Kinh nghiệm trồng và chăm sóc LAN TRẦM (Denrobium Parishii)

Lan Trầm có tên khoa học là Denrobium Parishii thuộc dòng đa thân, mọc thành khóm, bụi với độ dài từ 20 đến 40cm, thân mập, chắc khỏe. Nở hoa từ tháng 4 đến tháng 7 dương lịch. Với màu sắc biến thiên từ tím nhạt đến tím đậm và cái lưỡi phủ đầy lông tơ, đôi khi có viền trắng mà người ta hay gọi là môi tuyết.

Lan Trầm
Kinh nghiệm trồng và chăm sóc lan Trầm

Không điệu đà đỏng đảnh như Hạc, Kèn, cũng không đài cát kêu sa như Cattleya. Trầm có một vẻ đẹp quyến rũ, cuốn hút và giá trị thuộc vào hàng top trong nhóm Denrobium của lan rừng.

Mùi hương của nó thì … miễn bàn, ngây ngất và thắm đượm như mùi … trầm hương. Vì vậy mà nó được đặt tên là Trầm chăng? Chính vì thế mà những người yêu lan ít nhiều cũng gắng sưu tầm cho được một chậu về vườn mình.

Về tên gọi thì các nhà nghiên cứu, viết sách đặt rất nhiều tên. Các dòng lai tạo từ trong nước và ngoài nước khá nhiều, cho ra nhiều chủng lai với tên gọi cũng khác nhau (đương nhiên). Riêng tôi vẫn thích gọi nó với cái tên đơn giản, mộc mạc là Trầm rừng. Cho dù nó có ngồn gốc và xuất xứ ở đâu (cái này thì tôi chả quan tâm, bởi với tôi miễn có là được)

Mục lục nội dung

  • I. CÁCH TRỒNG VÀ CHĂM SÓC
  • II. NHÂN GIỐNG
  • III. KỸ THUẬT GHÉP LŨA

I. CÁCH TRỒNG VÀ CHĂM SÓC

Trầm mua về nếu là bụi, các bạn nên tách lẻ ra, chỉ chừa lại thân tơ kèm 1, 2 thân già để xổ hoa, còn lại xé ra từng thân một để nhân giống, khi tách nhớ cẩn thận kẻo lẹm vào mắt ngủ, nó sẽ bật mầm nếu mắt ngủ còn tốt.

Không nên để nguyên cả bụi trồng vì như vậy sẽ rất lãng phí, bởi nó thường nhảy con ở thân tơ, cho dù những thân già còn mắt ngủ thì vai trò của nó như một bầu sữa để nuôi mầm gốc của thân tơ, rất ít khi nó bật mầm nếu trồng cả bụi.

Sau khi tách nên tỉa bớt rễ, chỉ chừa lại 1, 2cm để thuận tiện cho việc bắn ghim khi trồng ghép.

Trồng chậu với giá thể vỏ thông hoặc dớn vụn thì tôi nhận thấy Trầm phát triển rất tốt, chậu giữ ẩm ổn định, cây tăng trưởng rất nhanh.

Ghép lũa hoặc khúc cây rất đẹp, nhưng vào mùa hè, thu. Thời điểm cây tăng trưởng mạnh nhất thì lại không đủ độ ẩm giá thể, rễ vươn dài, đan xen lẫn nhau, và bò ra khỏi giá thể. Tôi nhận thấy chỉ những vườn đảm bảo được tiểu khí hậu, giữ ẩm tốt thì cây mới phát triển tốt

Ghép bảng dớn cây vẫn phát triển tốt, tuy nhiên đến mùa hoa nhìn không đẹp, không thẩm mỹ và không giá trị bằng ghép lũa.

Ở vườn tôi, tôi đã ghép vào khúc gỗ nhỏ, bỏ vào chậu, xung quanh chèn vỏ thông hoặc dớn vụn, rãi phân tan chậm, giữ ẩm đều và để cho nó phát triển cả năm không cần bón thêm NPK. Vậy mà có những chậu cây cao đến 60, 70 cm, to gần bằng ngón chân và nặng gần nữa kg, keiki từ đầu mùa đến nay cũng 20cm và cho hoa vào mùa tới. Điều này cho thấy Trầm rất cần ẩm để tăng trưởng vào mùa hè, thu.

