Cách phân biệt Hoàng Lạp với Sơn Thủy Tiên

Đây là một trong những giống lan mà tôi yêu thích nhất.
Sự cứng cáp của giả hành, sự tươi tắn của mặt hoa, sức sống mãnh liệt của giống lan, mùi thơm dịu dàng khi khoe sắc…. tất cả những yếu tố trên đã tạo cho tôi sự yêu thích đặc biệt với em này.

Hoàng có nghĩa là chiếu sáng, sáng rực rỡ, sáng chói, là sắc vàng
Lạp nghĩa là hạt hoặc nghĩa là sáp.

Theo như hình thái giả hành và hình thái mặt hoa, ta có thể hiểu tên của em này là do giả hành màu vàng và hoa màu vàng cộng với độ bóng mướt của giả hành và cánh hoa như sáp (bóng như cây nến, đèn cầy) mà thành.

Các bạn soi hình sẽ thấy giả hành khi non thì xanh, nhưng trưởng thành và già thì vàng và bóng.

Độ lớn thì tùy giống phân bố tại vùng miền nào mà khác nhau. Có giống giả hành nhỏ như cây đũa mà dài, có giống thì mập ú mà ngắn một khúc.
Có khi giả hành chỉ to bằng ngón tay, nhưng cung có giống giả hành to bằng cổ chân.
Có giống gốc giả hành thóp lại bé xíu và to mập ở khúc giữa, nhưng cũng có giống thuôn đều. Có giống chỉ dài 20cm, nhưng cũng có giống dài hơn nửa mét.

SƠN THỦY TIÊN chính là một biến thể của Hoàng Lạp. Về cơ bản chỉ khác nhau HỌNG BÔNG HOA.

Nếu chỉ nhìn vào giả hành, không thể nào phân biệt chính xác được đâu là Sơn Thủy Tiên, đâu là Hoàng Lạp. Nếu các bạn không tin thì cứ soi hết hình sẽ thấy.

Có nhiều người nhầm lẫn hai giống này dù là chơi lan mười hoặc hai chục năm vẫn không biết phân biệt là bình thường.

Có thể nói cách duy nhất để biết CHÍNH XÁC đâu là Sơn Thủy Tiên, đâu là Hoàng Lạp thì chỉ có thể là chờ hoa nở.

HỌNG HOA của bông hoa SƠN THỦY TIÊN có màu ĐỎ NÂU hoặc NÂU TÍM hoặc TÍM THẪM hoặc TÍM ĐỎ hoặc ĐỎ THẪM.

HỌNG HOA của bông HOÀNG LẠP có màu VÀNG và vài vạch chỉ đỏ (SỌC ĐỎ).

Các bạn soi hình sẽ nhận thấy rất rõ ràng.

Sơn Thủy Tiên
Hoàng Lạp

Một số web phân tích rằng lá Sơn Tủy Tiên dày hơn, cứng hơn; giả hành mập hơn, nặng hơn…. đều là không chính xác. Vì Hoàng Lạp cũng có giống giả hành to bằng cổ chân, lá vừa dày vừa cứng.

Có web lại nói Sơn Thủy Tiên thuôn đều từ gốc tới ngọn còn Hoàng Lạp thì gốc giả hành nhỏ và thân mập ú. Cũng không chuẩn luôn. Vì thực tế là tôi đã sở hữu đủ các kiểu hình như trên nhưng lại toàn là Hoàng Lạp.

Thực tế thì Sơn Thủy Tiên ở Việt Nam hiện nay rất ít, nếu bạn có may mắn sở hữu 1 giò thì đó chính là 1 báu vật. Mắc thì không phải quá mắc, nhưng muốn sở hữu thì lại rất khó.

CÁCH TRỒNG VÀ CHĂM SÓC
1. CHỌN GIỐNG

Nên chọn giề lá còn xanh, cứng cáp, không dập nát hoặc bị lở loét, lá không đốm, rách thủng, và càng nhiều giả hành có lá càng tốt. Và khi chọn mua hàng ký, bạn nhớ là nên chọn hàng khô, nếu thấy bộ rễ ướt nhách thì khả năng lan đã bị ngâm nước cho nặng ký. Bạn mang về trồng thì tỉ lệ chết rất cao.

