Hướng dẫn cách bón phân cho phong lan

Trong tự nhiên, lan không cần bón phân mà vẫn có thể sinh trưởng, phát triển tốt nhờ phân chim, lá mục và các khoáng chất có lẫn trong không khí, nước mưa. Khi đem về trồng trong điều kiện nhân tạo, chúng ta thường bón phân để cung cấp chất dinh dưỡng cho lan. Quá trình bón phân cần lưu ý những vấn đề sau.

Phân bón được chia thành 2 loại: Phân vô cơ và phân hữu cơ.

– Phân bón hữu cơ: Là loại phân có sẵn trong tự nhiên như phân động vật (heo, bò, trâu, gà, chim,…), nước cá, nước tiểu,…Mặc dù được đánh giá là rẻ tiền và nhiều chất dinh dưỡng, nhưng nên cân nhắc sử dụng phân hữu cơ cho lan bởi phân dễ chịu tác động của nhiệt độ, vi khuẩn, dẫn đến tác dụng chậm.
Bên cạnh đó, phân hữu cơ có mùi hôi khó chịu, nếu sử dụng với số lượng nhiều (cho những vườn trồng lan lớn), chúng sẽ gây ô nhiễm môi trường và không tốt cho sức khỏe con người. Chỉ nên sử dụng phân hữu cơ pha loãng với nước, sau đó để vài ngày rồi mới tưới cho lan. Loại phân này rất thích hợp với giống lan Phaius.

– Phân vô cơ: Là loại phân bón mang 3 nhóm chữ số, nhóm đầu là Nito có tác dụng thúc lá cây mọc mạnh, nhóm thứ 2 là Photpho có tác dụng kích ra hoa hoặc quả, và nhóm thứ 3 là Kali tăng cường khả năng đề kháng cho cây.
Bên cạnh đó, phân vô cơ còn chứa các dưỡng chất khác cần thiết cho cây như sắt, kẽm, đồng,… nhưng với hàm lượng rất ít. Phân cơ cơ thường có nhiều màu sắc như xanh, đỏ, vàng. Màu sắc này không ảnh hưởng đến tác dụng của phân mà chỉ là cách để phân biệt phân này với phân kia.

Mỗi loại phân bón vô cơ có một chỉ số (công thức) khác nhau. Việc lựa chọn sử dụng để bón cho lan cần tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất cũng như phụ thuộc vào từng giống lan.

Có thể sử dụng cả phân bón hữu cơ và phân bón vô cơ cho lan. Tuy nhiên, không giống những cây trồng khác, lan cần rất ít phân bón, vì thế, không lạm dụng phân bón để vừa tiết kiệm, vừa đảm bảo không ảnh hưởng tiêu cực đến cây lan.
Phân bón vô cơ tồn tại ở 2 dạng: Dạng bột tan chậm và dạng viên (hoặc que). Với loại dạng viên (hoặc que), không nên bón quá nhiều vì chúng có thể khiến lan bị cháy rễ. Còn loại dạng bột tan chậm thì sử dụng cho những giống lan cần nhiều phân bón, chẳng hạn như Cymbidium hoặc dùng trong trường hợp không có nhiều thời gian bón phân. Đặc biệt, phải đảm bảo nhiệt độ trên 70 độ F thì lan mới có tác dụng.


Việc sử dụng phân vô cơ phải cân nhắc đến giai đoạn phát triển của cây lan. Cụ thể như sau:

– Thời điểm cây mới mọc, cần bón phân loại 30-10-10.

– Khi cây ngừng tăng trưởng, thay thế bằng phân loại 10-30-20.

– Nếu không muốn thay đổi nhiều loại phân do số lượng cây lan ít, có thể sử dụng hẳn loại phân 15-15-15-hoặc 20-20-20. Không dùng phân có chứa Ure vì tác dụng lâu, phân chưa kịp ngấm thì đã bị rửa trôi do tưới nước hoặc nước mưa.

Nguyên tắc bón phân cho lan là “Bón thật loãng và bón mỗi tuần 1 lần”. Vì thế, mỗi lần bón chỉ sử dụng ¼ – 1/2 muỗng café phân pha với 1 gallon nước.
Một vài lưu ý khi bón phân cho lan

– Nếu xuất hiện dấu hiệu đầu lá bị đen, muối đọng trong chậu thì ngưng hẳn việc bón phân bởi lúc này cây đang thừa phân bón. Đồng thời, tưới Epson Salt hàm lượng 1 muỗng súp pha trong 1 gallon để rửa trôi muối, sau đó xả lại bằng cách tưới nước thật đẫm.

– Tuyệt đối không bón phân khi nhiệt độ dưới 50 độ F hoặc cây đang trong tình trạng khô khốc. Trước khi bón phân 4 – 5 giờ, nên tưới nước cho lan.

– Lan rất kỵ những loại phân bón có chỉ số cao.

– Khi cây đã ra chồi hoa, nụ hoa thì không cần bón phân nữa.

Nếu tuân thủ các nguyên tắc bón phân trên cho lan, bạn sẽ vừa tiết kiệm thời gian và phân bón, vừa đảm bảo lan luôn trong tình trạng khỏe mạnh, sung sức.

(Lê Trinh)