Nữ tỉ phú lan dendrobium là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021

Ở huyện Bình Chánh, TP HCM, nông dân trồng lan làm kinh tế không hiếm nhưng phất lên thành tỉ phú như chị Trần Thị Ngọc Thảo thì chưa thấy người thứ hai

Chúng tôi tìm đến Vườn lan Sơn Hà 2 tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP HCM của vợ chồng chị Trần Thị Ngọc Thảo (SN 1978) – người vừa được Hội Nông dân Việt Nam tuyên dương “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021”. Những ngày cuối năm, Vườn lan Sơn Hà 2 chộn rộn hơn. Anh Lưu Cẩm Hùng, chồng chị Thảo, cùng 4 nhân công tất bật chuẩn bị đơn hàng phục vụ thị trường Tết. Chị Thảo ngừng tay, đưa khách tham quan một vòng vườn lan “hái” ra tiền tỉ mỗi năm của vợ chồng mình.

Thạc sĩ thành nông dân có khác!

Vào Vườn lan Sơn Hà 2, một màu xanh mướt mát đập vào mắt chúng tôi. Toàn bộ vườn lan được bao phủ trong nhà lưới. Những cây lan dendrobium trồng trong vỏ dừa khô, xếp vừa vặn trong các ô vuông trên giàn nhựa, được nâng đỡ bằng dây cáp viễn thông và cột xi-măng chắc chắn. Bên dưới, chị Thảo đào mương nước tạo độ ẩm cho vườn, cách giàn lan hơn 1 m.

Chị Thảo là người đã tiên phong thay thế khung giàn sắt truyền thống bằng nhựa, từ kinh nghiệm tham khảo mô hình trồng lan công nghệ cao ở Thái Lan. Giàn nhựa giúp giảm bớt chi phí đầu tư và “phí nhồi” bảo dưỡng hằng năm, vốn rất lớn.

Chị Trần Thị Ngọc Thảo trong vườn lan dendrobium của mình

Vợ chồng chị Thảo có tổng cộng 12.000 m2 diện tích trồng lan ở xã Đa Phước. Vườn lan luôn duy trì trên dưới 200.000 chậu với khoảng 40 màu sắc các loại. Mỗi năm, anh chị xuất bán khoảng 300.000 cây lan nguyên chậu, doanh thu trung bình 4- 4,5 tỉ đồng.

“Nhiều người nói mình “làm chơi ăn thiệt” nhưng đâu phải. Mình đã đi từ thất bại này đến khó khăn khác mới gặt hái được kết quả như hiện tại chứ cũng không dễ dàng gì” – chị Thảo bộc bạch.

Chị Thảo là thạc sĩ sinh lý thực vật. Từ khi còn ngồi ở giảng đường Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQG TP HCM, chị đã có niềm đam mê đặc biệt với lan. Lên năm thứ 2, chị vừa đi học vừa đi làm tại Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu – Bộ Công Thương. Dù chuyên ngành nuôi cấy mô thực vật mà chị theo đuổi chủ yếu tập trung vào cây dừa, cây tinh dầu, cây hương liệu… nhưng ngoài giờ học, chị vẫn tập tành nuôi cấy mô cây lan. Từ việc nuôi dưỡng thành công, chị dần nhận ra giống cây này có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sau khi học xong, chị Thảo được Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu giữ lại làm cán bộ nghiên cứu. Những dịp đi công tác ở Thái Lan – xứ sở của hoa lan, chị tranh thủ tìm hiểu về mô hình trồng lan dendrobium bằng công nghệ cao.

Về nước, chị Thảo được phân công trồng và chăm sóc khoảng 4 ha dừa tại Trạm Thực nghiệm Bình Thạnh (TP HCM). Thấy vườn dừa có diện tích mương tưới lớn nhưng để trống, chị đề xuất thuê lại. Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu đồng ý cho chị thuê 4.000 m2 bề mặt mương để canh tác lan. Ba năm sau, mô hình… thất bại, do tán dừa rộng, phủ lên toàn bộ lan khiến cây không ra hoa. Chị Thảo mất gần 400 triệu đồng.

Nhiều năm sau, nhắc về lần thất bại đó, chị Thảo cười nhẹ tênh: “Coi như thử nghiệm”. Nhưng bấy giờ, 400 triệu đồng là tất cả vốn liếng mà chị dành dụm được. Hết sạch tiền nên ngoài giờ hành chính, chị làm tư vấn kỹ thuật cho 3 nhà vườn trồng lan tại TP HCM, vừa để dành dụm tiền vừa để đúc rút kinh nghiệm cho bản thân.

Vài năm sau, chị Thảo sinh liền 2 con trong vòng 3 năm. Về xã Đa Phước nghỉ thai sản, chị mới có thời gian tìm hiểu kỹ hơn và nhận ra người dân quê mình đã hết muốn làm nông dân. Chủ ruộng không canh tác, rất nhiều đất bỏ hoang, chỉ chờ giá lên để bán. Chị nảy ra ý định về đây lập nghiệp.

