Lan trứng bướm tuy nhỏ nhắn nhưng có sức sống mãnh liệt

Lan trứng bướm có thể xem là loại lan nhỏ nhất Việt Nam.

Đặc điểm của lan trứng bướm

Lan trứng bướm là loài lan kích thước nhỏ bé, thân cây phân nhánh ngắn, cây trưởng thành chỉ cao khoảng 1cm, khi đạt đến 3cm là đã có thể cho hoa. Thân lá có màu xanh nhạt, mùa nắng sẽ chuyển sang màu nâu.

Lá lan trứng bướm có hình ellip hẹp, dày và căng mọng, dài khoảng 2cm, rộng 1cm. Trên mặt lá có một lớp sần nhẹ, đôi khi nhìn như có lớp phấn ở trên, lá thuôn xếp khích vào thân.

Hoa lan trứng bướm mọc lên ở nách lá. Cần hoa dài khoảng 1.25 cm, mỗi cây có 1 – 2 cần hoa mọc thành chùm thòng xuống mang nhiều hoa nhỏ màu tím đậm, cựa hoa màu vàng, phình ở đỉnh. Đôi khi bạn sẽ thấy một số dạng hoa lan trứng bướm đột biến màu trắng, hồng nhìn rất độc đáo.

Hoa lan trứng bướm nhỏ nhắn, cánh môi có 3 thùy, 2 thùy bên thẳng đứng nhỏ, thùy giữa cong. Hoa nở vào mùa hè, có khi kéo dài cả mùa hè, có hương thơm nhè nhẹ..

Nguồn gốc lan trứng bướm

Lan trứng bướm được tìm thấy ở nhiều quốc gia như Ấn Độ, Myanamar, Thái Lan, Vân Nam Trung Quốc và Việt Nam. Chúng được tìm thấy trong các khu rừng bán rụng lá ở độ cao khoảng 500 – 1200m, ở nơi có khí hậu nóng ẩm trong rừng.

Tại Việt Nam, lan trứng bướm chỉ mọc một số nơi như các tỉnh Tây Nguyên, TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương, Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà (Lâm Đồng),…

Cách trồng lan trứng bướm

Cách nhân giống

Cây lan trứng bướm được nhân giống bằng cách tách nhánh và ghép trên thân gỗ, cho chút rêu ẩm vào rễ rồi treo nơi thoáng gió.

– Cách tách nhánh lan:

Trước tiên, cách lan con từ cây mẹ cần thao tác nhẹ nhàng, tránh làm tổn thương phần rễ.

Tiếp theo, xử lý vết cắt bằng vôi hoặc physan, sau đó sử dụng keo liền sẹo để bảo vệ vết cắt, để cho cây khô ráo rồi ghép vào gỗ là tốt nhất, vì ghép gỗ giúp thoáng khí và thoát nước nhanh, tránh việc cây bị thối nhũn.

– Đôi khi lan trứng bướm vẫn được trồng vào chậu

Trước khi trồng cần khử trùng chậu và vật liệu trồng, dưới chậu đặt đá bọt trộn vài sợi rêu, trên đặt vỏ thông cho thoáng đế rễ, trên cùng là vỏ thông nhỏ, rêu trộn nhúm phân tan chậm tạo ấm.

Nếu trồng chậu, cần lưu ý mỗi năm phải thay vật liệu trồng mới, Tiến hành thay chậu sau khi lan ra hoa hoặc ra cuống hoa.

Cách ghép lan trứng bướm vào gỗ

Trước tiên, dùng dây và súng bắn ghim lên mảnh gỗ dự định ghép cây và cố định một đầu.

Sau đó, đặt cây lan lên và choàng dây chỉ qua rễ rồi ghim đầu bên kia sợi dây để giữ chặt thân cây lan. Nếu cây còn lung lay thì thêm một sợi dây khác để giữ chặt thân cây.

Tiếp theo bạn làm tương tự cho những cây lan trứng bướm còn lại để cho đủ một giò.

Lưu ý:

Ghép lan cần cố định sao cho cây lan không bị lung lay. Đợi một thời gian cây ra rễ ổn định thì tháo dây ra.

Khi ghép xong thì để giò lan trong mát, thoáng gió và có độ ẩm cao, ngày tưới nước 2 – 3 lần. Sau đó bạn phun chế phẩm kích rễ như chế phẩm Hùng Nguyễn, Acroots, … kết hợp cùng Vitamin B1, định kỳ 3 – 4 ngày/ lần.

>>> XEM THÊM: Vẻ đẹp và cách trồng, chăm sóc của loài lan quý hiểm giải thùy Sapa