Còn nếu bạn chọn mua hàng thành phẩm, thì hãy dùng trực giác mách bảo. Nhớ soi gốc, mầm gốc, bộ lá, bộ rễ và tốt hơn hết nên chọn mua giò lan mà giả hành THẾ HỆ SAU TO VÀ DÀI HƠN THẾ HỆ TRƯỚC.

Mùa ghép thích hợp là lúc mầm non ở gốc chưa bung hoặc đã nhú nhưng chưa có rễ non. Tuy nhiên lúc nào ghép cũng được, vấn đề là bạn phải biết cách chăm. Tôi ví dụ, khi giả hành con đã ra rễ dài và đầy đủ mới bị bóc từ rừng về, bạn mua về thì phải chấp nhận là nó sẽ không mọc thêm rễ nữa hoặc rất khó ra rễ mới. (Bạn có thể tham khảo lại bài đặc biệt GHÉP LAN TRÁI MÙA VỤ).

2. GIÁ THỂ:

GỖ VÀ LŨA: Chọn giá thể là gỗ hoặc lũa càng cứng càng tốt, nếu là gỗ thì nên bóc vỏ đi (vỏ chỉ được 1-2 năm là mục, khi đó nó sẽ là hang ổ của mấy con ốc sên, sâu bọ, nấm khuẩn và vỏ bong ra thì lan bong ra luôn), xử lý như bài 7 Ghép Thủy Tiên và bài 12 Giá thể tốt nhất cho lan.
Giá thể có thể chọn là chậu đất nung có nhiều lỗ, bạn trồng lan trong chậu cũng được mà cho nó bao bọc xung quanh chậu cũng được. Bên trong nên bỏ than cục nhỏ bằng hạt mít cho nó bền.

Dớn bảng, dớn cục (dớn dương sỉ sợi hoặc cù lần) cũng là 1 sự lựa chọn tuyệt vời, tôi rất thích ghép lên dớn bảng và cục vì dễ ghép, dễ chăm và dễ đóng thùng bán đi xa.

Nếu bạn thích phá cách, bạn có thể ghép lên ngói, gạch, đá, bê tông, ống nước, đất nung… đều được.
Nhưng với kinh nghiệm cá nhân đã thành công hàng trăm giò và các tác phẩm của nước ngoài, thì trồng với chậu nhựa hoặc đất nung, cho vào trong đó là dớn sợi cắt nhỏ hoặc dớn ổ phụng (quạ) xé nhỏ hoặc than nhỏ 2×2, hoặc vỏ thông 2x2cm hoặc xơ dừa sợi (không phải xơ dừa xay) lại chính là TỐI ƯU.

Vì sao? Chỉ đơn giản là hai em này ưa ẩm, thân giả hành vươn thẳng, vòi hoa cong ra bốn phía. Đóng hàng đi xa nhẹ, gọn gàng, dễ bỏ phân, dễ kiểm soát độ ẩm. Khi có hoa thích trưng bày chỗ nào cũng dễ (trên bàn, trên ban thờ, trên giá, giữa sân, trên giàn….)

Cách xử lý giá thể như thế nào và cách tưới với từng giá thể thế nào thì bạn có thể kéo lại Bài 7: Cách trồng lan thủy tiên, Bài 10: Cách cố định lan vào giá thể, Bài 12: Giá thể tốt nhất cho lan, Bài 13: Kiểm soát độ ẩm cho lan, cách tưới lan, làm mái che để làm gì?

3. XỬ LÝ GIỐNG

Như các bài trước, đó là cắt rễ già, dập nát, rửa sạch với nước lã. Sau đó ngâm vào dung dịch Physan 15-20 phút (ngâm 1 tiếng vẫn được nhưng hại cây). Dạo gần đây tôi bỏ kiểu dùng Ridomilgold rồi, vì nó không hiệu quả kỹ thuật và không hiệu quả kinh tế bằng Physan. 150k gần nửa lít thuốc, pha được cho 500 lít nước, xử lý 1 tấn lan giống còn được.

