Nghiện… lan rừng ở Huế

Bất kể nắng hay mưa, sáng nào chợ lan rừng ở góc công viên Thương Bạc (đường Trần Hưng Đạo) cũng đông như hội. Tiếng người mua kẻ bán hoà lẫn tiếng ve đầu hè xôn xao…
Thú chơi lan rừng mới rộ lên ở Huế khoảng nửa năm trở lại đây nhưng phong trào giờ đây phát triển mạnh đến nỗi, nhiều người chơi lan rừng nói đùa: “Không chỉ là mê đâu mà là… nghiện ấy nhé!”.

Lan rừng đẹp mê ly được treo bán trên những lam tường trắng ở công viên

8h sáng, chợ lan rừng đã đông kín người, thôi thì đủ mọi thành phần từ già đến trẻ, từ đàn ông đến phụ nữ, từ giới trí thức luật sư, nhà giáo,… cho đến dân văn phòng, mấy cô cậu sinh viên và chị em làm nghề “nội trợ” cũng mê lan rừng và có mặt ở khu chợ đặc biệt này.

Đặt chân đến chợ lan rừng lần đầu nhưng tôi đã bị cuốn hút. Nhìn đâu cũng thấy lan và lan! Không theo một trật tự nào, lan ở đây được bày bán vô cùng tự do và… tự phát! Lan mê man từng bụi dưới đất, lan kiêu kỳ treo trên những lam tường trắng của công viên, lan lủng lẳng trên xe máy, và lan chất đầy trong những bao tải. Cơ man nào là thiên nga, hoàng hậu, trầm, nghinh xuân, dã hạc, ý thảo, long tu, kiều, hoả hoàng, hải yến, đùi gà, sơn thuỷ tiên, mắt mèo, đuôi chồn, đuôi sọc, ý ngọc, hoàng thảo, kiếm, báo hỉ, thạch hộc, thanh đạm… với đủ màu sắc tím, vàng, trắng, đỏ, cam… đua nhau khoe sắc và toả mùi hương nhẹ nhàng trong gió, làm dịu cái oi nóng đến hanh hao đầu hè…

Sáng nào cũng đi chợ… lan!

Đang mải chọn mua mấy giò ngọc thạch tím, chị Vân (làm nội trợ, ở Ngọc Anh, Phú Thượng, Phú Vang), người có “thâm niên” chơi lan rừng từ 10 năm nay hào sảng: “Chỉ trừ trời lụt lội, bão bùng hay nhà có kỵ, giỗ chứ sáng nào chị cũng có mặt ở chợ này!”. Chỉ vào mấy giò ngọc thạch vừa mua được, chị xuýt xoa: “Sáng chừ mua hơn 1 triệu đồng ngọc thạch rồi mà vẫn còn muốn mua nữa. Giống này mới về, đẹp hết chê!”.

Cùng bàn tán về một giò lan rừng mới “tậu”

Tôi tự nhủ, mê lan rừng tới mức ngày nào cũng đi thì đúng là “nghiện” chứ còn gì?! Chả thế mà “sáng sáng chồng đi uống cà phê đâu mặc kệ miễn “thả” mình ở chợ lan rừng này là được rồi!”, chị Vân nói. Chị Vân kể: “Ở nhà, mình dành thời gian cho hoa còn nhiều hơn cho con. Thấy mình sa đà nhiều quá, lúc đầu “ông” (chồng-PV) cũng bực. Đến tết vừa rồi hoa nở nhiều, đẹp quá nên “ông” không nói gì nữa mà từ đó “mê” lan rừng luôn!”. Nhà chị Vân hiện có hơn 100 giò lan rừng chủ yếu là các giống dạ hạc, vảy rồng, ngọc thạch,… do chính tay chị tự trồng và chăm sóc. Chị Vân tự tay làm giàn, bỏ công đi kiếm gỗ vú sữa, gỗ lũa, gỗ mít đẹp về đóng lan. “Nhà mình có cả những “cục” (khúc gỗ đóng lan – PV) cao mét rưỡi. Ngày nào mình cũng tự tay chăm sóc và kiểm tra từng giò một. 10h đêm phải ra bắt sâu cho lan. Xưa, phụ nữ chỉ mình mình chơi lan rừng, giờ nhiều chị chơi lan rừng rồi nhưng nói về độ “mê” thì phụ nữ không có ai “mê” lan rừng như chị!”, chị Vân tự hào.

