Long An: Làm nông nghiệp công nghệ cao, trên trồng phong lan rừng, dưới nuôi cá bơi tung tăng, chàng Hoàng Hậu kiếm bộn tiền

Nhờ ứng dụng khoa học – công nghệ, mô hình trồng phong lan rừng kết hợp nuôi cá của anh Phạm Hoàng Hậu (xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho gia đình mà còn là hướng đi mới của thanh niên địa phương.

Lan rừng là một loài hoa có mùi thơm đặc trưng, dễ trồng, dễ chăm sóc. 8 năm trước, anh Hoàng Hậu đã bắt đầu chơi phong lan rừng.

Sau khoảng thời gian dài, anh sưu tầm kha khá các chủng loại hoa phong lan, trong đó có lan rừng tự nhiên.

Anh Phạm Hoàng Hậu (xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) trồng phong lan rừng kết hợp nuôi cá. Nuôi cá góp phần tạo nguồn nước dinh dưỡng cho cây phong lan…

Thấy nguồn lan rừng ngày càng hiếm và có nguy cơ mất gốc, anh Hoàng Hậu mạnh dạn lên ý tưởng, học hỏi bạn bè và bắt đầu nuôi, cấy phong lan.

Hơn 1 năm tìm hiểu, nghiên cứu và thử nghiệm thành công, anh bắt đầu đầu tư phòng nuôi, cấy mô hoa phong lan rừng, ống nghiệm và một số trang thiết bị khác…

Theo anh Hoàng Hậu, giống phong lan đang cấy mô chủ yếu là lan giả hạc. Việc nuôi, cấy hoa lan trong ống chai đòi hỏi phải có sự đam mê, kiên trì, tỉ mỉ, nếu không, phong lan rất dễ bị nhiễm khuẩn chết hàng loạt.

Mô hoa phong lan được nuôi, cấy trong phòng lạnh và được tiệt trùng. Đầu tiên phải khử mẫu, chọn lọc hạt phong lan, sau đó gieo hạt trong chai thủy tinh.

Những chai thủy tinh này được tạo môi trường dinh dưỡng, độ ẩm, không khí, ánh sáng thích hợp để mầm hoa phong lan phát triển.

Sau 4-6 tháng, khi cây hoa phong lan con phát triển hoàn chỉnh, kích thước trung bình 5-10cm/cây thì có thể xuất bán cho người trồng phong lan.

Anh Hoàng Hậu cho biết, tùy theo từng giai đoạn mà hoa phong lan cấy mô có giá bán khác nhau. Nuôi, cấy mô hoa phong lan trải qua 3 giai đoạn: Giai đoạn 1: Cây trong 6 tháng đầu sau khi được lấy ra từ chai bán với giá 8.000 đồng/cây.

Đây cũng là giai đoạn khó nhất để cây hoa phong lan tồn tại và phát triển ổn định. Giai đoạn 2: Từ 6 tháng nuôi thêm 8 tháng thì giá 16.000 đồng/cây.

Giai đoạn 3: Qua giai đoạn 2, cây hoa phong lan được nuôi thêm 18 tháng, giá 50.000 đồng/cây.

Đến nay, anh Phạm Hoàng Hậu cho ra thị trường hơn 500.000 cây hoa phong lan cấy mô. Các giống phong lan nuôi cấy mô của anh được nhiều khách hàng một số tỉnh lân cận ưa chuộng. Trung bình, anh thu được 1 triệu đồng/1m2 trồng hoa phong lan/năm.

Chăm sóc hoa phong lan chỉ cần bảo đảm các yếu tố nước, gió, độ ẩm,… là cây có thể phát triển tốt. Để bổ sung dinh dưỡng tự nhiên cho hoa lan, anh Hậu xây dựng mô hình nuôi cá phía dưới vườn lan và dùng nước ao nuôi cá này để tưới cho hoa phong lan.

“Đây là hệ thống tuần hoàn khép kín. Nước sau khi sử dụng được hệ thống lọc tự động và trả lại nước sạch cho ao cá mỗi ngày, người sản xuất cũng không tốn nhiều công sức” – anh Hậu chia sẻ.

Mô hoa phong lan được anh Phạm Hoàng Hậu (xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) nuôi trong chai thủy tinh…

>>> XEM THÊM: “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021” đến từ TP Hồ Chí Minh là một tỷ phú trồng hoa lan có bằng thạc sỹ

Hiện anh Hậu có 11 vườn hoa lan với hơn 1.000m2; trong đó, tại xã Phước Lại có 8 vườn, các vườn còn lại được phân bổ ở nhiều nơi, có vườn ở tận Vườn quốc gia Nam Cát Tiên thuộc tỉnh Đồng Nai.

Theo kế hoạch, anh Hậu sẽ tiếp tục mở rộng quy mô trồng hoa phong lan ra TP Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), vì đây là nơi có điều kiện tự nhiên và thời tiết thuận lợi để phong lan phát triển.

Hiệu quả từ mô hình trồng hoa phong lan kết hợp nuôi cá mang lại, anh Hậu sẵn sàng hỗ trợ người dân vùng hạ cải thiện cuộc sống.

Anh Hoàng Hậu bày tỏ: “Vùng mặn trồng gì cũng khó, cũng không ít nông dân điêu đứng trước những cánh đồng tôm thất mùa. Do đó, những ai muốn chuyển đổi sang trồng hoa phong lan thì tôi sẵn sàng giúp đỡ”.

Anh Lê Quốc Cường cho biết: “Tôi và anh Hậu đều là thành viên của Hợp tác xã Hoa lan Phước Lại (thành lập tháng 5/2020). Mỗi tháng, chúng tôi tham gia sinh hoạt một lần và sẵn sàng hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm trồng hoa phong lan cho những ai mới bước vào nghề trồng lan”.

Theo Bí thư Đoàn xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An – Nguyễn Thị Kim Cương, mô hình nuôi, cấy lan của anh Phạm Hoàng Hậu vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa bảo tồn được nguồn lan rừng tự nhiên.

Mô hình trên trồng hoa lan rừng dưới nuôi cá của anh Phạm Hoàng Hậu cũng tạo ra hướng đi mới cho nhiều thanh niên trên địa bàn xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Đây cũng là một trong những mô hình khởi nghiệp của thanh niên có nhiều triển vọng, có thể nhân rộng trên địa bàn trong thời gian tới./.

>>> XEM THÊM: Vỏ lạc hun- giá thể trồng lan mang đầy đủ ưu điểm, vừa tốt- rẻ- dễ kiếm

Theo Dân Việt