Sau khi ngâm Physan, ta để khô ráo rồi ngâm vào dung dịch B1+Atonik (hoặc chế phẩm kích mầm, kích kei, chống sốc, hoocmôn super Thriver, Hùng Nguyễn 6 trong 1….) trong 15-20 phút. Nếu số lượng ít bạn có thể xịt mà không ngâm cũng được. Tùy bạn!

4. CHĂM SÓC:

Ghép xong treo chỗ mát, ánh sáng khoảng 40% là được, chờ cho cây bám giá thể rồi thì cho ăn nắng 50-70%.

Tôi đã thử nghiệm treo lan với mức nắng 30%, 50%, 70%, 100%. Cây vẫn lên rất mạnh mẽ, nhưng tối ưu nhất vẫn là 1 lớp lưới xanh đen của Thái 70% nắng.

5. SÂU BỆNH:

A. Thối thân giả hành non, bắt đầu từ gốc lên ngọn, ban đầu như úng vàng, sau đó là chuyển dần sang nâu và đen, giả hành tóp lại, không có mùi thối. Đây chính là thối đen do nấm Phytophthora như bài 29 tôi đã nói rất chi tiết. Cắt bỏ, xịt Aliette + Kasumin hoặc Antracol + Kasumin 2 – 3 lần, tuần 1 lần là chấm hết. Khi cây bệnh thì không nên bón bất cứ phân gì có Đạm (N) và nên che mưa hoặc ngừng tưới 1 – 3 ngày.

B. Bị thối nhũn ngọn non, bắt đầu từ ngọn do đọng nước hoặc độ ẩm quá cao hoặc dư đạm, do vi khuẩn Erwinia, mầm hư có mùi thối rất nồng nặc.
Cũng xử lý y như trên, thuốc cũng thế!

C. Bị rầy, kiến bám trên mầm non và vòi nụ. Xịt nước rửa chén pha loãng ướt đều, 20-40 phút sau rửa lại là xong. Quá tiết kiệm lại an toàn.

D. Bị rệp vảy hoặc rệp sáp bám lên lá, giả hành. Chịu khó lấy bàn chải đánh răng đánh đi thôi. Bạn cũng có thể dùng thuốc với hoạt chất Chlopyrifos Ethyl hoặc hoạt chất Methidathion pha chung với nước rửa chén 2ml + 1 lít nước. Phun 3-5 lần vào buổi sáng mát trời.

6. PHÂN BÓN VÀ RA HOA

Khi mầm cây con ra rễ dài cỡ 3-5cm, gắn chút phân tan chậm (phân trì, phâm xám hoặc phân hữu cơ dạng viên NPK) vào là xong. 10-20 ngày phun phân bón lá trung lượng và vi lượng 1 lần. Bạn nên đọc lại bài 6 – Phân cho lan.

Giống lan này khá dễ hoa, thông thường thì không cần kích hoa. Tuy nhiên muốn thật nhiều hoa, bạn có thể bón phân NPK có hàm lượng Lân cao như 6-30-30 hoặc 10-30-20 hoặc 10-30-30 vào tháng thứ 9 sau khi mầm non mọc ra (Ví dụ mùa nở hoa là tháng 4 dương lịch, thì tháng 1 dương bạn phun phân).

Mùa hoa thường là từ tháng 12 âm lịch tới tháng 5 âm lịch tùy giống.
Cây không có mùa nghỉ nên cũng không cần cắt nước, tuy nhiên nếu muốn hoa nhiều hơn bạn vẫn có thể cắt nước vào tháng thứ 9 như trên, cắt nước 1 tháng. Xem bài Cách làm lan nở hoa

Hoa của em này bền từ 5-20 ngày tùy độ sung, nhiệt độ. Bạn muốn hoa thật lâu tàn thì xem bài: Cách làm hoa lâu tàn

Hoa to từ 2-5cm. Vòi hoa có từ 10-30 bông tùy giống, tùy vùng miền.

Các bạn cũng nên nhớ là giả hành năm nay có 1 vòi hoa, thì qua năm sau từ chính giả hành đó hoàn toàn có thể có thêm vòi hoa ở mắt khác. Chính vì thế, bạn không nên cắt giả hành đã ra hoa hoặc trụi lá đi. Chỉ căt giả hành khô đi thôi.

(Nguyễn Ngọc Hà, Liên Nghĩa – Đức Trọng – Lâm Đồng)