Toàn tập về Lan HOÀNG THẢO KÈN

Chào các bạn! Hôm nay tôi viết bài này để giới thiệu đến các bạn một loại lan thuộc vào loài hơi khó tính, (chứ không phải không trồng được) có hoa rất đẹp, nở vào mùa xuân. Đó là Hoàng Thảo Kèn. Sở dĩ tôi viết bài này, vì đây là thời điểm khai thác, bán ra thị trường để phục vụ ace sưu tầm, trồng và chơi hoa.

Hoàng Thảo Kèn có tên khoa học là Dendrobium Lituflorum. Với bộ lá mỏng và bộ rễ khá mảnh, nhỏ (được gọi là rễ kim), rất thích thoáng, sạch, mát. Chính vì vậy mà Kèn thích hợp với các tỉnh phía Bắc.

Tuy nhiên với màu hoa thật quyến rũ, muốn sưu tầm cũng không khó. Đặc biệt nếu mua về thì chắc chắn các bạn sẽ được ngắm hoa vào dịp tết hoặc ra tết.

Cây đem về cắt tỉa hết rễ, treo ngược vài hôm cho quen khí hậu. Sau đó nhúng nước vôi trong để xử lý nấm bệnh.

Tranh thủ những ngày nắng , đem cây phơi ở rìa mái che hoặc mái tole. Sao cho cây tiếp xúc ánh sáng được nhiều nhất. Điều này làm đẩy nhanh quá trình ra hoa kịp tết.

Không tưới tắm gì cả, thỉnh thoảng chỉ phun sương cho nó.
Hoặc các bạn có thể trồng ngay, nhưng theo tôi thì đợi đến khi ra nụ tua tủa như đốt gai mới trồng.

Kèn thích hợp nhất là ghép gỗ, lũa. Loại gỗ xốp là tốt nhất, hoặc khúc cây còn nguyên vỏ.
Nếu trồng chậu thì nên chọn giá thể lớn, cỡ quả trứng gà. Vì rễ kim , thích sạch sẽ, lại thích thoáng nên giá thể nhỏ sẽ gây ẩm cao và thối rễ.

Hoàng thảo kèn
Lan Hoàng Thảo Kèn

Tuy thuộc nhóm thòng, nhưng các bạn nên ghép đứng. Không như giả hạc vì thân của Kèn cứng hơn, ghép thòng sẽ không có dáng vẻ mềm mại trông mất đẹp (chỉ khi những giò thuần mới để nó thòng tự nhiên).

Mục lục nội dung

  • I. CHĂM SÓC
  • II. PHÂN THUỐC
  • III. CÁCH PHÒNG VÀ TRỊ BỆNH

I. CHĂM SÓC

Kèn thuộc nhóm lá mỏng, rễ kim lại rất thích thoáng và sạch sẽ. Tôi đã đọc bài viết của nhóm nghiên cứu, ở đó họ thấy trong tự nhiên, những bụi Kèn lớn, sống khỏe có bộ rễ khá sạch.
Kèn thích thoáng nên treo cao càng tốt. Nhưng vì lá mỏng, rất dễ bị cháy nắng. Nếu ánh sáng mạnh, bộ lá sẽ xoăn lại mất đẹp. Điều này thật khó phải không các bạn. Vì treo cao mà lại ít nắng thì treo chổ nào trong giàn bây giờ? Chính vì điều đó mà nó thật là đỏng đảnh, khó trồng.

Tuy nhiên cũng có bạn cho ăn nắng 100%, nhất là các tỉnh phía Bắc. Điều này thì tôi còn học hỏi thêm, vì tôi ở Huế với cái nắng cháy da của mùa hè và những trận gió Lào rát mặt ở miền Trung.

Hoàng thảo kèn
Toàn tập về Lan HOÀNG THẢO KÈN (Dendrobium Lituflorum)

II. PHÂN THUỐC

Kèn lá mỏng nên các bạn phải sử dụng liều loãng hơn so với các lại khác.
Nếu trong vườn có thêm Ngọc Thạch, Ý Ngọc, Phật Ngọc và những loài lá mỏng thì xếp chúng gần nhau và phun cho đỡ tốn công.
Phun 30 – 10 – 10 cho giai đoạn đầu phát triển, hoặc 20 – 20 – 20 cho cả quá trình sinh trưởng và phát triển của cây.

Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các bạn để bài viết được hoàn thiện hơn. Cũng như ý kiến khen, chê để bạn đọc có được cái nhìn đa chiều hơn.

III. CÁCH PHÒNG VÀ TRỊ BỆNH

Các bệnh thường gặp ở Kèn là thối gập gốc, nhũn đọt, vàng lá do cháy nắng hoặc phun phân đậm quá cũng cháy ngay đầu ngọn và lan xuống. Tôi nhận thấy rệp sáp cũng rất thích Kèn, vì vườn tôi chỉ những giò Kèn mới bị tấn công, còn lại không bị, mặc dù chúng được treo chung.

Đặt biệt vào mùa hè khi trời đang nắng, gặp các trận mưa rào, mưa dông đi qua. Xong trời hửng nắng thì Kèn bị nhũn rất nhanh. Các bạn hãy lưu ý điều này nhé. Riêng tôi thì trồng hẳn trong mái che, tuy phát triển hơi chậm, nhưng an toàn. Đến nay tôi đã thuần giò kèn hơn bốn năm, phát triển rất tốt.

Phun phòng hằng tháng cho cả vườn với một loại thuốc nấm kết hợp với một loại thuốc khuẩn, pha theo hướng dẫn bao bì.

Ví dụ: ở bao bì ghi pha từ 15 đến 20 gram cho một bình 8 lít. Thì ta phải hiểu rằng chỉ số 15 là phòng, còn chỉ số 20 là trị bệnh.

Các bạn có thể sử dụng các bộ đôi sau đây:

Kasumin + Aliette
Kasumin + Mataxyl 500wp
Avalon 8wp + Antracol
Ridomil Gold + Starner
Ridomil Gold + Kasumin
Starner + Aliette