Cách phòng bệnh cho lan chuẩn nhất

Bài viết rất hữu ích về cách phòng bệnh cho lan của bác Nguyễn Ngọc Hà – Đức Trọng, Lâm Đồng, vuonlan.net xin trích đăng:

Để thành một nghệ nhân trồng lan trước tiên phải trải qua một khoảng thời gian làm nạn nhân. Đã nhiều lần nhìn giò lan yêu quý của mình từ từ lụi tàn và ra đi mãi mãi với bao niềm tiếc nuối, sau đó là sự tìm tòi và thực nghiệm, tôi đã rút ra được những kinh nghiệm nhỏ, nay chia sẻ với các bạn để giúp các bạn luôn vui vẻ khi đến với thú chơi lan.

Có rất nhiều yếu tố gây bệnh cho lan, tôi xin liệt kê và trình bày cách khắc phục để bạn chơi lan dễ dàng khắc phục.

1. GIÀN LAN: Việc đầu tiên để phòng trừ sâu hại và các loại bệnh trên lan chính là thiết kế một giàn lan chuẩn khoa học và phù hợp với điều kiện tự nhiên của nơi bạn sống.

– Nếu giàn lan quá thấp (ví dụ dưới 3m), sẽ rất nóng và hầm hơi, bí, không khí kém lưu thông, khi đó lan của bạn rất dễ bị nấm khuẩn gục ngọn teo thân, đốm lá… Phong Lan – bản thân cái tên đã nói lên rằng lan cần gió, thường thì tốc độ gió lưu thông từ 5-15km/h sẽ giúp lan phát triển mạnh và ít bệnh. Nguyên tắc: GIÓ NHƯNG KHÔNG BÃO.

Nếu diện tích trồng lan hẹp thì giàn càng phải cao (dĩ nhiên là không quá cao tới mức thang với không tới và không ngắm được lan).

– Treo lan cách lưới càng xa thì lan càng được mát mẻ, treo sát lưới thì khả năng lan bị hấp chín, vàng lá, héo rũ dù bạn có tưới vài lần 1 ngày cũng là bình thường. Thời gian qua, tôi thấy có 1 số bạn trồng lan trên sân thượng mà vị trí cây lan tới lưới có 60cm, buổi trưa, bạn sẽ thấy cảnh lan nhà bạn chịu nhiệt độ trên 40 độ C. Nên cho cây lan cách lưới che nắng ít nhất 1,2m và tốt nhất là 1,5m nếu bạn ở vùng nóng.

Nếu NHIỆT ĐỘ vào mùa nắng quá cao, bạn nên làm 2 lớp lưới, cách nhau 10-30cm để giữa 2 lớp 1 khoảng không để cách nhiệt, nhiệt độ trong giàn bạn đảm bảo giảm xuống mức rất dễ chịu. Thay vì làm 1 lớp lưới che 50-60% ánh nắng, bạn nên chọn 2 lớp mà mỗi lớp chỉ che 30% ánh nắng. Nguyên tắc: NẮNG NHƯNG KHÔNG NÓNG.

– ĐỘ ẨM trong vườn quá cao và không thông thoáng chính là MÔI TRƯỜNG LÝ TƯỞNG CỦA NẤM VÀ KHUẨN sinh sôi nảy nở. Mỗi loài sinh vật đều có môi trường tối ưu nhất để phát triển, các loại nấm khuẩn gây bệnh thán thư, đốm mắt cua, đốm nâu, thối đen thân, thối nhũn… cần phải có độ ẩm không khí cao mới phát triển mạnh. Nguyên tắc là ẨM NHƯNG KHÔNG ÚNG, ẨM NHƯNG KHÔNG BÍ.

– ĐỘ THOÁNG: mùa khô hay ít mưa thì bạn nên treo lan gần nhau, có khi giò này treo sát vào giò kia. Tuy nhiên khi bắt đầu mùa mưa, bạn nên treo xa nhau ra (thường thì khoảng cách bằng 0,5 – 1 lần kích thước giò, ví dụ giò đường kính giò lan là 50cm, thì nên treo cách nhau ít nhất 25cm, tốt nhất là 50cm), vừa tránh va đập vỡ chậu khi gió to, đỡ lây bệnh cho nhau và tạo độ thoáng cho vườn.

– CHẤT LIỆU GIÀN tốt nhất nên làm bằng thép không rỉ hoặc tuýp nước hoặc thép nhúng kẽm, tuy mắc nhưng chắc chắn, bền. Đảm bảo sên không thể leo lên chậu lan của bạn được. Nếu làm bằng tre, tầm vông, gỗ thì sên, ốc… sẽ leo lên giò lan rất dễ dàng, ngoài ra nước rỉ ra từ ống tre nứa cũng chính là ổ nấm khuẩn hại lan.

– Lưới che nắng của Thái hoặc Đài Loan luôn là lựa chọn hàng đầu. Tốt nhất là không dùng lưới đen rẻ tiền độ bền chưa được 2 năm khi chơi lan. Vì khi lưới rách hoặc nát, việc thay lưới sẽ rất khó và hư hại lan. – Thường xuyên quét rác, lá rụng, nhổ cỏ dại và rắc vôi dưới nền giàn. Giàn lan chuẩn sẽ tạo ra một Tiểu Khí Hậu chuẩn.

