Lan gây niềm nhớ

Nhìn những chậu lan thi nhau trổ bông mà trong lòng sao thấy buồn bã, chán ngán. Đáng lẽ thấy hoa lan nở tưng bừng tôi phải vui vẻ yêu đời mới đúng lẽ chứ. Cớ sao tôi lại buồn rầu ủ rũ?

Hai năm trước đây, vào ngày gần Tết, anh tặng cho tôi một chậu lan rất đẹp, 5 dò hoa buông rũ dưới đám lá xanh tươi mượt mà. Những bông hoa mầu vàng chói, chiếc lưỡi đỏ thẫm như mầu lá quốc kỳ mà biết bao nhiêu người đã đổ máu xương ra gìn giữ. Nhưng chẳng bao lâu anh đã bỏ tôi và đàn con cháu ra đi không một lời từ giã. Phải chi anh theo mấy người không nên nết, bỏ chúng tôi để trở về quê hương bên kia bờ đại dương hú hí với mấy cô gái tuổi xanh còn đương mơn mởn, tôi cũng tha thứ chấp nhận và không cay đắng buồn rầu. Đằng này anh lại lặng lẽ ra đi vĩnh viễn về bên kia thế giới u minh.

Sau ngày Hiền Phụ, anh ra sau vườn dọn dẹp. Quá 12 giờ anh cũng chưa chịu vào ăn trưa và hơn một giờ anh mới trở vào. Tắm xong anh ngồi vào bàn, không muốn ăn uống và cảm thấy mỏi mệt. Bước lên thang lầu, anh choáng váng và muốn ói. Vội vàng dìu anh vào phòng vệ sinh rồi lấy dầu gió thoa khắp mình, nghĩ rằng anh bị nhiễm cảm sau khi làm lụng ngoài vườn rồi lại tắm nước lạnh. Nhưng anh kêu nhức đầu, người lạnh toát và đổ mồ hôi xuất hạn. Vội vàng gọi cho con và kêu xe cấp cứu nhưng anh chẳng hề lai tỉnh. Tim anh đã ngừng đập trên đoạn đường đến nhà thương. Bác sĩ cũng đành bó tay sau mấy lần kích tim thất bại.

Tâm trạng rối bời, mặt mày xây xẩm, choáng váng như người bị sét đánh hụt, nhưng tôi phải cắn răng cùng các con lo liệu tang lễ cho anh. Nhìn chiếc quan tài hạ xuống lòng đất đón nhận hình hài và thân thể của anh, lòng đau như cắt tôi muốn nhẩy xuống đi theo anh, nhưng còn đàn con lũ cháu tôi làm sao bỏ đi cho đành.

Chúng tôi quen biết nhau, thương nhau và lập gia đình khi đất nước đang ở trong vòng khói lửa. Chẳng bao lâu anh lên đường nhập ngũ. Tôi đã trải qua biết bao năm tháng lặng lẽ nuôi con với tâm trạng thấp thỏm của một chinh phụ hay nôm na là người vợ lính có chồng ở ngoài chiến tuyến.

Thế rồi sau tháng 4 cái năm đen tối đó, anh phải từ giã mẹ con chúng tôi bước vào trại cải tạo sống những ngày đói lạnh, khốn khổ, nhục nhằn của kẻ thất trận. Mẹ con tôi lam lũ bôn tẩu kiếm sống và kiếm chút tiền mua lương thực nuôi anh và nuôi hy vọng ngày anh trở về.

Ngày đó anh đã trở về tuy không phải là trong chiếc hòm gỗ cài hoa hay trên trên băng ca nhưng anh chỉ còn là bộ xương cách trí. Rồi chúng tôi vượt biển ra đi, trốn khỏi quê hương, trốn khỏi bọn người tuy cùng mầu da, tiếng nói nhưng họ đối đãi và cư xử với chúng tôi còn tệ hại hơn là những người khác giống. Sau bao ngày lênh đênh đói khát, sóng gió hãi hùng trên biển cả và những tháng ngày dài đằng đẵng trong trại tỵ nạn, chúng tôi cuối cùng cũng đến bến bờ tự do.

Năm tháng trôi qua mau lẹ, thấm thoắt chúng tôi đã ở trên mảnh đất quê hương mới đã trên 25 năm có lẻ. Anh quý mến tôi đã chung thủy thay anh nuôi nấng đàn con dại khờ, phụng dưỡng cha mẹ chồng. Còn tôi, tôi xót thương cho người chồng đã vào sinh ra tử trong những năm chinh chiến rồi bước vào cuộc đời đầy khổ ải, tủi nhục. Cho nên chúng tôi càng thương mến nhau, cùng nhau ra sức làm việc, dành dụm cố công tạo dựng đời sống mới và lo cho con ăn học thành người.