Một điều lưu ý là các bạn nên xử lý thật kỷ giống và giá thể trước khi trồng, đó là bước đầu rất quan trọng, loại bỏ những tác nhân gây bệnh về sau với đơn giản nước vôi trong , Benkona, Physan, Ridomin Gold (có chi dùng nấy).

Không tưới tắm, phân thuốc gì kể từ khi trồng, ghép. Thỉnh thoảng chỉ phun sương cho nó khỏi teo thân.

Khi hoa tàn, mầm gốc vừa bén rễ, phun NPK 30 – 10 -10 cho thời kỳ đầu, vào cuối chu kỳ đổi qua 6 -30 – 30 hoặc 20 – 20 – 20 cho cả quá trình sinh trưởng, phát triển.

Hàng tháng phun phòng bệnh nước vôi trong hoặc kỷ hơn thì Ridomin + Starner là xong.

Các bệnh thì vườn nào chả có, riêng tôi phòng bệnh là giải pháp tối ưu, bởi nếu cây gặp bệnh thì có chữa thế nào cũng không trở lại như trước được.

II. NHÂN GIỐNG

Trầm sống khỏe, dễ , nhảy kei tốt nên việc ươm khá đơn giản, không cầu kỳ như hạc mà thời gian qua nhiều người vẫn làm. Nhất là các thân già, bà, cố, cụ, tổ … đều lên tuốt nếu mắt hoa còn tốt.

Sau khi xé ra chỉ cắt bỏ phần dập nát, hư thối, những khúc còn lại và thân già để nơi khô ráo thoáng mát, đợi tháng 3 năm sau mới ươm.

Tuyệt đối không ươm vào lúc này, chỉ làm thối thân mà thôi, kể cả việc trồng cũng vậy. Bởi thời điểm này với hàng bóc rừng, cây đã ngủ rất sâu, đến tháng 3 năm sau mới thức giấc và bật mầm gốc, nhú nụ, cuối tháng 4 đầu tháng 5 mới cho hoa. Việc trồng, tưới tắm nếu không có kinh nghiệm sẽ đọng nước ở gốc và làm thối gốc.

Riêng tôi cứ vào tháng chạp, khi cây trút 1/2 lá thì bóc ra treo, đợi ra tết ghép vào lũa chơi hoa. Điều này nghe lạ, nhưng tôi thích thế, việc đó cũng hay vì sau một mùa, axit, muối, nấm bệnh và ốc sên trú ngụ ở chậu, sẽ không tốt cho mùa kế tiếp. Hoa tàn tôi lại tháo ra bỏ vào chậu chăm tiếp.

III. KỸ THUẬT GHÉP LŨA

Nó có thể là bất cứ thứ gì, lũa, nhành cây, cái rễ có hình dáng đẹp … với tiêu chí.

Không nên ghép mật độ quá dày, phải chừa không gian cho hoa nở. Riêng với Trầm ghép lũa càng đơn giản càng đẹp.

Để dáng thế tự nhiên (thòng, rũ, nghiêng, đứng) không nên uốn nắn gò bó cây sẽ làm mất đi dáng mềm mại của nó.

Cây lớn dưới, cây nhỏ trên tạo nét hài hòa cân đối trong phong thủy.

Cây to trước, cây nhỏ sau tạo chiều sâu của tác phẩm.

Lấy súng ghim bắn xung quanh phần rễ chừa lại mà không cần đóng đinh hay khoan lỗ cắm ty vì rễ Trầm khi khô rất cứng, chắc. Như vậy sẽ rất thẩm mỹ cho tác phẩm.

Với trầm, chỉ cần một cây, ghép miếng lũa phù hợp khi nở hoa là đã thấy đẹp.