Nghe chuyện, nhiều người giật mình bởi lo ngại nguồn nước nhiễm phèn nặng ở đây sẽ giết chết giấc mơ làm giàu từ nghề nông của người phụ nữ trẻ. Ngược lại, chị Thảo tin tưởng mô hình mà mình đã ấp ủ sẽ làm nên chuyện. Chị thấy trừ nước ra, thời tiết, khí hậu và nhiệt độ không khí ở Bình Chánh đặc biệt phù hợp với giống lan dendrobium. Để giải quyết khó khăn do nước phèn, chị đầu tư cho việc lọc nước và đưa lan lên giàn cao, bố trí giàn xoay tưới nước.

Năm 2012, sau lần trồng thử vườn lan 1.800 m2 thành công, chị Thảo thấy hướng trồng loại cây này làm kinh tế rất khả quan. Vì thế, chị quyết định rời ghế trưởng phòng thí nghiệm nuôi cấy mô thuộc Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu để dành hết thời gian, tâm huyết trồng lan dendrobium.

Nhân giống, chủ động cây con

Đất không phụ công người, năm 2019, hoa lan dendrobium màu của Vườn lan Sơn Hà đượ chủ tịch UBND TP HCM tặng bằng khen là “Sản phẩm tiêu biểu của TP HCM”.

Đến nay, Vườn lan Sơn Hà cho thu hoạch quanh năm, thị trường trải rộng từ Nam ra Bắc, thậm chí cung cấp ngược lên Đà Lạt. Thời điểm sức mua cao nhất là từ tháng 10 âm lịch đến 23 Tết. Chị Thảo cho biết sức cung của Vườn lan Sơn Hà vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của thị trường.

Thạc sĩ Thảo đang hướng đến mục tiêu nuôi cấy mô hoa lan Thái Lan tại vườn nhà

Dù mô hình trồng lan công nghệ cao nặng vốn đầu tư nhưng chị Thảo khẳng định sau 3 năm có thể thu về không dưới 30% lợi nhuận, nếu không có những khó khăn như đợt dịch Covid-19 vừa qua. Lúc cao điểm dịch, vườn nở rộ hoa nhưng không thể vận chuyển lan đi được, phải cắt hết hoa để dưỡng cây, ước tính thiệt hại lên tới vài trăm triệu đồng.

Do vườn lan của chị Thảo phụ thuộc đến 80% nguồn giống từ Thái Lan nên việc tái sản xuất cũng “đóng băng”. Từ đợt dịch này, chị càng nhận thức rõ hơn về khó khăn khi nông dân phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung cây giống từ nước ngoài.

Chị Thảo dự định sẽ mở rộng diện tích thêm 5.000 m2 trong năm tới để làm nhà màng nuôi cây con. Chị đang phối hợp với một tiến sĩ cùng chuyên ngành nghiên cứu để nhân giống cây, hướng tới mục tiêu thoát khỏi sự phụ thuộc nguồn cung từ Thái Lan. Xa hơn, thương hiệu lan Sơn Hà sẽ cung cấp được giống dendrobium thuần chủng cho các nhà vườn khác.

Thành công của Vườn lan Sơn Hà đã nhen nhóm giấc mơ trồng lan đổi đời của nhiều nông dân ở Đa Phước. Từ đây, chính quyền xã Đa Phước đã phối hợp với Vườn lan Sơn Hà tổ chức các buổi tập huấn, dạy nghề trồng lan dendrobium. Đến tháng 4-2019, HTX Hoa lan Đa Phước ra đời với 7 nhà vườn, tổng cộng 3 ha trồng lan, do anh Hùng làm giám đốc.

Thỏa đam mê, “hái” ra tiền

Những ngày đầu về xã Đa Phước, xót xa trước cảnh chị Thảo vừa chăm con vừa lo mở rộng vườn lan, anh Hùng cũng từ bỏ chức trưởng phòng kinh doanh của một công ty đa quốc gia có trụ sở tại TP HCM để về phụ vợ. Đến nay, chị Thảo phụ trách kỹ thuật trồng và chăm sóc chính tại vườn lan, còn anh Hùng phụ trách đầu ra. Sau này, được vợ bồi dưỡng về kỹ thuật trồng, anh cũng trở thành “chuyên gia” chăm sóc giống hoa này.

Nhìn lại chặng đường đã qua, điều chị Thảo cảm thấy may mắn nhất là nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của chồng. “Vợ chồng tôi đều rất yêu lan. Vừa được làm việc mình đam mê vừa kiếm ra tiền, quả thật là điều chúng tôi không dám mơ nhưng đã thành sự thật” – chị Thảo tâm sự.

>>> XEM THÊM: Người chơi lan 25 năm kinh nghiệm mách cách chăm sóc lan chuẩn khi mới mua về