Đặc điểm, cách trồng lan ý thảo chuẩn chuyên gia

Đối với những người chơi lan từ xưa đến nay, lan ý thảo được xem là loài lan đẹp và hiếm, mang vẻ đẹp rất khác biệt so với các loài lan khác.

Đặc điểm và cách nhận biết lan ý thảo

Đặc điểm

Lan ý thảo còn có tên gọi khác là hoàng thảo ý thảo hoặc phong lan ý thảo.  Loài lan này sinh sống ở những khu rừng khô, cây rụng lá sớm hoặc khu rừng xanh ẩm ướt, đất thấp. Tại Việt Nam, lan ý thảo được tìm thấy trong tự nhiên tại các tỉnh Quảng Trị, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng.

Cách nhận biết lan ý thảo

Ý thảo là loài lan đẹp và khá hiếm trong giới chơi lan, mang vẻ đẹp độc đáo và đặc trưng.

Lan ý thảo mọc thành cụm, tập hợp thành bụi to, thân thảo nhỏ, đường kính thân dao động 0,5 – 0,7cm, chiều cao mọc trong tự nhiên khoảng 30 – 40cm.

Lá cây có hình mác, mép lá nhẵn, xếp thành 2 dãy, dài khoảng 10cm, rộng khoảng 1,8cm, có màu giống với thân.

Hoa thường nở vào dịp Tết và mùa xuân. Khi nở, 2 – 4 hoa ở gần nhau hợp lại thành cụm, mọc ở phần thân trên không còn lá. Sắc hoa lan ý thảo rất đặc biệt, được phối trộn từ 3 màu sắc hài hòa, hoa lộn ngược lấy màu tím nhạt làm chủ đạo, phần môi hoa bên ngoài có màu trắng, bên trong có màu vàng cam.

Chuẩn bị trồng lan ý thảo

Giá thể trồng

Ý thảo thường được trồng trên gỗ lũa hoặc trồng chậu. Nếu bạn quyết định trồng lan ý thảo bằng gỗ lũa nên chọn các loại gỗ lâu mục như gỗ vú sữa, gỗ nhãn,…Ưu điểm của cách trồng này là giúp rễ thông thoáng, thoát nước tốt. Chọn được khúc gỗ ưng ý thì tiến hành bóc vỏ và ngâm trong nước vôi trong để loại bỏ hết mầm bệnh.

Đối với trồng lan trong chậu, chọn chậu bằng đất nung, có nhiều lỗ nhỏ thoát nước. Chọn giá thể là than củi giúp thoát nước tốt, bên trên nên cho 1 lớp xơ dừa đã ngâm được loại bỏ muối và ngâm với nước vôi trừ khử mầm bệnh. Việc kết hợp 2 loại giá thể này có tác dụng rất tốt phòng bệnh thối rễ.

Chọn giống

Việc chọn cây giống có ảnh hưởng quyết định đến chế độ chăm sóc và chất lượng ra hoa sau này.

Bạn nên chọn mua giống lan theo từng cụm, không mua rời rạc từng nhánh lẻ. Mắt ngủ cần đảm bảo không bị khô, hư thối.

Lá cây xanh tốt, không bị vàng úa, dập nát. Chọn những cây khô ráo, không đọng nước, không có mầm non sẽ dễ trồng hơn.

Thời gian trồng

Lan ý thảo có thời gian nghỉ khá dài, nên trồng lan vào mùa chúng tăng trưởng, kéo dài từ tháng 3 đến tháng 9.

Cách trồng lan ý thảo

Xử lý giống trước khi trồng

Đây là giai đoạn quan trọng giúp tiết kiệm công chăm sóc và ngăn ngừa hiệu quả nấm bệnh.

Dùng kéo cắt tỉa bớt rễ, chừa khoảng 2 – 3cm, sau đó ngâm trong dung dịch Physan khoảng 20 phút rồi vớt ra để khô. Kế tiếp pha dung dịch thuốc trị nấm Ridomil Gold 68WG, ngâm trong 1 tiếng, rồi treo lên để qua đêm.

Cách ghép gỗ lan ý thảo

Dùng súng bắn ghim để cố định cụm lan lên gỗ lũa. Lưu ý gỡ ghim ra ngay khi lan mọc rễ, rửa sạch các tàn dư sắt oxit do ghim để lại, tránh gây ngộ độc kim loại cho lan ý thảo.

Cách trồng lan ý thảo vào chậu

Cho than củi và vỏ thông vào ⅔ đáy chậu, đặt cụm lan vào, đan xen thêm các rễ dớn hoặc xơ dừa quanh gốc, không được vùi lấp mắt ngủ. Sau đó, dùng dây treo cố định thân lan, giúp cây luôn ổn định và nhanh ra rễ hơn.