Thú chơi tao nhã

Không vội chọn lựa như nhiều người khác, anh Vỹ (ở An Hoà, TP.Huế), một người khá am tường về lan rừng, lặng lẽ đứng ngắm lan ở một góc chợ. Anh Vỹ cho hay: “Thú chơi lan rừng đem lại những giây phút thư giãn vô cùng tuyệt vời. Chỉ cần một giò trầm nở hoa treo trong nhà đã rất thơm rồi. Giờ không chỉ ở Huế mà cả nước đang có một hội chứng… “nghiện” lan”.

Theo anh Vỹ, có hai kiểu chơi lan rừng, một kiểu người chơi lan rừng thực sự và chơi lâu nên rất hiểu về đặc tính của từng loại lan rừng; một kiểu chơi khác là chơi theo phong trào. “Có người chơi sành điệu chỉ sưu tầm những loại lan rừng quý, hiếm, nhưng theo mình lan rừng loại gì cũng đẹp, quan trọng là hiểu như thế nào. Có những giống hoa chỉ nở trong 1-2 tiếng là tàn và chỉ nở trong đêm nên người chơi phải canh giờ hoa nở để ngắm rồi chụp ảnh. Đó mới là thú chơi lan thực sự”, anh Vỹ nói.

Để có nhiều lan rừng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân đô thị, nhiều người dân miền núi đã săn lùng, khai thác triệt để các loài lan sống ở rừng tự nhiên. Hoạt động này làm cho nguồn gen lan rừng ngày càng cạn kiệt, nhiều loài rơi vào tình trạng tuyệt chủng hoặc cận tuyệt chủng. Từ đó làm suy thoái đa dạng sinh học. Mặt khác, lắm lúc cần khai thác những giò phong lan đeo bám trên cây gỗ lớn, người khai thác không ngần ngại chặt hạ cả một số cây gỗ, vô tình xâm hại rừng nói riêng và đa dạng sinh học nói chung.
Để vừa bảo tồn vừa phát triển các giống lan rừng mà không làm ảnh hưởng đến thú chơi lan rừng, tốt nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có văn bản quy định việc khai thác, vận chuyển, mua bán lan rừng; cấm triệt để khai thác trái phép, chỉ cho phép những đơn vị quản lý rừng phối hợp với cơ quan khoa học để thu giống phục vụ nghiên cứu và nhân giống. Tất nhiên, để thực hiện được giải pháp này là một thách thức lớn, không đơn giản chút nào.

Ông Ngọc Kiểm với giò trầm được cấy trong gốc gỗ bồ đề

Ông Ngọc Kiểm (ở đường Tịnh Tâm, TP.Huế) chơi lan rừng 4-5 năm nay chia sẻ: “Mỗi loại có một vẻ đẹp và hương thơm rất riêng. Trong cuộc sống bận rộn, nhiều lúc rất mệt mỏi và stress nhưng sáng sáng nhìn hoa nở thấy tĩnh tâm, tâm hồn thư thái cho một ngày mới”. Ngắm nghía giò nghinh xuân 3 màu vừa mua được với giá 400.000 đồng, Thanh Thu (chưa có gia đình, làm ở Trường đại học Nông Lâm Huế) cho hay: “Em thích nhìn lan lớn lên và thích sự mạnh mẽ của lan rừng. Ban đầu thấy mấy chị ở trong trường chơi lan rừng, em mê theo nên sưu tập lan rừng từ một năm nay. Tuần nào em cũng ra đây mua loại mới về chơi. Thỉnh thoảng, mấy chị em lại đến nhà nhau ngắm hoa, trao đổi hoa vui lắm!”