2. XỬ LÝ GIỐNG

Dù bạn trồng lan ra chai hay bóc rừng hoặc thay chậu thì BẮT BUỘC phải xử lý giống cho cẩn thận. Nếu không thì hậu quả sẽ rất đắt. Cá nhân tôi khi mới chập chững vào nghề chưa biết gì, cũng chủ quan. Khi tôi mua hàng ký về chỉ cắt rễ, lá dập nát sơ sơ rồi ghép ngay, không xử lý ngâm thuốc gì cả. Tỷ lệ lan chết rất cao (trung bình 30%, thậm chí có lô chết 80% – Hải Yến, Bạch Hỏa Hoàng, Thanh Hạc…). Bạn nên ngâm lan của bạn trong dung dịch Physan 20 liều 1ml pha 1 lít nước để diệt nấm khuẩn trong 10-15 phút. Khi bạn mang ra để ráo nước rồi ngâm các chất kích thích ra rễ nảy chồi sau đó ghép thì tỷ lệ lan bị thối nhũn là rất thấp. Bạn có thể thay thế Physan20 bằng Nano bạc hoặc Benkona.

3. PHÂN CHO LAN

Bón phân CÂN ĐỐI chính là cách phòng bệnh HIỆU QUẢ nhất. Làm cây lan to mập rất dễ, chỉ cần đạm nhiều thì giả hạc to bằng ngón tay cái hay to bằng ống nước phi 21 là chuyện trong tầm tay. Tuy nhiên tế bào biểu bì sẽ ít và thành tế bào rất mỏng manh, vi khuẩn và nấm xâm nhập 1 cách đơn giản dễ dàng. Chính bởi vậy, nếu bạn trồng vài chục giò hay vài trăm giò không vì kinh doanh, thì chỉ nên dùng NPK các chỉ số đều hoặc gần bằng nhau là ổn hơn cả (Ví dụ NPK 20-20-20Te của Growmore) hoặc phân tan chậm của Nhật 14-13-13, và 10-15 ngày phun (Nano đồng + Chế Phẩm Hùng Nguyễn + Trung Vi lượng) một lần. Giả hành phải cứng cáp, dẻo dai thì lan mới khỏe.

– Thiếu Đạmthì lan còi cọc, ít và chậm ra lá, giả hành ngắn và nhỏ.

– Nếu thiếu Lân (P) cây dễ gãy đổ, đề kháng kém, rễ ít, chậm ra rễ, mầm ít.

– Thiếu Kali (K) lan chậm lớn vì kali giúp cây chuyển hóa năng lượng.

– Thiếu Canxi (Ca) cây dễ gãy vì không hấp thụ được lân, rễ và ngọn kém phát dài và phân nhánh, sức đề kháng và chịu đựng môi trường thay đổi thất thường rất kém. Đen và chùn đầu rễ.

– Thiếu Magie (Mg) lá vàng vọt, có những vết sọc vàng ở gân lá, và dù bạn bón NPK nhiều cũng vô ích vì rễ không hút được và cũng không vận chuyển lên lá, lên ngọn được.

– Thiếu Lưu Huỳnh (S) thì lan sẽ chậm lớn, cây cứng mà nhỏ, lá vàng lợt nhẹ và ít hoa.

– Thiếu Sắt (Fe) cây thiếu oxi, lá chuyển thành màu bạc rồi từ từ trắng luôn.

– Thiếu Mangan (Mn) cây quang hợp kém, khó hấp thụ được Lân, Canxi và Sắt. Nếu thiếu nghiêm trọng, lá lan sẽ có những đốm nhỏ bị hoại tử và lõm vào.

– Thiếu Kẽm (Zn) thì cây lan bị rối loạn trao đổi Auxin gây ức chế sinh trưởng và bạn sẽ có các thể loại lan NÙ, RỤT RỊT. Đốt lan sẽ ngắn lại, nhỏ, có khi méo mó. Lá non có khi trắng sáng hoặc vàng sáng.

– Thiếu Đồng (Cu) lá cong queo, không sáng mướt và lan ra rất ít hoa hoặc không ra hoa. Chịu lạnh kém.

– Thiếu Bo (B) thì cây lan không hấp thụ được đủ Đạm và có thụ phấn cũng không tạo được hạt. Nụ hoa có ra cũng vàng và từ từ vàng teo đi, rụng luôn. Nếu thiếu nghiêm trọng thì bạn dùng Atonick hoặc kích kei Pro,Spay, hay chế phẩm Thầy Hùng làm mắt ngủ nó thức dậy sau đó nó cũng chết luôn. Cái này gọi là thức dậy và đi chết!

– Thiếu Molipden cây tự nhiên lá vàng và đứng ngọn vì hấp thụ lân và đạm kém. Rụng nụ. Sau những trận mưa axit thì lan rất hay bị thiếu Mo.

