Cách xử lý các loại giá thể trồng lan như thế nào?

Điều quan trọng nhất trước khi trồng lan là tìm được môi trường giá thể thích hợp cho từng loại lan. Giá thể trồng lan có rất nhiều loại, mỗi một giá thể phù hợp với một hoặc một số lan nhất định. Giá thể trồng lan cần được xử lý kĩ trước khi trồng.
Vuonlan.net xin chia sẻ cho bạn bài viết “Cách xử lý các loại giá thể trồng lan” để bạn có cái nhìn tổng quát hơn cho việc xử lý giá thể cho vườn lan nhà mình.

1. Vỏ thông – Giá thể trồng lan tốt nhất


Vỏ thông có chứa Resin nên có tính sát khuẩn cao, lâu mục, không đóng rêu, ít có mầm bệnh các loại nấm hại.

Cách xử lý vỏ thông trước khi trồng lan: Ngâm nước 3-10 ngày cho no nước, sau đó ngâm nước vôi trong hoặc Physan 20 hoặc Benkona trong thời gian 30 phút, rửa lại bằng nước trong và sử dụng.

Vỏ thông cũng là 1 loại giá thể giữ muối khoáng, vì thế hàng tháng bạn nên xối thật nhiều nước để rửa giá thể cho trôi bớt muối đi. Biểu hiện của giò lan bị thừa muối là lá và đầu lá bị vàng và khô cháy.

2. Dớn – Giá thể trồng lan phù hợp với nhiều loại phong lan

Dớn là loại cây dương xỉ hoặc rêu được phơi khô và ép thành những hình dạng, hoặc để mụn vậy để sử dụng làm giá thể cho lan. Và dớn là một loại giá thể phổ biến trong trồng lan hiện nay.

 

Cách xử lý giá thể dớn trồng lan:

➤ Bước 1: Rửa thật sạch với nước lã. Rũ sạch đất, cát, lá và vỏ cây tạp. Sạch tới mức nước giặt trong veo luôn thì tốt nhất.

➤ Bước 2: Ngâm nước vôi hoặc nước vôi trong với thời gian 2 tiếng tới 2 ngày. Mục đích chính là trung hòa axit, diệt cỏ dại, côn trùng gây hại như cuốn chiếu, sâu đất, kiến, mối, rết, ốc và sên, tiêu diệt các loại nấm khuẩn.

Hoặc bạn có thể ngâm Physan 20 nồng độ 2ml/1lít nước 1-24 tiếng. Hoặc ngâm Benkona nồng độ 2ml/1 lít nước.

➤ Bước 3: Rửa lại với thật nhiều nước lã, rửa trôi hết nước vôi đi.

➤ Bước 4: Ghép lan lên hoặc cho vào chậu hoặc làm tã đắp lên giò lan.

3. Than củi – Giá thể trồng lan được ưa chuộng nhất

Than củi là loại giá thể trồng được nhiều loại lan nhất hiện nay. Bên cạnh những ưu điểm vượt trội của Than củi như: Giữ ẩm tốt, kháng khuẩn hiệu quả. Thì Than củi mang nhược điểm là giữ muối (Gốc ion muối từ các loại phân bón còn soát lại).

Trung bình than bền 5-10 năm. Giã nhỏ than thì giữ ẩm tốt hơn là để cả cục to. Tuy nhiên, độ giữ ẩm kém, giữ muối nhiều và nhanh làm hư bộ lá của lan, cây lan trồng than lên chậm chạp và yếu ớt.

Xử lý than rất đơn giản, bạn chỉ cần ngâm nước cho tới khi than chìm xuống là dùng được. Sau khi tiến hành xử lý, cần để ráo giá thể than củi và sau đó sử dụng để trồng lan bình thường.

4. Xơ dừa – Giá thể trồng lan

Xơ dừa có khả năng giữ ẩm rất tốt, nhưng không thoáng, dễ bít chậu gây úng rễ. Tự làm xơ dừa bằng cách mua dừa trái về, bóc ra, lấy búa đập nát, phơi khô, ngâm nước vài lần trong vài ngày để rửa sạch muối (Nên ngâm khoảng 5 ngày và thay 10 lần nước). Có thể ngâm nước vôi trong rất tốt. Dùng làm tã hoặc giá thể ươm kei đều rất tốt. Độ bền khoảng 2 -3 năm.

