Kỹ thuật trồng lan thân thòng trên dớn và cách trồng bán thủy canh đơn giản ai cũng làm được

 

Các giống lan như Giả Hạc, Trầm, Ý Ngọc, Hoàng Thảo Kèn, Long Tu, Hoàng Thảo Vôi, Hạc Vĩ, Trúc Quan Âm, Hoàng Phi Hạc, U Lồi… đã trút hết lá được 1 thời gian, giả hành trơ trụi và teo tóp, mắt ngủ dưới gốc đã sưng lên nhưng chưa mọc thành mầm, nụ bắt đầu hơi nhú ra… chính là lúc thích hợp nhất để các bạn xuống giống cho vụ mới.

1. XỬ LÝ GIÁ THỂ

Ngâm dớn trong nước vôi (100 gam vôi pha 10 lít nước) từ 30 phút đến 3 ngày tùy điều kiện cho phép. Mục đích để trung hòa acid trong dớn, diệt trừ nấm khuẩn, các loại côn trùng gây hại như rết, cuốn chiếu, sên và ốc sên, dế, gián, mối, kiến… Nếu ngâm được lâu thì còn diệt được cả mầm cỏ dại.

Nếu bạn thực sự có điều kiện thì có thể đem dớn đi luộc trong nước vôi, hiệu quả sẽ cao hơn rất rất nhiều.

Sau khi ngâm vôi xong, bạn phải rửa lại thật sạch với nước lã và để ráo rồi ghép lan lên.

Nếu giá thể bạn lười không xử lý, chắc chắn bạn sẽ phải trả một cái giá rất đắt, giống như việc bạn ăn rau sống mà không rửa vậy.

 

2. XỬ LÝ GIỐNG

Bước 1: Cắt tỉa hết các rễ già khô (để lại 1 khúc rễ 1,5cm để gắn ghim lên dớn). Cắt bỏ đoạn giả hành gãy dập, vặt bỏ lá vàng. Bạn cũng có thể để cả bộ rễ, sau khi ghép xong thì mới cắt, như vậy sẽ dễ ghép hơn.

Bước 2: Lấy dao dọc gấy tách từng 2 giả hành lại thành 1 cặp, ví dụ giả hành 1 + 2 tuổi làm 1 cặp, 3+4 tuổi làm 1 cặp. Chú ý quan sát mắt ngủ để không cắt vào mắt ngủ.
Thực sự thì tách riêng lẻ từng giả hành ra giống như trong hình của tôi cũng là 1 cách rất tốt, vì sau nhiều năm trồng lan, tôi quan sát thấy việc từng giả hành đơn lẻ đẻ mầm con rồi nuôi mầm con thì cuối năm độ chênh lệch không đáng kể (khoảng 10%-20%) so với 1 cặp 2 giả hành.

Ví dụ 1 giả hành Trầm dài 30cm và 2 giả hành dài 30cm, sau 1 năm thường thì chỉ đẻ được 1 mầm mà thôi. Nếu chăm đạt, phân đầy đủ và cân đối, chế độ nước như nhau… cây con từ 1 mẹ dài khoảng 30cm, cây con từ 1 cặp mẹ + bà cũng chỉ khoảng 35cm mà thôi. Nhưng bù lại 1 giề 6 giả hành nếu tách từng cọng ra thì có thể được 5-6 con, còn 1 cặp thì chỉ được 3 con mà thôi.

Bước 3: Đem ngâm toàn bộ giống với nước vôi 15 phút hoặc ngâm với Physan 20 nồng độ 1ml (20 giọt) pha 1 lít nước trong 10 phút.
Vớt ra, để ráo nước. Sau đó ngâm với các loại phân bón kích rễ, kích mầm và chống suy chống sốc…
Sau khi ngâm vớt ra để cho thật khô ráo rồi mới bắt đầu ghép vào giá thể.

3. CÁCH GHÉP

Bạn nên phân chia giống ra theo kích thước và độ dài ngắn. Dài ghép với dài, ngắn ghép cùng ngắn, giả hành tơ ghép riêng, già ghép riêng.


Có như thế tác phẩm của bạn mới đều và có giá trị nghệ thuật.
A. Đối với Dớn Bảng:

Làm móc sao cho độ dài từ bảng tới lưới cách nhau 1,2m nếu xứ lạnh, 1,5m nếu ở xứ nóng. Móc lớn 1 chút để sau này giò lan nặng không bị bửa móc gây rớt lan.

Lấy dây thép bẻ cong chữ U và gắn vào đoạn rễ già bớt lại sao cho mắt ngủ của gốc giả hành hướng ra ngoài. Nên có 1 cọng chữ U nữa cố định giả hành vào bảng dớn, lực ép vừa phải đừng làm giập giả hành. Bạn nên nhớ bạn ghép càng chắc bao nhiêu rễ càng nhanh bám bấy nhiêu và cây con càng khỏe bấy nhiêu.

B. Đối với Dớn Trụ

Bạn có thể mua đũa dùng 1 lần rồi bỏ hoặc cắt cành tre, cành trúc cắm xung quanh phía bên trên trụ dớn. Sau đó lấy dây rút nilon hoặc dây nhôm bọc nhựa cố định giả hành lại với chiếc đũa. Mắt ngủ nhớ hướng ra phía ngoài nhé!

