Hướng dẫn kỹ thuật ghép lan vào gốc cây

Trồng ghép lan vào gốc cây là kỹ thuật được khá nhiều người trồng lan chuyên nghiệp áp dụng. Với những người trồng lan nghiệp dư, nếu muốn thử kỹ thuật trồng ghép lan này phải tuân thủ một số yêu cầu dưới đây để đảm bảo tỷ lệ thành công cao. 

Chọn gốc ghép lan

Gốc ghép lan phải thô ráp, có thể bị mục để tạo sự thuận lợi cho việc ra rễ của lan, đồng thời tiết kiệm được giá thể trồng lan. Bên cạnh đó, gốc cây không có khả năng tiết nhựa hay hóa chất, không bị bong tróc nhiều lớp vỏ hoặc thay vỏ hàng năm như gỗ cây điều, ổi, bằng lăng,…

Trước khi ghép lan vào gốc

– Tỉa bớt cành hoặc cưa bớt những cành không đẹp, không cần thiết trên gốc.
– Bóc lớp vỏ cây vì đây là nơi ẩn nấp của côn trùng, sâu bệnh.
– Lựa những ngày có nhiều nắng, đặc biệt là nắng ban mai để ghép lan. Điều này sẽ giúp lan phát triển nhanh, nhất là các giống lan rừng.
– Nếu nhiệt độ ngày ghép quá cao, có thể buộc thêm xơ dừa vào xung quanh gốc để khi tưới nước, nước sẽ được xơ dừa giữ lại.

Quy trình ghép lan vào gốc 

– Chuẩn bị gốc cây vú sữa, cây nhãn, cây táo đã được cưa, tỉa cành.
– Bó xơ dừa hoặc dớn vào gốc lan.
– Vòng 1 vòng kẽm quanh gốc để cố định gốc lan.
– Chỉnh sửa những chỗ chưa ưng ý.

Đưa gốc ghép lan vào nơi ẩm ướt để tạo điều kiện cho lan ra rễ. Trong 1 – 2 ngày sau khi ghép, không tưới nước, nếu cây lan quá khô thì chỉ cần tưới dạng phun sương. Đến khi lan ra rễ, có thể bón phân NPK hoặc các loại phân hữu cơ pha loãng để cung cấp dưỡng chất cho cây lan.

Vào mùa nắng hay khi nhiệt độ tăng cao, nên gia tăng lượng phân bón để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho cây lan, đồng thời, đưa cây đến nơi có nhiều sáng để cây phát triển tốt.

* Lợi ích khi trồng lan ghép gốc:

– Tiết kiệm diện tích vườn trồng, chẳng hạn nếu trồng 10.000 chậu lan phải cần diện tích 1.000m2 thì khi trồng ghép gốc, chỉ cần diện tích 500m2.
– Không sợ tình trạng ngập úng, nhất là với lan Hồ điệp.
– Hạn chế nấm bệnh và nhũn lá.
– Lan ra hoa sai và đẹp.
(Lê Trinh)