và hướng đi mới cho những người chơi lan cần nghiên cứu và tìm tòi thêm.”

“Ngồn ngộn” ý tưởng để phát triển ngành hoa lan

Định chia sẻ: “Em đã cố gắng tìm tòi sáng tạo làm ra những tác phẩm hoa lan để mọi người chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hoa lan. Em mong muốn sớm có hiệp hội hoa lan và trồng hoa lan sẽ được coi là một ngành nghề được công nhận.”

Một góc vườn lan của nghệ nhân Nguyễn Quang Định.

Theo Định, Việt Nam có nguồn tài nguyên hoa lan rất đa dạng và phong phú. Có những loài không chỉ hoa đẹp mà hương cũng rất thơm. Với tiềm năng đó, chúng ta hoàn toàn tạo ra một ngành lan có chỗ đứng trên thị trường quốc tế.

Không đâu xa, chỉ nhìn sang Thái Lan, Singapore, họ có một nền nông nghiệp về lan xuất khẩu trị giá cả tỷ đô. Và chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Nếu chúng ta biết suy nghĩ về cây hoa lan là một món đồ trang trí cao cấp mà sinh động.

Những giò hoa lan được Định dùng kỹ thuật cho nở theo ý muốn. Ảnh: Gia Tưởng

“Em sẽ cho ra đời những vườn hoa theo yêu cầu nhà ở đô thị. Người ta có thể trồng và chăm hoa chỉ bằng một chiếc điện thoại. Với công nghệ số thông minh, chúng em có thể cung cấp được hệ thống tưới tự động, bón phân tự động theo từng chu kỳ sinh trưởng và phát triển của cây. Rồi khi cây trưởng thành, chúng em có những biện pháp kỹ thuật để cây ra hoa theo ý muốn…

Em tin, bằng những góc vườn trong chung cư hay trên sân thượng mỗi gia đình như thế, sẽ làm cho ngôi nhà của chúng ta đáng yêu, ấm cúng hơn rất nhiều. Chứ không phải là mỗi thành viên trong gia đình về rồi chui vào phòng để chơi điện thoại” – Định chia sẻ về ý tưởng của mình.

Tác phẩm Việt Nam quê hương tôi được nghệ nhân Nguyễn Quang Định rất tâm đắc.
Tác phẩm Rừng Vàng Biển Bạc có giá 3 triệu đồng. Ảnh: Gia Tưởng

Với tay nghề hiện tại, Định có thể làm hoa lan trổ hoa bất cứ tháng nào trong năm. Ngoài ra, để chúc mừng những vị khách đặc biệt, Định còn thiết kể và đục những chậu hoa mang tên người đó bằng gỗ hương đá, rất sang trọng lịch sự lại mang nhiều ý nghĩa.

Được biết, để hiện thực hóa ngành hoa lan, Định đã tình nguyện làm thư ký riêng cho GS.TSKH Trần Duy Quý, đang dự thảo và xúc tiến những thủ tục để thành lập Hiệp hội hoa lan.

“Không chỉ em mà tất cả những ai yêu hoa lan đều mong muốn “Hiệp hội hoa lan Việt Nam” được các cơ quan quản lý nhà nước công nhận sớm ra đời. Đồng thời, đưa ngành trồng hoa lan của Việt Nam phát triển vươn ra thế giới.” – Định tâm sự.

>>> XEM THÊM: Kỹ thuật chăm sóc thời kỳ ra hoa địa lan và phòng chống rét

Theo Dân Việt