Trồng kiểu này có 1 cái hay là sau này trưng bày trên bàn rất tiện và đẹp. Nếu bạn lười tưới có thể trồng theo kiểu bán thủy canh bằng cách lấy 1 cái đĩa mỏng, đặt trụ dớn lên và đổ nước đầy đĩa. Theo cơ chế mao dẫn, cả tuần bạn không cần tưới cũng vẫn đủ nước cho lan.
Khi mầm cao lên, bạn chịu khó mua dây nhôm bọc vải loại dùng để uốn cây cảnh cắm vào cục dớn sau đó níu cây lan vào để cây lan đứng thẳng lên.
Dĩ nhiên bạn cũng có thể lấy 1 sợi dây thép lớn (thép 3 hoặc 4) nhét vào trong 1 ống nhựa trong (loại ống dùng để truyền nước) (có 2 ngàn 1m thôi) cắm vào cục dớn để cố định giả hành lan của bạn.

Có 1 cách ghép trụ nữa là làm móc 3 chân, treo cục dớn lên và ghép lan thòng xuống xung quanh. Cách này cũng rất đẹp và đẳng cấp.

4. CHĂM SÓC VÀ THUỐC

Tưới hàng ngày 1 hay 2 hay 3 lần tùy tiểu khí hậu, tùy vào giá thể khô mau hay lâu, tùy vào mùa và tùy chu kỳ sinh trưởng. Mời bạn đọc lại bài KIỂM SOÁT ĐỘ ẨM TRÊN LAN (TƯỚI LAN) – Bài 13.

Cá nhân tôi 1 ngày tôi tưới 1 lần với 20 phút bật vòi phun tự động phun mưa. Tưới không khác gì tưới rau.

Mỗi tuần hoặc lười hơn thì mỗi tháng phun Chế Phẩm Hùng Nguyễn + Nano Đồng + NPK Te (20-20-20Te) một lần. Pha chung 1 bình phun để tiết kiệm thời gian và nhân công. Liều như bao bì.

Nói chung là tùy đặc thù công việc mà chu kỳ của bạn là 1 tuần, 2 tuần hay 1 tháng phun 1 lần. Phun buổi sáng mát trời với điều kiện trưa hôm đó nhiệt độ không cao hơn 33 độ C.

Sau khi mầm ra rễ được 3 – 5cm bắt đầu gắn phân chì tan chậm của Nhật loại 14-13-13 hoặc phân hữu cơ tan chậm 5-5-5te. Tôi trồng số lượng nhiều nên chỉ dùng loại phân chì có độ bền 6 tháng để tiết kiệm thời gian.

Bạn thích tận dụng nguồn phân bò hay dê hay tằm gì cũng được, nhưng nhất định phải ủ kỹ hoai mục như bài 6 – PHÂN CHO LAN. Bạn phải nhớ phân chuồng rất nhiều nấm, vi khuẩn, virut, ký sinh trùng, mầm cỏ dại, trứng giun, sên và ốc sên, côn trùng ăn mùn và ăn rễ lan. Mà cũng nhắc các bạn là con bò và con dê bây giờ nó cũng ăn thuốc sâu hơi nhiều, nên cũng không được chủ quan để phân chảy vào mắt hay hít cái hương thơm nồng nàn của phân vào phổi nhé.

Phân hữu cơ tan chậm và phân chuồng chỉ có tác dụng 2-3 tháng, vậy nên sau 2-3 tháng bạn nên thay phân 1 lần.

Tới khi lan thắt ngọn, bạn nên chuyển phân 20-20-20te thành 6-30-30te, phun 3 lần là ngừng phân được rồi.

Phòng bệnh cho lan với Nano bạc hàng tuần (có thể luân phiên với Benkona hoặc Agrifos 400), nếu giàn thoáng và sạch thì nửa tháng hoặc 1 tháng 1 lần cũng được.

Phòng nhện đỏ và bọ trĩ cứ 2 – 3 tháng 1 lần với Fendona+Pesieu.
Hoặc nếu bạn muốn dùng thuôc từ thảo dược tự chế thì có thể đọc lại bài 43 – CÁC LOẠI CÔN TRÙNG VÀ…. HẠI LAN.

Hai tháng rải bả sên hoặc bẫy sên 1 lần.

Bạn nên đặt hoặc treo các giống lan này dưới 1 lớp lưới che đi 60-70% ánh nắng.


TRỒNG BÁN THỦY CANH

Thực sự nếu bạn trồng với dớn trụ hoặc dớn cục để cây lan đứng thẳng bên trên, thì bạn chỉ cần kiếm 1 cái đĩa hay một cái khay đặt giò lan vào, đổ nước đầy khay sao cho mực nước ngập khoảng 1/4 – 1/2 giò lan là đẹp.

Chỉ cần nước lã thôi là được rồi. Chế độ bón phân không khác biệt gì so với bên trên, khoảng vài ngày tới nửa tháng thay nước 1 lần để hạn chế rêu, loăng quăng bọ gậy và hạn chế hiện tượng phân từ bên trên chảy xuống quá nhiều làm hư rễ. Cố gắng giữ cho nước lúc nào cũng trong là đẹp nhất.

(Theo chia sẻ của bác Nguyễn Ngọc Hà – Đức Trọng, Lâm Đồng)