Cách điều trị bệnh thán thư trên hoa phong lan hiệu quả nhất

bệnh thán thư

Để có những giò lan khỏe, đẹp không phải dễ mà cũng không phải quá khó nếu bạn biết cách bắt bệnh và chăm sóc lan đúng cách. Căn bệnh phổ biến trên lan và ở một số loại cây trồng khác đó là bệnh thán thư. Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để biết dấu hiệu và biện pháp phòng chữa bệnh thán thư cho hoa phong lan như thế nào ngay nhé!

Bệnh thán thư là gì?

Bệnh thán thư ( nhiều người còn gọi đó là bệnh đốm than) là một căn bệnh cực kì phổ biến trên cây trồng và xuất hiện cả trên phong lan. Đây là chứng bệnh gây hại đến nhiều bộ phận của cây, đặc biệt là lá, ngọn và mầm chồi.

bệnh thán thư

Đặc điểm nhận biết bệnh thán thư 

Trên lá của cây lan bắt đầu xuất hiện những đốm đen tròn, nhỏ. Sau một thời gian những đốm đen này lan rộng và kéo theo những khu vực xung quanh nó có màu vàng. Nặng hơn nữa những khu vực này sẽ khô dần dần, hơi lõm xuống và có màu sẫm lại hình thành nên những vùng lá khô bất ngờ, loang lổ khắp bề mặt lá.

Mặt dưới của lá nếu để ý bạn có thể thấy những bào tử nấm màu đen, rõ hơn bạn có thể sử dụng kính lúp. Nếu bệnh nặng hơn có thể chết cây nếu không cứu chữa kịp thời. Nếu những loại lan có lá khá mỏng thì những vết bệnh này thường xuất hiện ở đầu lá và ăn dần vào bên trong. Nếu những loại lan có lá dày thì vết bệnh thường xuất hiện trên bề mặt lá.

>>> Bạn có thể đọc thêm:Bệnh đốm ở hoa lan và cách khắc phục

Nguyên nhân gây ra bệnh thán thư 

Tác nhân gây bệnh do nấm Colletotrichum gloeosporioides và Cephaleures virescens gây ra. Nguồn nấm này tồn tại ở môi trường trồng lan, giá thể chưa được xử lý, dưới đất hay bám vào chậu lan,… bất kì chỗ nào.

Bên cạnh đó còn do dưới điều kiện nhiệt độ cao, vườn không thoáng gió, mưa nắng thất thường như mùa hè tại miền Bắc ( tháng 4 đến tháng 8), nấm Colletotrichum dễ dàng sinh sôi nảy nở và xâm nhập vào cây lan. Chúng có thể xâm nhập vào qua các vết thương cơ giới hoặc lớp biểu bì của cây. Bệnh thán thư càng phát triển mạnh dưới điều kiện ánh sáng thấp, độ ẩm cao hoặc ở những cây lan thiếu chất, đặc biệt là Photpho.

bệnh thán thư

Biện pháp phòng ngừa thán thư trên phong lan

+ Xử lý chất trồng trước khi trồng lan để tránh mầm nấm bệnh có thể phát triểt

+ Đối với những cây đã bị bệnh, cách ly và tiêu hủy những mầm bệnh tránh lây lan khác trong vườn.

+ Không nên tưới quá nhiều nước cho lan, đặc biệt là vào buổi tối. Thay vào đó bạn hãy thay đổi thói quen tưới lan từ tối sang sáng sớm

+ Tạo giàn lan thoáng gió, không được bịt kín gây bí bách dễ làm mầm bệnh phát triển.

+ Thường xuyên để ý giàn lan, nếu có dấu hiệu thì chúng ta sử dụng thuốc trị thán thư phun toàn bộ giàn lan theo đúng liều lượng trên bao bì.

>>> Đọc thêm:Cách chữa bệnh rỉ sắt trên cây lan

Cách điều trị bệnh thán thư trên phong lan

Khi phát hiện cây lan mắc bệnh thán thư, bạn có thể sử dụng những loại thuốc sau để có thể đặc trị: Carbenzim, Vicarben, Score 250EC, Folpan 50SC, Topsin M, Ridomilgold 68WG. Hiện nay các nhà thuốc bảo vệ thực vật đều có sẵn những loại thuốc này với giá khá rẻ. Chính vì thế bạn có thể dễ dàng tiếp cận được thuốc chữa bệnh cho lan hiệu quả.

Nếu cây mới chớm bệnh nhẹ ta sử dụng thuốc phun toàn bộ giàn lan và ngắt nước 1-2 ngày. Nếu cây bị bệnh nặng, chúng ta cần cách ly chậu lan này ra một khu vực riêng và phun toàn bộ giàn lan để tránh mầm bệnh lây lan. Đối với cây lan bị bệnh nặng, cắt nước ngay lập tức để tránh bệnh trầm trọng hơn. Dùng kéo cắt phần bệnh và mang đi tiêu hủy tránh vất trong vườn làm mầm bệnh lây lan. Dùng keo liền sẹo bôi vào vết cắt, sau đó để khô rồi pha thuốc và xịt cho cây theo đúng liều lượng. Khi thấy cây đã cứng cáp, vết bệnh không còn ta đưa trở lại giàn và chăm sóc lan như bình thường.

Chúc các bạn có thể điều trị bệnh thán thư trên phong lan hiệu quả nhất, tránh được thiệt hại cho chậu lan vườn nhà. Mùa mưa này độ ẩm cao, nhiệt độ cao nhiều bệnh phát triển mạnh.