5. Gỗ và lũa – Dùng làm giá thể trồng các loại lan thân thòng

Gỗ giữ nước kém, thoáng bộ rễ, dể tìm kiếm. Không nên dùng gỗ của cây có tinh dầu như thông ngo, dầu, gió bầu (trầm, kỳ nam)….Nên khoan lỗ, đóng đũa để ghép cho dễ….Các loại gỗ như vú sữa, nhãn, vải, dẻ, trò, cẩm, sao, dầu, bằng lăng….Không nên ghép gỗ cà phê, mít, bơ, xoài (trừ trường hợp cây còn sống) vì độ bền mấy loại gỗ này rất tệ, 1-2 năm là nát nhuyễn.

Cách xử lý gỗ – lũa để trồng lan:

➤ Bước 1: Có cục lũa (mua, xin, lụm – nhặt, đổi).

➤ Bước 2: Dùng bàn chải sắt chải thật sạch đất cát, rêu (bàn chải sắt khoảng 20 ngàn 1 cái hoặc dùng máy). Nếu loại gỗ lũa làm bạn không yên tâm rằng lan bám lên được thì lên khò lửa hoặc thui cháy xém lớp bên ngoài đi. Dùng vòi nước áp suất cao phun thật kỹ.

➤ Bước 3: Ngâm nước cho cục lũa ngậm no nước và trong quá trình ngâm, bạn nên thay nước 5-10 lần để nó thôi hết muối chát hoặc chất đắng, chua, cay ra. Ngâm 7-15 ngày. Nếu lũa to quá ngâm không được thì xối nhiêu nước và đắp chăn ướt cho nó hút no nước.

➤ Bước 4: Ngâm nước vôi ít nhất 30 phút hoặc rửa bằng nước vôi hoặc nước vôi trong. Bạn cũng có thể dùng Physan 20 hoặc Benkona thay thế nước vôi.

➤ Bước 5: Rửa lại bằng nước sạch với thật nhiều nước. Rồi để ráo nước cỡ một vài tiếng.

➤ Bước 6: Làm móc (móc thật chắc, to để tránh bị bửa móc, dây thép hoặc dây đồng cứng là tốt nhất. Nếu cục lũa to quá bạn nên đổ bê tông tạo đế thật chắc chắn.

➤ Bước 7: Cố định lan vào lũa, treo lên giàn hoặc đặt lên khay, chăm sóc và thưởng thức.

6. Vỏ lạc (vỏ đậu phộng) – Giá thể trồng lan

Vỏ lạc rất giàu đạm, bạn chỉ cần ngâm 1 lần nước vôi sau đó rửa sạch là dùng được. Độ thoát nước tốt, độ bền 2-3 năm.

Vỏ cà phê om, trấu om (đốt thành than mà cháy không hoàn toàn) chỉ cần rửa bằng nước sạch là dùng được. Độ thoát nước kém dễ làm thối rễ lan.

Mùn cưa gỗ vú sữa, nhãn, vải, dẻ… độ bền 2 năm (nhanh mục). Xử lý ngâm nước vôi sau đó rửa sạch là dùng được.

7. Viên đất nung, đá sỏi – Giá thể trồng lan hot nhất hiện nay

● Viên đất nung được nung ở nhiệt độ cao trên 1000 độ C. Sản phẩm có độ sạch khuẩn cao, cấu trúc xốp và bề mặt có khe hở.

● Chính đặc tính như trên làm cho viên đất nung – sỏi nhẹ được giới chơi hoa lan ưa chuộng để trồng các loại hoa lan hiện nay.

● Thông thường nhất hiện nay, Viên đất nung khi mua về không cần qua xử lý mà có thể sử dụng ngay. Sau mỗi một đợt trồng, bạn nên xử lý lại bằng nước vôi và có thể trồng lại bình thường.

Nguồn: Sưu tầm