Tìm về nhà ông Ngọc Kiểm, tôi thực sự “choáng” bởi giàn lan rừng với cả trăm loài lan quý được đóng trong những gốc mít, gốc bồ đề, những khúc rễ mít, gỗ lụt, gỗ lũa,… với hình thù vô cùng lạ và đẹp mắt. Ông Kiểm cho biết, có tới hơn 1.000 loại lan rừng. Cùng một loại lan rừng nhưng ở mỗi vùng lại khác nhau, đơn cử như lan mắt mèo có hơn 60 loại (trong đó, Việt Nam có 40 loại). Mùa lan rừng nở rộ từ tháng 11 đến 8 âm lịch. “Lan rừng chăm rất khó, phải 3 năm sau mới biết sống hay không. Người chơi lan phải tìm hiểu đặc điểm của từng loại lan xem loại đó sống ở khu rừng nào, nhiệt độ ra sao, có ưa nước hay không ưa nước, thích ẩm 50% hay 70%”, ông Kiểm say sưa nói về nghề chơi “lắm công phu” này. “Tối nào sau 9h tui cũng ra bắt ốc, bắt kiến cho lan. Định kỳ hoặc tuỳ từng thời điểm phải tưới các loại thuốc bổ, thuốc chống vi khuẩn, thuốc kích rễ, kích lá cho cây. Có nhiều bữa mua lan về “cấy” (trồng) cả buổi trưa quên cả đói. Chưa kể ra hoa, nhìn nó ra cái rễ đã thấy “thương” lắm rồi”, ông Kiểm nói.

18 triệu đồng một giò nghinh xuân!

Từ khi phong trào chơi lan rừng rộ lên, lan rừng trở nên có giá, nhiều người chơi chuyển sang kinh doanh lan rừng. Người bán lan rừng cũng có nhiều loại, người dân tộc từ rừng A Lưới, Quảng Trị về cũng có, là dân thành phố hẳn hoi cũng có. Có người bán “tâm huyết”, bán để anh em chơi cho vui nhưng cũng có người bán “cắt cổ”, thấy phong trào đang lên cao họ “đôn” giá lên vùn vụt. Trước dã hạc giá 100.000đ/ký giờ 300.000-600.000 đồng/ký. Thậm chí có loại dã hạc quý hiếm giá vài chục triệu/thân cây (ngọn) là chuyện bình thường, nhưng người chơi đã thích thì vẫn mua.

Nhiều chị em phụ nữ say mê chọn lan rừng

Anh Lộc, một người chơi lan rừng từ năm 1992, nay chuyển sang kinh doanh lan rừng (ở Nguyễn Biểu, TP.Huế), thường xuyên chở lan rừng ra bán ở chợ lan rừng công viên Thương Bạc cho hay: “Tôi bán ở đây có loại chỉ 20.000đồng/cành mà cũng có loại lên tới vài triệu là chuyện thường. Vừa rồi có giò nghinh xuân giá 18 triệu đồng đấy!”. Hỏi về nguồn hàng và chuyện lời lãi từ lan, anh Lộc bảo: “Đa số lan từ rừng Lào, Campuchia; ở Việt Nam có Gia Lai, Kon Tum, Tây Bắc về, nói chung là đủ! Mình bán ngày có khi vài chục giò, có ngày chỉ được vài giò, mỗi giò lời vài chục nghìn, có khi lời vài trăm nghìn nhưng cũng có khi lỗ vẫn… bán!”. Anh Lộc là người gốc Huế, sinh sống ở Đà Lạt, giờ thấy phong trào chơi lan ở Huế trên đà “phát triển” nên quyết định “về quê kiếm cơm”.

Mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt đen nhẻm, chị Buôn, người dân tộc Vân Kiều đang cùng cô con dâu chuyển từng bao lan rừng qua hàng rào ra ngoài công viên cứ dè chừng không nói khi thấy tôi hỏi về nguồn lan. Mãi tới lúc biết tôi chỉ hỏi chứ không… thu hàng, chị mới cười hiền hiền: “Mình cứ tưởng kiểm tra! Bữa trước bị bắt, thu lan một lần rồi. Sau họ cho lại, bảo không được bán ngoài này nữa. Nguồn lan lấy bên Lào hết, tiền công qua Lào tìm lan 300.000 đồng, thuê xe mất 400.000 đồng cả đi lẫn về, bán lời 200.000-300.000/chuyến mà cả mình, con dâu và chồng nó cùng đi. Mình bán ở đây hai năm rồi…”.

Trời trưa đứng bóng, lác đác vài người vẫn còn nán lại ở chợ lan rừng. Cầm nhành lan phượng vỹ đỏ thắm mua được ở chợ lan rừng, tôi trở về nhà với ý nghĩ vẩn vơ: “Không biết vài năm nữa, những cánh rừng có còn lan, khi mà lan rừng cứ ào ạt về phố thế này?!”

(Báo Thừa Thiên Huế)