Từ anh nông dân trẻ đến lão làng đều giàu to nhờ trồng hoa lan ở “rốn phèn”

Từ lâu, khu vực các xã: Bình Chánh, Tân Nhựt, Bình Lợi của huyện Bình Chánh (TP.HCM) được ví như “rốn phèn”. Tuy nhiên, hiện “rốn phèn” này đã được nông dân chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng hoa lan với doanh thu tiền tỷ mỗi ha.

Giàu to nhờ trồng hoa lan

Anh Nguyễn Văn Anh Khoa, ở xã Tân Nhựt chia sẻ, nếu trồng lúa lời 5-7 triệu đồng/công/vụ, thì chỉ cần 1 tháng trồng lan đã có lợi nhuận vài chục triệu đồng.

Anh Khoa cho biết, anh khởi nghiệp trồng hoa lan vào năm 2019. Lúc bấy giờ, chưa ai ở Tân Nhựt trồng hoa lan. Hiện, anh Khoa trồng 2 công hoa lan (1 công = 1.000m2).

Là nông dân trẻ nên Anh Khoa tiếp cận với nghề trồng hoa lan theo cách mới. Theo đó, nhận thấy thị trường hiện đang chuộng lan dendro nắng, anh đã dành hơn 1 công đất để trồng loại lan này. Và trong khi nhiều nông dân vẫn chuộng làm lan hàng nhỏ, thì Anh Khoa lại chủ yếu làm lan hàng lớn.

“Trước đây, để bán được 300.000 đồng, tôi phải làm 30 chậu lan. Giờ với số tiền ấy, tôi chỉ cần bán một chậu lan”-anh Khoa chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Anh Khoa chăm sóc vườn hoa lan. Ảnh: Trần Đáng

Ông Đinh Minh Hiệp – Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, hoa lan được xác định là sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp thành phố. Riêng với giống lan, thành phố sẽ phấn đấu để giảm lượng giống nhập khẩu, bớt phụ thuộc vào nguồn giống từ nước ngoài.

Cũng theo anh Khoa, trồng hoa lan nắng càng trồng bụi càng to, càng ra hoa đẹp, nhiều. Một thân ra 5-7 chồi. Hoa lan nắng chơi đến 3 năm mới tàn.

“Cây càng trồng lâu càng giá trị, nên không sợ ế”- anh Khoa thổ lộ.

Hiện, cứ 2 tuần thương lái đến trại lan của anh Khoa lấy hàng/lần. Mỗi lần anh Khoa bán khoảng 55 chậu lan lớn, giá 280.000-350.000 đồng/chậu.

Nếu Anh Khoa là nông dân trẻ tiên phong trồng hoa lan ở xã Tân Nhựt thì ông Hai Thọ (Nguyễn Văn Thọ, xã Bình Chánh) thuộc lão làng trồng hoa lan ở Bình Chánh. Từ năm 2004, ông Hai Thọ đã trồng hoa lan. Hiện, ông Hai Thọ có 3 vườn hoa lan với 8,5 công đất.

Theo ông Hai Thọ, nếu trước đây trồng lúa ông lời 5 triệu đồng/công/ năm, thì giờ trồng hoa lan ông lời 100 triệu đồng/công/năm.

Sản phẩm hoa lan nắng và màu của ông Hai Thọ giờ bán rộng khắp cả nước. Mỗi sản phẩm hoa lan có giá 35.000-350.000 đồng. Mỗi ngày, ông Hai Thọ chỉ mất có 2 giờ trồng hoa lan. “Nông dân trồng hoa lan ở Bình Chánh giờ giàu to” -ông Hai Thọ thổ lộ.

Phát triển giống hoa lan tại chỗ

Theo Sở NNPTNT TP.HCM, năm 2020, thành phố có tổng diện tích trồng hoa lan là 375ha. Riêng mùa Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, thành phố cung cấp ra thị trường khoảng 4,7 triệu chậu lan và 6,7 triệu cành lan cắt cành.

Tổng trị giá hoa lan các loại đưa ra thị trường đạt hơn 215 tỷ đồng.

Thị trường tiêu thụ của hoa lan thành phố chủ yếu là trong nước, gồm: Cửa hàng hoa tươi tại thành phố (khoảng 20%), các chợ đầu mối (45%), phân phối về các tỉnh, thành trên cả nước (khoảng 30%) và một phần còn lại xuất khẩu sang Campuchia.

Từ năm 2018, mỗi năm TP.HCM đã xuất khẩu khoảng 180.000 cành hoa lan mokara sang Campuchia.

Trên địa bàn thành phố đến năm 2020 có 66% hộ trồng hoa lan quy mô từ 5.000m2 trở lên ứng dụng hệ thống tưới phun tiết kiệm nước ứng dụng cơ giới.

Sở NNPTNT thành phố đã có tờ trình gửi UBND thành phố về việc phê duyệt “Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020-2030”. Riêng đối với hoa lan, đến năm 2030, thành phố phấn đấu sản xuất giống hoa lan tại chỗ cung ứng khoảng 50-60% nhu cầu phát triển diện tích hoa lan tại thành phố, cung ứng cho thị trường khoảng 30-40 triệu cây giống/năm, chủ yếu là giống lan cấy mô. Số lượng này sẽ đáp ứng được khoảng 500-600ha canh tác.

>>> XEM THÊM: Toàn tập cách xử lý và sử dụng phân hữu cơ đúng nhất cho lan

Theo Dân Việt