– Thiếu Clo (Cl) thì cây hấp thu Canxi, Magie, Kali kém. Bên cạnh đó cây sẽ thoát hơi nước mất kiểm soát cân đối, sinh ra thân giả hành và lá héo và nhăn nheo. Bên trên là vài gạch đầu dòng mà tôi đúc kết ra từ vườn của tôi và tài liệu khoa học đáng tin cậy. Mỗi chất đều có vai trò nhiệm vụ quan trọng riêng, chúng liên kết móc nối với nhau nên đôi lúc thiếu 1 chất sẽ dẫn tới thiếu thêm 3-5 chất khác là chuyện rất bình thường. Vì thế bạn đừng thắc mắc tại sao bạn gắn phân tan chậm nhiều mà cây không lên nổi, trong khi ông hàng xóm treo đại dưới tán cây thì lan lên rất mạnh.

4. GIÁ THỂ

Xử lý giá thể quyết định thành bại của giò lan. Nếu bạn không muốn bị cỏ dại, sên nhớt, nấm khuẩn, nấm trắng ký sinh… tấn công cây lan thì phải xử lý kỹ. Tốt nhất vẫn là ngâm Physan hoặc LUỘC chín trong 15 phút hoặc ngâm nước vôi 2-4 ngày sau đó rửa lại. Có nhiều bạn nhắn tin hỏi tôi sao lan nhà bạn rễ bị chùn, teo, héo đầu rễ và rễ. Lý do vì giá thể quá bẩn (dơ), quá chát chua (acid)… Bên cạnh đó cỏ dại, rong rêu địa y và thậm chí cả cây rừng mọc nhiều trong chậu lan, chèn và hút hết chỗ và chất của cây lan. Tùy theo vùng miền bạn sinh sống mà chọn giá thể phù hợp, nếu vùng bạn mưa dầm nhiều ngày thì nên chọn giá thể thoáng như vỏ thông, dớn vụn đá, viên đất nung hoặc dớn bảng, lũa. Nếu giàn chuẩn và chế độ phòng bệnh tốt thì mới nên chọn rêu hoặc dớn cù lần xay hoặc dớn trắng Chile nếu không lan sẽ thối hết rễ và mầm.

5. ĐẶC TÍNH SINH HỌC GIỐNG LAN

Tùy mỗi loài lan mà ta có chế độ chăm sóc khác nhau. Nếu cho chúng vào điều kiện không thuận lợi, thì nhất định chúng sẽ kém phát triển hoặc bệnh tật. Vì thế khi mua lan về, bạn phải tìm hiểu xem giống lan đó:

– Ăn nắng bao nhiêu phần trăm %.

– Nên sống khô hay thích ướt.

– Nên che nilon hay không che.

– Nên bón nhiều hay bón ít.

– Thích mát hay thích nóng.

– Thích gió nhiều hay đứng gió.

6. XỬ LÝ LAN BỆNH VÀ CÁC LOẠI THUỐC BỆNH

– CÔN TRÙNG

– Nếu lan đã bị bệnh, nên cách ly ngay, mang mầm bệnh ra khỏi vườn, ngừng tưới nước (1-2 ngày sau khi phun thuốc) và ngừng bón phân để xử lý triệt để bệnh, sau đó mới mang ra giàn chăm sóc lại bình thường.

– Luân phiên phun Nano bạc hoặc Benkona hoặc Agrifos 400 liều như trên bao bì. Cứ 15-30 ngày 1 lần vào mùa ít mưa và 7-15 ngày 1 lần vào mùa mưa.

– Cứ 2 tháng 1 lần phun thuốc phòng diệt bọ trĩ, nhện đỏ, kiến đen có cánh, ruồi vàng, cuốn chiếu, gián, muỗi, rệp… một lần. Các loại thuốc như (Movento + Pesieu; SK Enspray 99 + Fendona; thuốc sinh học tự chế từ Tỏi Ớt Gừng…). Tốt nhất nên có lưới quây che chắn côn trùng bay vào giàn. Các vết chích, giữa, hút và đẻ trứng của côn trùng chính là cánh cửa chào đón nấm và vi khuẩn.

– Chu kỳ 2 tháng 1 lần rải bả sên nhớt 1 lần. Lời kết: Bạn phải kết hợp tất cả các yêu tố trên với nhau thì mới có giải pháp trọn vẹn, thiếu 1 cũng không được. Các loại thuốc tôi giới thiệu đều là các loại chế phẩm hoặc thuốc sinh học hoặc thuốc nhãn Xanh Lá Cây, an toàn với con người (rất ít độc) và thân thiện môi trường. Tôi mong muốn các bạn có được lan đẹp và sức khỏe thật tốt cũng như tạo được không gian xanh cho nơi mình ở. Có nhiều mục bên trên còn sơ sài, tôi sẽ đề cập chi tiết ở các chuyên mục sau. Trong bài có hình ảnh bộ sản phẩm kích rễ và phân bón trong quá trình sinh trưởng của lan, bạn nhớ xem hình.

Nếu thấy hay và hữu ích, xin hãy CHIA SẺ để lan tỏa kiến thức tới cộng đồng và nâng tầm ngành lan Việt Nam.

(Nguyễn Ngọc Hà – Đức Trọng, Lâm Đồng)