Ngày nay các con chúng tôi đã trưởng thành đã có gia đình riêng biệt và việc làm vững chắc. Anh bảo chỉ vài tháng nữa, khi đủ tưổi về hưu anh sẽ cùng tôi rong chơi đây đó cho bõ những năm tháng xa nhau. Dù đi làm tới khuya mới về, nhưng sáng sáng, anh luôn luôn dậy sớm, sửa soạn điểm tâm và pha cho tôi ly cà phê thơm ngát. Sau đó chúng tôi ra vườn dọn dẹp chăm lo thửa vườn với những cây trái mang nặng hình bóng quê nhà, những cây trái của miền sông Hậu hiền hòa, nơi chúng tôi sinh ra và lớn lên ở đó. Vườn nhà chúng tôi tuy không rộng, không có con sông với giòng nước lặng lẽ chảy quanh, nhưng cũng có những cây tre, khóm trúc, rặng ổi, vườn bầu, bụi chuối và chiếc xích đu, để chúng tôi ngồi bên nhau ôn lai những kỷ niệm xưa kia.

Bên chiếc xich đu đó là giàn giá đầy những chậu hoa lan và những giống xương rồng tôi không hề biết đến tên gọi. Biết tính tôi thich cây cỏ, hoa lá nên anh mua cho tôi không biết tiếc tiền. Kìa những chậu lan mua ở South Coast Plaza đánh dấu mầu vàng trên thành chậu, mua ở San Diego đánh dấu mầu xanh và mầu đỏ mua ở chợ trời. Những chậu lan này do chính tay anh chăm sóc, tưới nước bón phân. Còn tôi, chỉ khi nào thấy có hoa nở mang vào trong nhà chùi lá cho sạch sẽ, cắm que chống đỡ và khoe với bạn bè.

Anh nói vài tháng nữa, sau khi về hưu sẽ cùng tôi đến Hội Hoa Lan, nơi chúng tôi đã từng dự những buổi Tất Niên và Tân Niên vui vẻ. Không khí gia đình thân mật của hội này, luôn vang vang tiếng cười và giọng nói quen thuộc của quê hương thân yêu từ lâu xa vắng.


Anh nói, anh sẽ đưa tôi đến tận nơi chân trời tím ngắt, sẽ cùng tôi ngắm trăng treo trên đầu núi, ngắm cảnh hoàng hôn trên biển cả hay cảnh rừng núi mù sương. Nhưng anh đã không thể thực hiện lới hứa vì chứng kích tim quái ác…

Nhìn những bông lan xinh đẹp rực rở mà lòng buồn man mác. Cây lan hoa vàng lưỡi đỏ năm nào cũng nở bông vào ngày giáp Tết. Cây lan hoa xanh như mầu thiên lý trên lưỡi có mầu đỏ chót tương phản với mầu vàng cũng đua sắc khoe mầu hình như muốn cho tôi vui lòng. Cây lan gì hoa trông như con bướm mầu trắng hồng, lung linh trong tia nắng hắt qua từ cửa sổ, hoa nở gần như quanh năm trước bàn thờ của anh. Cây lan con đầm, anh mua ở chợ trời năm xưa, chỉ là một nhánh nay đã trở thành một khóm khá lớn với đám rễ trắng xóa mọc ra ngoài thành chậu nhưng vẫn cố ra bông.

Chắc hồn anh linh thiêng trở về chăm sóc vườn lan, cây trái cho tôi. Thương anh, nhớ anh tôi chỉ còn biết cầm vòi nước tưới cây và để cho những giọt lệ lặng lẽ tuôn trào.

Mùa lạnh vừa qua, lạnh đến nỗi những cây ổi, cây nhãn trong vườn chết cành héo lá, những bui chuối thân cây thối nhũn, tầu lá rũ xuống như cánh tay không còn sinh lực của những người tù cải tạo. Nhưng những cây lan vẫn không chết, nó cũng như các anh đã từng nín thở qua sông, cúi đầu chịu đựng những mùa đông lạnh lẽo của miền Bắc xa xôi.

Đông qua, Hè tới đã mang lại một luồng sinh khí cho nó, cho những người thuộc diện H.O và gia đình họ đã được may mắn được hưởng hạnh phúc tự do vào lúc cuối đời. Nhưng chuyện: Hợp tan, tan họp là lẽ thường tình, cái vòng lẩn quẩn: Sinh, Lão, Bệnh, Tử đã cướp anh đi và không ai tránh khỏi cái lẽ nhân sinh vô thường đó.

Anh thương mến! Thuơng anh! Nhớ anh, em chỉ còn biết buồn vui cùng con cùng cháu, cùng lũ cây trái và những chậu lan anh vẫn hằng chăm nom, tưới bón. Em cám ơn anh đã cho em những yêu thương trìu mến và những ngày vui vẻ bên nhau. Rất tiếc là chúng ta không được hưởng tháng ngày vui thú tuổi già, không được cùng nhau nắm tay du lịch khắp nơi khắp chốn.

Nhưng có điều em rất ân hận là đã quá nhu nhược nghe theo anh: không chịu lái xe, mà chỉ chịu lái ông tài xế để bây giờ phải tùy thuộc vào đám con luôn luôn bận rộn với đời sống hàng ngày. Em không có thể tự mình đến thăm bè bạn và đành ở trong căn nhà lặng lẽ hoặc ở ngoài vườn trống vắng thiếu anh, thiếu người chồng yêu quý với nỗi sầu ray rứt khôn nguôi.

Đó là cái giá của những người nhu nhược và ỷ lại như em phải trả và đành cam chịu.

1/2009
Nguyễn thị Thường Lan