Hướng dẫn cách tưới nước cho phong lan

Tưới nước cho phong lan là một việc đơn giản, nhưng tưới làm sao cho đúng và tiết kiệm thì không phải ai cũng biết. Dưới đây là hướng dẫn tưới nước đúng cách và tiết kiệm cho các loài phong lan.

Nguyên tắc đầu tiên cần nhớ khi tưới nước cho lan là: Thiếu nước 1 tháng, lan có thể sinh trưởng yếu hoặc ngừng sinh trưởng, nhưng nếu tưới nước hàng ngày, lan có thể bị thối rễ và chết. Điều này lý giải vì sao không nên tưới nước thường xuyên cho lan và không để lan trong tình trạng ngập úng.

Riêng với lan rừng, nếu môi trường độ ẩm cao, có thể không tưới nước cho lan 1 tháng mà hoàn toàn không ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây bởi trong điều kiện tự nhiên, trời không mưa cả tháng, lan rừng vẫn “sống tốt”.


Tiếp đến, tần suất tưới nước và lượng nước tưới phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Việc tưới nước 1 – 2 lần trong tuần hay 1 – 2 tuần một lần sẽ do các yếu tố sau quyết định:

– Thời điểm trong năm (mùa hè hay mùa đông), nhiệt độ cao hay thấp?
– Lan trồng trong mát hay ngoài nắng, ít gió hay nhiều gió?
– Trồng lan trong chậu (chậu đất, chậu nhựa) hay trồng ghép lên thân cây?
– Chất liệu, giá thể trồng lan (đất, than, bùn, rêu, dớn, xơ dừa,…) là gì?
– Kích thước, giai đoạn sinh trưởng của cây lan.
– Giống lan? Chẳng hạn lan Cattleya yêu cầu chậu trồng thật khô mới tưới nước, còn lan Paphiopedilum đòi hỏi chậu trồng phải luôn ẩm ướt.
Nhìn chung, chỉ nên tưới nước nhiều cho lan vào mùa hè, lúc cây đang mọc rễ nhiều và mạnh. Cứ cách 3 – 4 ngày tưới 1 lần, riêng với lan Cymbidium, Paphiopedilum, Odontoglossum, Miltonia thì 2 ngày tưới 1 lần do đây là các giống lan yêu cầu ẩm ướt.

Đến mùa thu, cây ngừng tăng trưởng nên giảm tưới nước, chỉ nên 1 tuần 1 lần. Đến mùa đông, giãn cách 10 – 15 ngày hay thậm chí là 1 tháng tưới 1 lần. Đặc biệt với lan Dendrobium nobile, có thể ngưng tưới nước hẳn giai đoạn này.

Tưới nước quá nhiều hay quá ít đều không tốt cho lan. Nếu tưới quá nhiều, rễ luôn trong tình trạng ướt, khó có thể hút được dưỡng chất để nuôi cây, khiến lá ngả màu vàng, thân còi cọc, yếu ớt. Ngược lại, tưới quá ít lại khiến rễ bị khô, chuyển sang màu xám trắng, không đủ sức để chống đỡ cho cây.
Sau số lần tưới, tiếp đến là lượng nước tưới. Vào mùa hè, có thể tưới thật sũng, thật đẫm để nước có thể ngấm vào chất trồng, đồng thời rửa trôi các chất muối có trong nước mưa hay phân bón. Đến mùa thu, có thể pha Epson Salt với nước để tưới cho lan.

Riêng với những cây lan trồng ghép trên thân cây, có thể ngâm cả lan lẫn thân cây vào nước chừng 15 phút để nước ngấm vào thân cây, dự trữ cho lan. Thực hiện mỗi tuần 1 lần và thay nước thường xuyên để đảm bảo cây không bị nhiễm bệnh.
Đối với lan, biện pháp tưới nước phù hợp nhất là tưới phun sương. Tưới phun sương có nhiều ưu điểm như đảm bảo lượng nước phù hợp ở một thời điểm nhất định, nhất là lúc lan cần nước để nuôi thân, lá và rễ. Không ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng và phát triển của lan, đồng thời, tiết kiệm chi phí tưới, nhân công tưới.

Thời điểm tưới nước tốt nhất cho lan là sáng sớm (riêng mùa hè có thể tưới thêm vào chiều mát) để rễ cây dễ hấp thụ, đồng thời tránh được bệnh tật dễ phát sinh, nhất là với lan Hồ điệp.

Và cuối cùng, nên dùng nước gì để tưới cho lan. Có nhiều loại nước như nước lọc, nước máy, nước mưa, nước giếng, nước trong ao, hồ, sông, suối,… Trong đó, nước lọc Reverse Osmosis (ROS) hay nước cất (Distilled) là tốt nhất, tuy nhiên, tốn kém nhiều nên không thích hợp với các vườn trồng quy mô lớn.
Đối với nước máy, nước giếng hay nước ao hồ, vẫn có thể sử dụng để tưới lan nếu chỉ số cặn dưới 300ppm (Part per million), pH từ 4.0 – 8.0. Tốt nhất nên pha nước máy với nước giếng để tưới cho lan. Tuyệt đối không dùng nước nhiễm mặn, nhiễm phèn hay nước hồ bơi để tưới lan.

Cá biệt một số giống lan buộc phải sử dụng nước lọc, nước tinh khiết để tưới lan như Disa, Draculla, Masdevalia,…

Trên đây là hướng dẫn tưới nước đúng và tiết kiệm cho lan, cần tuân thủ để đảm bảo không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và ra hoa của lan.
(Lê Trinh)